Mỹ: Cảnh sát cùng quỳ gối, xuống đường với người biểu tình
Cảnh sát Mỹ phản đối việc đồng nghiệp da trắng dùng gối kẹp cổ người da màu George Floyd đến chết bằng hành động quỳ gối và sát cánh cùng người biểu tình xuống đường.
Làn sóng biểu tình phản đối vụ một cảnh sát da trắng dùng đầu gối kẹp cổ khống chế người đàn ông da màu George Floyd đến chết vẫn đang sục sôi khắp nước Mỹ.
Sự việc đau lòng xảy ra ở TP Minneapolis (bang Minnesota) ngày 25-5. Viên cảnh sát da trắng đã dùng đầu gối kẹp cổ ông Floyd sát xuống mặt đất trong hơn tám phút. Sau khi ông Floyd chết, viên cảnh sát đã bị bắt và bị truy tố tội giết người.
Hai ngày qua tại nhiều địa phương, không chỉ người biểu tình xuống đường mà cả cảnh sát cũng thể hiện thái độ phản đối sự việc bằng hành động công khai quỳ gối giữa đường, theo tin từ đài NBC News.
Cảnh sát quỳ gối tại TP Coral Gables, bang Florida (Mỹ) ngày 30-5, thể hiện thái độ phản đối trong vụ một đồng nghiệp da trắng của mình dùng đầu gối kẹp cổ một người đàn ông da đen tên George Floyd đến chết. Ảnh: EVA MARIE UZCATEGUI/AFP-GETTY IMAGES
Rất nhiều quan chức và nhân viên cảnh sát khắp nước Mỹ thừa nhận cách hành xử của viên cảnh sát da trắng ở Minneapolis là không thể chấp nhận được.
Ông Art Acevedo, cảnh sát trưởng TP Houston, bang Texas – quê nhà của ông Floyd nói cái chết của người da màu này phải bị “toàn bộ lực lượng thi hành luật pháp và cộng đồng chúng ta lên án”.
“Cái chết của ông ấy như một sự nhắc nhở khắc nghiệt rằng khi cảnh sát có hành động không tốt, nó sẽ có ảnh hưởng đến các cộng đồng người da màu và người nghèo” – ông Acevedo lo ngại.
Ông Art Acevedo, cảnh sát trưởng Houston, bang Texas (Mỹ) khoác vai một phụ nữ trong một cuộc tuần hành tìm công lý cho người đàn ông da màu George Floyd, ngày 30-5. Ảnh: MARK FELIX/AFP – GETTY IMAGES
Ông Acevedo nói những lời này khi đứng trước một đám đông bên ngoài một nhà thờ ở Houston. Với đôi mắt rướm nước không thể che giấu cảm xúc, ông Acevedo nói ông không chỉ thông cảm với làn sóng biểu tình mà còn thấy giận dữ với những người Mỹ “không nhận ra vấn đề”. đã đích thân tham gia cuộc tuần hành tìm công lý cho ông Floyd vào ngày 30-5.
“Mọi người mẹ, người anh, người chị, người chú, người dì da đen, họ đã nhìn thấy hình ảnh gia đình mình từ khuôn mặt của ông George” – ông Acevedo nói trong cảm xúc.
Cảnh sát quỳ gối ở TP New York, bang New York (Mỹ). Ảnh: TWITTER
Ông Acevedo cũng cho biết ông đã đề nghị gia đình ông Floyd cho phép cảnh sát Houston bảo vệ khi thi thể ông được đưa về quê nhà.
“Chúng tôi không sợ khi người dân giận dữ, vì chúng tôi cùng giận dữ với họ” – ông Acevedo nói.
Cảnh sát quỳ gối khi người biểu tình tụ tập trước nhà tù bang Oklahoma (Mỹ). Ảnh: TWITTER
Tại TP Flint Township, hạt Genesee, bang Michigan, khi người biểu tình kéo đến trước trụ sở cảnh sát hạt Genesee ngày 30-5, cảnh sát trưởng Chris Swanson đã ngả nón, bỏ vũ khí và bước ra trao đổi với đám đông.
“Thực sự chúng tôi muốn sát cánh với các bạn. Tôi muốn đó là một cuộc tuần hành, không phải là một cuộc biểu tình…Các bạn chỉ cần nói các bạn cần làm gì” – cảnh sát trưởng Swanson nói.
Khi người biểu tình hô to “đi cùng chúng tôi, đi cùng chúng tôi”, ông Swanson nhún vai: “Đi thôi” và tham gia cùng đám đông.
Tại TP Santa Cruz, bang California, cảnh sát trưởng Andy Mills và Thị trưởng Justin Cummings đã đích thân quỳ gối giữa đường. Sở cảnh sát Santa Cruz cho biết cảnh sát trưởng Mills quỳ gối để thể hiện sự thống nhất với người biểu tình và để thu hút sự chú ý tới tình trạng cảnh sát dùng bạo lực với người da đen.
Cảnh sát quỳ gối ở TP Santa Cruz, bang California (Mỹ). Ảnh: TWITTER
Tại TP Coral Gables, bang Florida ngày 30-5, nhiều lãnh đạo cảnh sát cũng đã quỳ gối để thể hiện sự phản đối với vụ việc ông Floyd bị cảnh sát kẹp cổ chết.
Tại TP Bellevue, bang Nebraska chiều 31-5, cảnh sát và người biểu tình đan tay nhau tuần hành.
“Tất cả chúng tôi phản đối những người không tốt và cảnh sát không tốt, và chúng tôi muốn họ ra khỏi lực lượng cảnh sát, vì họ khiến chúng tôi bị nhìn nhận xấu đi” – một sĩ quan cảnh sát nói.
Nguồn: https://plo.vn/quoc-te/my-canh-sat-cung-quy-goi-xuong-duong-voi-nguoi-bieu-tinh-916003.html
Đêm 25.5, đồn cảnh sát Minneapolis, bang Minnesota nhận được cuộc gọi từ chủ một cửa hàng địa phương, người đàn ông...