Mỹ đau đầu, Nga hưởng lợi từ việc OPEC+ giảm sản lượng dầu

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Trong khi Mỹ cảnh báo xem xét lại một số khía cạnh trong quan hệ với Arab Saudi vì quyết định giảm sản lượng dầu khai thác của OPEC+ thì Nga được cho là lại hưởng lợi từ động thái này.

OPEC+, nhóm gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác liên minh, trong đó có Nga, ngày 5/10 nhất trí cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 11 tới. Arab Saudi, đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, là nước dẫn dắt OPEC và có tiếng nói quan trọng trong quyết định cắt giảm sản lượng dầu.

Ảnh minh họa: NewYorkTimes

Ảnh minh họa: NewYorkTimes

Theo Reuters, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu sẽ khiến đẩy giá dầu lên cao, ít nhất là trong ngắn hạn. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại bước đi của OPEC+ sẽ khiến giá cả chung leo thang, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và kéo theo bất lợi cho đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào đầu tháng 11/2022.

Hôm 6/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo Washington có thể xem xét các phương án liên quan tới quan hệ với Arab Saudi. "Chúng tôi đang xem xét các phương án để phản ứng. Chúng tôi đang thảo luận chặt chẽ với quốc hội", ông Blinken nói.

Ông Blinken không liệt kê cụ thể các phương án mà Mỹ đang cân nhắc. Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi cắt giảm xuất khẩu khí tài quân sự cho Riyadh, trong khi một số nghị sĩ đặt dấu hỏi về quan hệ an ninh giữa Mỹ và Arab Saudi.

Mỹ cũng cáo buộc OPEC+ "đứng về cùng một phía" với Nga và cảnh báo quyết định cắt giảm sản lượng là một bước đi thiếu tầm nhìn. Washington cho rằng, thế giới đã chịu đựng đủ từ việc giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Đáp lại lập luận trên, Arab Saudi mô tả các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới chỉ cắt giảm sản lượng để phản ứng với việc lãi suất tăng vọt ở phương Tây, nơi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang chậm trễ giảm thanh khoản, làm đồng USD tăng giá trị và khiến giá dầu giảm.

Các nhà phân tích đánh giá quyết định giảm sản lượng còn là chỉ dấu cho thấy những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi. Tổng thống Mỹ Biden hồi tháng 7 từng đến Arab Saudi và gặp Thái tử Mohammed bin Salman trong nỗ lực vận động Riyadh không giảm sản lượng dầu, nhưng không thành công.

Trong khi Mỹ nổi giận, động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ được cho là sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Do tác động của chiến sự Ukraine, Nga đã giảm một phần sản lượng khai thác và hiện đang sản xuất khoảng 9,9 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu 11 triệu thùng/ngày mà các bên đồng thuận thời gian trước.

Theo thỏa thuận cắt giảm mới nhất của OPEC+, Nga sẽ phải giới hạn lượng dầu khai thác tối đa từ 11 triệu thùng/ ngày xuống 10,5 triệu thùng, tức vẫn cao hơn con số mà họ thực tế khai thác.

Như vậy, phần cắt giảm sản lượng thực tế chủ yếu đến từ các nước OPEC+, còn Nga lại được hưởng lợi từ giá dầu tăng.

Điện Kremlin cùng ngày đã ra tuyên bố ủng hộ bước đi của OPEC+, coi đây là động thái giúp ổn định thị trường. "OPEC và định dạng OPEC+ đã nhiều lần đã chứng tỏ uy tín của họ với vai trò là tổ chức có trách nhiệm, giám sát sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov phát biểu.

Nguồn: [Link nguồn]

OPEC + cắt giảm sâu sản lượng dầu, Mỹ chỉ trích

Các nước thành viên OPEC + (có Nga) đã nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng dầu, một động thái khiến nguồn cung dầu vốn đã hạn chế lại càng thêm eo hẹp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN