Mỹ đưa bệ phóng tên lửa mới tới Philippines tập trận
Bệ phóng tên lửa mới của quân đội Mỹ, với khả năng triển khai tên lửa hành trình Tomahawk và SM-6, vừa xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để tham gia cuộc tập trận ở miền bắc Philippines.
Hệ thống tên lửa đất đối đất tầm trung MRC Typho của quân đội Mỹ. (Ảnh: Naval News)
Hệ thống tên lửa đất đối đất tầm trung MRC Typho được Lockheed Martin thiết kế, sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng Mk.41 từ biển và được sửa đổi để hoạt động trên bộ.
Bệ phóng này là thành phần cốt lõi của Lực lượng Đặc nhiệm đa miền (MDTF) mới của quân đội Mỹ. Lực lượng này được thành lập để đối phó với các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Khẩu đội Typhon, bao gồm 4 bệ phóng, 1 trung tâm chỉ huy và các phương tiện hậu cần liên quan, được giao cho Tiểu đoàn Hỏa lực chiến lược của lực lượng đặc nhiệm.
Trong lần triển khai đầu tiên đến châu Á, Washington vận chuyển Typho trên chiếc C-17 Globemaster của Không quân Mỹ. Vượt qua hơn 8.000 dặm và 15 giờ bay, bệ phóng tên lửa hành trình trên mặt đất đầu tiên của Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh đã được đưa đến sân bay ở Bắc Luzon, để tham dự cuộc tập trận song phương Salaknib 2024.
Trong những năm gần đây, Salaknib bao gồm bài tập cấp cao hơn như phòng thủ bờ biển, trong bối cảnh quân đội Philippines chuyển trọng tâm từ an ninh nội địa sang phòng thủ ven biển.
Năm ngoái, Tổng tư lệnh quân đội Philippines lúc bấy giờ là ông Romeo Brawner cho biết, Manila sẽ mua HIMARS, một hệ thống tên lửa khác của Mỹ, để tăng cường khả năng phòng thủ.
Những hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng trong vùng biển tranh chấp, khiến Manila quyết định tăng cường hợp tác với Mỹ và các quốc gia khác, bao gồm triển khai những cuộc tập trận và mở rộng hợp tác quân sự.
Từ Bắc Luzon, tên lửa của Typhon không chỉ có thể bao phủ toàn bộ eo biển Luzon mà có thể vươn đến cả bờ biển Trung Quốc và các căn cứ của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ đang thúc đẩy các hình thức hợp tác tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy lợi ích của nước này và đối phó hiệu quả hơn các thách thức chung.