Một lá thư khiến Hitler gây ra cái chết của 300.000 người như thế nào?

Có thời điểm, nhiều gia đình có con và người thân khuyết tật rơi vào trạng thái hoang mang khi người thân bị đưa tới những địa điểm không xác định. Rồi một ngày, họ nhận được lọ tro cốt và hung tin về người thân.

Bé gái Ilse Geuze. Ảnh: Kulturforum Bregenzerwald

Bé gái Ilse Geuze. Ảnh: Kulturforum Bregenzerwald

Ilse Geuze sinh ngày 2/12/1929 tại làng Alberschwende, Áo (thuộc Đức Quốc xã). Khi được 6 tháng tuổi, Geuze được cho là mắc chứng viêm màng não khiến cô bé gặp khó khăn trong giao tiếp. Tuy nhiên, khi lớn hơn, Geuze có thể giúp bố mẹ công việc đồng áng, giặt quần áo hay nấu ăn. 

Năm 1937, Geuze cho thấy có tiềm năng trong học tập. Nhưng vào tháng 2/1940, Geuze bất ngờ phải rời trường học ở Bludenz và chuyển đến một nhà trẻ ở thị trấn Scharnitz mà không rõ lý do. Trong một lần mẹ và anh trai tới thăm, Geuze đã bám chặt lấy mẹ không buông. Cho rằng con gái nhớ mẹ, gia đình Geuze chỉ động viên mà không chút nghi ngờ.

Sau khi tới thị trấn Scharnitz, Geuze được nhận vào Viện St. Josefs, nơi được đưa vào Aktion T4 - chương trình "trợ tử" (mà thực chất là cưỡng tử - bắt phải chết) tàn độc của Hitler nhằm vào người khuyết tật. Ngày 10/12/1940, cô bé được đưa lên một chiếc xe bus chuyển tới lâu đài Hartheim. 

Bảy ngày sau, bố của Geuze nhận được lá thư từ lâu đài Hartheim, thông báo rằng con gái của ông đang ở đó. Tháng 1/1941, gia đình Geuze tức tưởi nhận chiếc bình đựng tro cốt của cô bé mà không được một lời giải thích.  

Geuze là một trong số hàng trăm nghìn nạn nhân của chương trình "trợ tử" không tự nguyện Aktion T4 dưới thời Đức Quốc xã.

Lá thư kỳ lạ

Cặp vợ chồng ở miền đông nước Đức gửi cho Hitler một bức thư kỳ lạ. Ảnh minh họa: Normandy 1944

Cặp vợ chồng ở miền đông nước Đức gửi cho Hitler một bức thư kỳ lạ. Ảnh minh họa: Normandy 1944

Theo The Atlantic, vào tháng 7/1939, Richard và Lina Kretschmar, 2 công nhân nông trại ở miền đông nước Đức, viết cho Adolf Hitler một lá thư kỳ lạ. Trong thư, họ xin Hitler hỗ trợ để "loại bỏ" con trai là Gerhard Kretschmar - đứa trẻ mà họ coi là "quái vật". 

Gerhard chào đời trước đó 5 tháng và chỉ có một tay, một chân và bị mù. Gia đình Richard là những người trung thành với Hitler. Đứa con mà họ gọi là "quái vật" bị cho là gánh nặng và không phù hợp với việc trở thành chủng tộc thượng đẳng mà Đức Quốc xã hướng đến. 

Theo trang All That Interesting, sau khi nhận thư, Hitler đã cử bác sĩ riêng Karl Brandt xem xét vụ việc. Sau quá trình kiểm tra, Brandt xác định Gerhard là một đứa trẻ khuyết tật "ngờ nghệch" và không còn hy vọng để phát triển.

Ngày 25/7/1939, Gerhard bị giết bằng cách tiêm thuốc độc. Nguyên nhân cái chết ghi trong giấy chứng tử của cậu bé là do "yếu tim".

Từ lâu, giới lãnh đạo phát xít Đức đã rao giảng thuyết ưu sinh (ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gene của dân số), kêu gọi kiểm soát khoa học với nguồn gene của Đức để cải thiện nó thông qua hành động của Đức Quốc xã.

Trong cuốn "Mein Kampf" (Con đường đấu tranh của tôi), Hitler đã nói về khái niệm "thanh lọc chủng tộc", cho rằng người Đức "phải sử dụng các phương tiện y tế hiện đại để những đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh". Theo trùm phát xít, chỉ những đứa trẻ khỏe mạnh này mới phù hợp gia nhập lực lượng lao động, quân đội... của Đức Quốc xã. Những đứa trẻ ốm yếu, khuyết tật sẽ bị "xóa sổ".

Times of Israel đưa tin, nhiều sử gia cho rằng chính lá thư của gia đình Richard đã châm ngòi cho việc Hitler thực hiện chương trình "trợ tử" không tự nguyện.

Theo trang All That Interesting, 3 tuần sau cái chết của bé trai Gerhard, Đức Quốc xã thiết lập một cơ quan chuyên cấp giấy tờ cho các bác sĩ và nữ hộ sinh trên cả nước liên quan tới việc “trợ tử” không tự nguyện. 

Hitler sau đó cho xây dựng một hệ thống giết người. Sau mỗi ca sinh, một quan chức Đức Quốc xã phải điền vào một mẫu đơn, trong đó có phần mô tả các khuyết tật thể chất hoặc khuyết tật khác. 3 bác sĩ sau đó sẽ xem xét các mẫu đơn này (không kiểm tra thực tế bệnh nhi) và đánh dấu "x" nếu cho rằng một đứa trẻ nên bị giết. 

Nếu bị 2/3 dấu thập, những đứa trẻ sẽ được tách khỏi gia đình một cách hợp pháp dưới vỏ bọc giúp chăm sóc y tế nhưng sự thật là giết chúng. 

Ban đầu, việc "loại bỏ" những đứa trẻ sơ sinh khuyết tật cần sự đồng ý của cha mẹ chúng nhưng sau đó, điều này không còn tồn tại. Dù muốn hay không, cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật đều phải giao con cho Đức Quốc xã, The Athletic viết. 

Điều rùng rợn bên trong lâu đài bỏ hoang

Lâu đài Hartheim. Ảnh: Times of Israel

Lâu đài Hartheim. Ảnh: Times of Israel

Lâu đài Hartheim nằm không xa thành phố Linz (Áo), nơi Hitler lớn lên. Vị trí xa khu dân cư và việc lâu đài bị bỏ hoang được cho là lý do khiến nơi đây bị biến thành một trong 6 trung tâm "trợ tử" của Đức Quốc xã. 

Ngay sau khi lâu đài bị bỏ hoang vào tháng 3/1940, Đức Quốc xã đã sửa đổi và lắp đặt các trang thiết bị "trợ tử. 

Theo trang D-Day, các vụ "trợ tử" tại lâu đài Hartheim bắt đầu vào tháng 5/1940 với khí độc carbon monoxide (CO). Các buồng khí độc tại lâu đài Hartheim được ngụy trang thành phòng tắm, trong khi các phòng khác dùng cho việc giết chóc và thiêu xác nằm ở tầng trệt của lâu đài.  

Các phòng được sắp xếp theo thứ tự của quá trình tiếp nhận và “trợ tử” cho nạn nhân. Sau khi xe bus đến bãi đậu xe của lâu đài, các nạn nhân sẽ được đưa đến một căn phòng bên trong lâu đài. Tại đây, toàn bộ đồ đạc, tài sản và quần áo cá nhân sẽ bị tịch thu. 

Tiếp đó, các nạn nhân được đưa đến nơi gọi là phòng tiếp nhận. Tại đây, các bác sĩ sẽ trực tiếp "khám" cho họ. Với lý do làm sạch cơ thể, các nạn nhân được đưa đến buồng khí độc (vốn được ngụy trang là nhà tắm). 

Theo quy định, giám đốc y tế Rudolf Lonauer hoặc phó giám đốc y tế Georg Renno sẽ bơm khí CO vào các buồng. Một phòng liền kề được sử dụng làm "nhà xác" tạm thời. 

Cuối dãy phòng là lò hỏa táng. Các tầng khác của lâu đài Hartheim là nơi đặt văn phòng hoặc chỗ ở của các thành viên chương trình Aktion T4. 

Theo Times Of Israel, tại lâu đài Hartheim, có 18.000 người bị sát hại "theo danh sách" trong chương trình "trợ tử", trong khi đó, có thêm 12.000 nạn nhân khác bị sát hại tại đây bất chấp lệnh dừng chương trình vào năm 1941.

Trong những năm đầu của chương trình Aktion T4, hầu hết nạn nhân là trẻ em. Một số do bố mẹ tự nguyện giao nộp. Sau đó, chương trình "trợ tử" của Đức Quốc xã mở rộng phạm vi, hướng đến đối tượng người lớn bị khuyết tật không thể tự chăm sóc.

Một "đơn vị vận chuyển bệnh nhân từ thiện" được Đức Quốc xã thành lập để chuyển các nạn nhân từ trại tị nạn tới 6 trung tâm "trợ tử" của chương trình Aktion T4, trong đó có lâu đài Hartheim. Các y tá có rất nhiều thuốc an thần để "đối phó" với các nạn nhân bị kích động trên những chuyến xe bus tới các trung tâm này.

Một chiếc xe bus chở các nạn nhân của chương trình "trợ tử" không tự nguyện ở Đức. Ảnh: Times of Israel

Một chiếc xe bus chở các nạn nhân của chương trình "trợ tử" không tự nguyện ở Đức. Ảnh: Times of Israel

Tới năm 1940, chương trình Aktion T4 bị phát hiện. Gia đình của các nạn nhân đều rơi vào tình cảnh giống nhau: con của họ hoặc người thân bị khuyết tật được chở trên những chiếc xe bus từ thiện tới một địa điểm nào đó.

Sau đó, gia đình nhận được một vài lá thư nếu bệnh nhân có thể viết được nhưng không biết chính xác người thân họ ở đâu. Cuối cùng, có một thông báo rằng người thân của họ đã chết do bệnh sởi nên cần phải hỏa táng để ngăn lây lan. 

Khi mối nghi của người dân tăng cao, những lãnh đạo Công giáo, vốn không ưa Đức Quốc xã, bắt đầu dấy lên cuộc phản kháng quyết liệt với chương trình Aktion T4, thu hút sự chú ý của người dân. Báo chí nước ngoài thậm chí còn gay gắt hơn về chương trình "trợ tử".

Để xoa dịu dư luận, Hitler đồng ý kết thúc chương trình vào tháng 8/1941. Tới thời điểm đó, có khoảng 230.000 - 300.000 người là nạn nhân của chương trình Aktion T4. Hầu hết họ là người Đức hoặc người Áo và gần một nửa là trẻ em, theo trang News.com.au.

Dẫu vậy, lâu đài Hartheim vẫn hoạt động tới năm 1944. Lần xả khí độc cuối cùng diễn ra vào ngày 11/12/1944. Sau đó, các tù nhân từ trại tập trung Mauthausen được đưa tới để tháo dỡ các buồng khí độc. 

Hậu chiến tranh, lâu đài chuyển đổi thành nơi ở và bảo tàng. 

---------------

Được Đức Quốc xã mệnh danh là “máy nghiền xương”, Mauthausen là trại tập trung đi dễ khó về với các tù nhân của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Tại đây, các tù nhân mà Hitler cho là "cứng đầu nhất" phải nếm trải mùi vị của "Bậc thang tử thần" - một hình phạt rất đáng sợ. Nhưng đó chưa phải là tất cả những thứ hãi hùng chờ đợi tù nhân ở Mauthausen. Bài kỳ tới đăng lúc 19h ngày 4/9 sẽ viết về những điều đã diễn ra ở trại tập trung này. Mời độc giả đón đọc.

Nguồn: [Link nguồn]

”Chuyến bay tử thần” và nỗi kinh hoàng ở trại tập trung khét tiếng của Argentina

Các tù nhân vui mừng, nhảy múa khi nhận được thông báo được trả tự do và chuyển tới khu vực miền nam đất nước. Tuy nhiên, họ bị tiêm một loại thuốc gây ngất lịm, bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Những trại tập trung đáng sợ nhất thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN