Đánh Liên Xô bằng chiến dịch quân sự lớn nhất lịch sử, Hitler ôm hận vì coi thường đối thủ

Khi chiến dịch Barbarossa được vạch ra, Hitler cho rằng đây sẽ là một chiến thắng dễ dàng cho Đức quốc xã nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại.

Hitler vạch ra chiến dịch Barbarossa với kỳ vọng một chiến thắng dễ dàng dành cho quân Đức quốc xã trước Liên Xô. Ảnh: Alamy

Hitler vạch ra chiến dịch Barbarossa với kỳ vọng một chiến thắng dễ dàng dành cho quân Đức quốc xã trước Liên Xô. Ảnh: Alamy

Khi tìm hiểu về Thế chiến II, không nhắc tới những chiến dịch giữa quân Đức quốc xã và Hồng quân Liên Xô thực sự là thiếu sót lớn. Đây là những chiến dịch không chỉ lớn về quy mô mà còn đầy khốc liệt và mang tính then chốt, quyết định tới cục diện của Thế chiến II. Loạt bài lần này sẽ tìm hiểu kỹ về các chiến dịch đó. 

Tháng 9/1939 - chỉ 2 ngày sau khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan - Pháp và Anh đã tuyên chiến với Đức. Tám tháng sau, Đức phát động chiến dịch chớp nhoáng qua khu vực Tây Âu, chinh phục Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Pháp chỉ trong 6 tuần, bắt đầu từ tháng 5/1940. 

Với việc Pháp bại trận và chỉ còn Anh đơn độc chống phát xít Đức ở châu Âu, Hitler nhắm tới mục tiêu lớn hơn - mở rộng lãnh thổ về phía đông. Điều này đồng nghĩa với việc Đức phải đánh bại Liên Xô, khi đó do Joseph Stalin lãnh đạo, và chiếm lấy các vùng lãnh thổ giàu tài nguyên. 

Chiến dịch xâm lược với số quân lớn nhất của Đức quốc xã

Chiến dịch Barbarossa: Bộ binh Đức quốc xã xâm chiếm Liên Xô năm 1941. Ảnh: Alamy

Chiến dịch Barbarossa: Bộ binh Đức quốc xã xâm chiếm Liên Xô năm 1941. Ảnh: Alamy

Ngày 18/12/1940, Hitler ban hành Chỉ thị 21 - mệnh lệnh chính thức cho việc xâm lược Liên Xô. Kế hoạch của Đức là đưa quân chiếm đóng tuyến đường từ cảng Archangel ở miền bắc Liên Xô tới cảng Astrakhan trên biển Caspi (còn được gọi là "tuyến đường A-A"). Nếu thành công, phần lớn cư dân và tiềm lực kinh tế của Liên Xô sẽ thuộc quyền kiểm soát của Hitler. 

Sau 5 tuần trì hoãn, chiến dịch Barbarossa chính thức bắt đầu vào ngày 22/6/1941, mang theo kỳ vọng của Hitler về một chiến thắng dễ dàng cho phát xít Đức.

Hơn 3,5 triệu quân Đức và binh sĩ phe Trục (Đức, Ý, Nhật) đã tràn lên tấn công Liên Xô ở mặt trận dài hơn 2.800 km. Tổng cộng có 148 sư đoàn, chiếm 80% lực lượng vũ trang Đức quốc xã thời điểm đó, đã tham gia chiến dịch Barbarossa. 

Ngoài ra, chiến dịch còn có sự góp mặt của 17 sư đoàn xe tăng Đức, tạo thành đội tiên phong với 3.400 xe tăng. Quân Đức còn được hỗ trợ bởi 2.700 chiến đấu cơ thuộc không quân Đức quốc xã (Luftwaffe). Đây là chiến dịch huy động số quân lớn nhất của Đức quốc xã ở thời điểm đó. 

Quân Đức quốc xã chia thành 3 cụm tập đoàn quân (Bắc - Nam - Trung tâm), mỗi cụm được phân mục tiêu cụ thể. Cụm tập đoàn quân phía Bắc sẽ di chuyển qua các nước Baltic như Latvia, Lithuania, Estonia để tấn công Leningrad (nay là thành phố Saint Petersburg). Cụm tập đoàn quân phía Nam sẽ tấn công Ukraine, tập trung vào Kiev và vùng công nghiệp Donbass. Cụm tập đoàn quân Trung tâm sẽ nhằm vào các khu vực như Minsk, Smolensk và Moscow. Hitler dự kiến giành chiến thắng trong 10 tuần. 

Hồng quân Liên Xô tập trung lực lượng lớn ở biên giới phía tây nhưng nhận được lệnh không tấn công trước hay khiêu khích quân Đức. Dù không tin tưởng Hitler và nhiều lần được cảnh báo, Stalin vẫn không tin trùm phát xít Đức sẽ tấn công Liên Xô sớm. Hồng quân Liên Xô khi đó có 5 triệu quân sẵn sàng tham chiến và hơn 23.000 xe tăng, nhưng vì chưa có lệnh từ cấp trên, họ không phòng bị kỹ lưỡng.

Lính Hồng quân Liên Xô. Ảnh minh họa: The Moscow Times

Lính Hồng quân Liên Xô. Ảnh minh họa: The Moscow Times

Binh lính của Hitler có khởi đầu thuận lợi khi các nhóm xe tăng Đức nhanh chóng chiếm ưu thế và khiến quân Liên Xô tan rã. Ưu thế của nhóm xe tăng phần lớn được tạo ra do không quân Đức ném bom vào các sân bay, vị trí tập kết pháo binh và nơi tập trung binh lính của Liên Xô. 

Phát xít Đức nhanh chóng thiết lập ưu thế trên không. Ngày đầu tiên, nhiều máy bay của Liên Xô bị bắn hạ. Cụm tập đoàn quân phía Bắc của phát xít Đức dưới sự chỉ huy của thống chế Wilhelm Ritter von Leeb, tiến về Leningrad. Lực lượng Hồng quân Liên Xô ở đây rất mỏng và chỉ trong 3 tuần, quân phát xít Đức chiếm được khu vực dài 804 km. 

Cụm tập đoàn quân Trung tâm, dưới sự chỉ huy của thống chế Fedor von Bock cũng giành được những chiến thắng ban đầu. Tới ngày 28/6/1941, binh đoàn thiết giáp số 2 và số 3 của phát xít Đức đã vây hãm được 3 đạo quân Liên Xô, bắt giữ 320.000 tù binh ở các vùng Bialystok - Minsk. 

Hai binh đoàn thiết giáp số 2 và 3 sau đó tiến lên Smolensk ngày 27/7/1941 và tiếp tục quá trình vây hãm. Hai đạo quân Liên Xô lọt vòng vây và hơn 300.000 binh sĩ bị bắt làm tù binh. 

Cụm tập đoàn quân phía Nam, dưới quyền chỉ đạo của thống chế Gerd von Rundstedt, phải hành quân xa nhất và cũng vấp phải sự chống cự quyết liệt nhất từ phía Hồng quân Liên Xô. Hầu hết binh đoàn thiết giáp của Liên Xô đều tập trung ở các khu vực: Minsk, Smolensk và Moscow. 

Ngày 8/8/1941, quân Đức bao vây 2 đạo quân của Liên Xô, bắt sống 100.000 binh sĩ ở khu vực Uman (Ukraine) và tiến đến sông Dnieper. Cảng hải quân Odessa ở Biển Đen cũng bị bao vây. 

Tới thời điểm này, mọi việc dường như diễn ra thuận lợi với quân đội của Hitler, vấn đề duy nhất là cần có thời gian để lực lượng bộ binh bắt kịp nhóm tăng thiết giáp và tấn công các nhóm phòng thủ của Liên Xô. 

Nhưng sự kháng cự của Hồng quân lúc đó rất dữ dội, bất chấp những thiệt hại thảm khốc. Một khu vực ở Yelnya, phía đông nam Smolensk, đã được Hồng quân Liên Xô chiếm lại sau trận chiến đầy khốc liệt.

Trong khi đó, tình hình tiếp viện của cụm tập đoàn quân Trung tâm gặp khó khăn. Hitler quyết định dừng cuộc tiến công vào Moscow và để dồn lực lượng của cụm tập đoàn quân Trung tâm cho 2 cụm tập đoàn quân phía Nam và phía Bắc. 

Binh đoàn thiết giáp 3, thuộc cụm tập đoàn quân Trung tâm, được cử lên hỗ trợ cụm tập đoàn quân phía Bắc tấn công Leningrad, trong khi binh đoàn thiết giáp 2 được điều động hỗ trợ cụm tập đoàn quân phía Nam tấn công Kiev. 

Bộ chỉ huy tối cao Đức quốc xã phản đối quyết liệt việc điều động này. Họ cho rằng, các binh đoàn thiết giáp của Đức đã được đưa tới gần Moscow. Tuy nhiên, Hitler lại coi việc chiếm được Ukraine giàu tài nguyên quan trọng hơn. Ngày 21/8/1941, Hitler ra lệnh ưu tiên chiếm Crimea và vùng Donetsk. 

Liên Xô không lường hết các bước đi của Hitler. Năm đạo quân của Liên Xô bị bao vây trong một vùng rộng lớn quanh Kiev.  Tới cuối tháng 9/1941, Kiev thất thủ và hơn 650.000 quân Liên Xô thiệt mạng hoặc bị bắt giữ. 

Quân Đức tiếp tục càn quét dọc bờ Biển Đen và bao vây thành phố Sevastopol của Crimea. Vào tháng 10, thành phố Kharkov (Ukraine) bị đánh bại nhưng quân Đức cũng đã bị cạn kiệt sức lực. 

Cuộc chiến tại đây đã khiến phát xít Đức xáo trộn và sụt giảm lực lương nghiêm trọng và các đường tiếp tế đã đạt tới giới hạn. Tính tới thời điểm đó, mặt trận phía nam vẫn không có gì thay đổi. Tại mặt trận phía bắc, quân Đức cũng kiệt quệ. 

Tháng 9/1941, với sự hỗ trợ của đồng minh, phát xít Đức thành công bao vây Leningrad nhưng không còn đủ tiềm lực để chiếm thành phố này. Thay vào đó, Hitler quyết định chặn mọi đường tiếp tế của thành phố này trong cuộc bao vây kinh điển gần 900 ngày.

Cuộc chiến gay cấn ở Moscow

Tháng 10/1941, Hitler lúc này quyết định tập trung tấn công vào Moscow. Ngày 2/10/1941, trùm phát xít Đức mở chiến dịch Typhoon. Hitler cho rằng, Liên Xô bị suy yếu nghiêm trọng và không còn đủ sức mạnh để bảo vệ thủ đô. Chỉ cần thêm một đợt tấn công, Liên Xô sẽ thất thủ.

Nhưng Hitler đã sai lầm. Hồng quân Liên Xô đã được tăng cường với gần 1 triệu quân sẵn sàng chiến đấu, dù số lượng xe tăng và máy bay có suy giảm so với trước. Một hệ thống phòng thủ nhiều lớp được bố trí xung quanh Moscow và các công dân của thành phố này cũng được huy động hỗ trợ.

Cụm tập đoàn quân Trung tâm của phát xít Đức, chịu trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công vào Moscow, bao gồm 1 triệu lính bộ binh và 3 binh đoàn thiết giáp với 1.700 xe tăng. Nhưng quân lính của Hitler gặp bất lợi khi không có sự hỗ trợ đắc lực từ Luftwaffe. Lực lượng không quân Đức quốc xã đã suy yếu sau hơn 3 tháng hoạt động liên tục. Ngoài ra, thời tiết ở Moscow bắt đầu chuyển biến khắc nghiệt.

Dù có những bất lợi nhất định, quân Đức vẫn có những chiến thắng ban đầu. Các nhóm thiết giáp tiếp tục thể hiện sự vượt trội và hơn 600.000 binh sĩ Liên Xô bị bắt giữ sau 2 đợt bao vây lớn ở các thành phố Bryansk và Vyazma. Sau một thời gian cầm cự, lính Hồng quân Liên Xô ở mặt trận này chỉ còn khoảng 90.000 người.

Khi tiến gần tới Moscow, đội hình quân Đức buộc phải dừng lại. Mưa mùa thu biến những con đường đất trở nên lầy lội, các nhóm thiết giáp và vận chuyển bằng ngựa không thể di chuyển. Quân Đức chọn tạm dừng hoạt động.

Thời tiết khắc nghiệt ở Moscow khiến quân Đức quốc xã phải chùn bước. Ảnh: History Collection

Thời tiết khắc nghiệt ở Moscow khiến quân Đức quốc xã phải chùn bước. Ảnh: History Collection

Giữa tháng 11/1941, khi nhiệt độ giảm mạnh và các con đường đã đông cứng, các nhóm thiết giáp của phát xít Đức thực hiện một cuộc tấn công gọng kìm vào Moscow. Quân Đức tiến vào khu vực cách Moscow 8 km nhưng không thể tiến thêm vì bị chống cự quyết liệt, thời tiết khắc nghiệt và mọi nguồn lực cạn kiệt.

Ngày 5/12/1941, Liên Xô bất ngờ phản công. Quân Đức buộc phải rút lui bất chấp lời kêu gọi "không rời một bước" của Hitler. Nhiều tướng lĩnh cấp cao khuyên Hitler rút lui đã bị sa thải. Liên Xô thành công phá thế bị vây hãm. Cụm tập đoàn quân Trung tâm của phát xít Đức bị đẩy lui khỏi Moscow 241 km. Hitler khi đó nổi trận lôi đình, cách chức Tổng tư lệnh quân đội Đức quốc xã - thống chế Walther von Brauchitsch và tự bổ nhiệm mình vào vị trí này.

Vì sao Hitler thất bại với chiến dịch Barbarossa?

Theo trang web của Bảo tàng chiến tranh đế quốc (IWM) ở Anh, chiến dịch Barbarossa của Hitler và Đức quốc xã rõ ràng đã thất bại. Dù gây ra những tổn thất lớn cho Hồng quân Liên Xô và mở rộng một phần lãnh thổ, nhưng mục đích chính là tiêu diệt hoàn toàn sức mạnh và buộc Liên Xô đầu hàng đã không đạt được.

Một trong những lý do chính khiến chiến dịch này thất bại là do hoạch định chiến lược kém, theo trang web của IWM. Hitler không có kế hoạch dài hạn phù hợp cho cuộc tấn công Liên Xô vì chủ quan cho rằng cuộc xâm lược sẽ diễn ra chóng vánh và Moscow phải nhượng bộ vì những thất bại ban đầu.

Hitler đã tự tin khẳng định với Bộ tư lệnh Đức quốc xã rằng: "Chúng ta chỉ cần phá được cửa trước. Sau đó, toàn bộ dinh thự mục nát sẽ tự sụp đổ". Nhưng Liên Xô không giống như nước Pháp. Giá trị chiến dịch chớp nhoáng của phát xít Đức đã bị tiêu tan bởi khoảng cách rộng lớn, khó khăn về hậu cần và lực lượng đông đảo của quân đội Liên Xô.

-------------------------

Ba năm sau chiến dịch Barbarossa của Hitler, Liên Xô đáp trả bằng một chiến dịch quy mô lớn không kém, đánh lạc hướng đối phương bằng kế nghi binh công phu trước khi tấn công đồng loạt khiến Đức quốc xã chấp nhận thất bại được xem là thảm hại nhất trong Thế chiến II. Bài tiếp theo đăng trên mục Thế giới sáng ngày 31/7 sẽ làm rõ về chiến dịch này.

Nguồn: [Link nguồn]

Vũ khí bí mật của Hitler: Quả chuông tử thần khiến con người tan thành mỡ

“Quả chuông” chứa một số kim loại nặng được cho là có thể hóa lỏng động vật, thực vật trong khu vực có đường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Trùm phát xít Hitler Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN