Một cuộc chiến trong lòng cuộc chiến

Cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai. Cả hai phía đều dốc sức trong trận chiến, tranh giành từng thành phố, thị trấn, làng mạc; thậm chí ở những địa điểm như Bakhmut, hai bên chiến đấu giành giật từng ngôi nhà, từng mét đất với thương vong của hai bên được ước đoán là cực kỳ nặng nề.

Các loại vũ khí hiện đại đều đã được tung vào cuộc chiến; phía Nga thì đẩy năng lực sản xuất quốc phòng lên cấp độ thời chiến, Ukraine thì được cả một tổ hợp đa quốc gia hỗ trợ với hầm bà lằng đủ các loại vũ khí, từ những vũ khí từ thời Liên Xô cũ cho đến những vũ khí mới nhất mà quân đội nhiều nước phương Tây thậm chí còn chưa bao giờ sử dụng trong thực chiến. Trong lòng cuộc chiến đó, có một cuộc chiến khác, ác liệt, dữ dội không kém: cuộc chiến điệp báo.

Ngày 8/10/2022, một chiếc xe tải chở các tấm bạt nhựa xây dựng đã nổ tung trên cầu Kerch khiến hai nhịp của phần cầu cho ôtô bị sập.

Ngày 8/10/2022, một chiếc xe tải chở các tấm bạt nhựa xây dựng đã nổ tung trên cầu Kerch khiến hai nhịp của phần cầu cho ôtô bị sập.

Hoạt động điệp báo trước chiến tranh

Dĩ nhiên, cuộc chiến điệp báo giữa Nga với Ukraine đã bắt đầu từ rất lâu trước khi cuộc chiến thực sự diễn ra trên chiến trường. Để chuẩn bị cho một hoạt động quân sự khổng lồ với sự tham gia của hàng trăm ngàn quân cùng với vũ khí trang bị khí tài hiện đại, hẳn nhiên là các cơ quan tình báo Nga đã phải thực hiện các chiến dịch nghi binh trên quy mô lớn. Có vẻ như họ đã thành công bởi cho đến đầu năm 2021, kể cả một số quan chức cấp cao nhất Ukraine cũng không tin là chiến tranh sắp nổ ra.

Ngày 12/1/2022, Giám đốc CIA William J. Burns bay tới Kiev với một cặp hồ sơ dày cộp để thuyết phục Tổng thống Ukraine V.Zelensky cùng các cộng sự của ông này về khả năng chiến tranh sắp xảy ra. Sau khi đoàn CIA Mỹ rời đi, người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine đã chuyển lên Tổng thống V.Zelensky hầu như toàn bộ nội dung những thông tin cảnh báo mà người Mỹ đã chuyển cho họ, nhưng đồng thời cũng đưa kèm các thông tin do tình báo Ukraine thu thập được cho thấy khả năng chiến tranh khó có thể xảy ra.

Những thông tin trái ngược nhau này khiến lãnh đạo Ukraine bối rối. Đến tối 24/1/2022, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống V. Zelensky chỉ chủ yếu nói về đại dịch COVID-19; đề cập về tình trạng căng thẳng giữa Nga với Ukraine khi đó, ông V. Zelensky nói: “Tất cả đang trong tầm kiểm soát. Không có lý do gì để hoảng sợ”. 

Có thể nói tình báo Nga đã làm rất tốt công việc của mình trong thời gian trước khi chiến tranh nổ ra khi đã che giấu thành công ý đồ thực sự của Nga về chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, họ cũng đã phạm phải những sai lầm chết người khi đưa ra những dự đoán lạc quan về việc Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ, và rằng người dân Ukraine sẽ mở rộng vòng tay đón chào những người lính Nga đến “giải phóng” cho họ. Không có gì giống như vậy xảy ra trong thực tế và sau những ngày loạng choạng ban đầu, quân đội Ukraine đã nhanh chóng tổ chức lại, nhận được nguồn viện trợ vũ khí khổng lồ từ Mỹ và phương Tây để chống lại các lực lượng Nga. Một cuộc chiến tranh chớp nhoáng đã không xảy ra; thay vào đó là một cuộc chiến tiêu hao dằng dai với tổn thất nặng nề cho cả hai bên.

Vụ phá hoại cầu Kerch

Trong cuộc chiến dằng dai đó, tình báo Ukraine đã lựa chọn phương thức tình báo kết hợp với phá hoại để phản kích lại đối thủ mạnh hơn mình rất nhiều lần.

Ngay trong những ngày đầu của chiến tranh, cuộc chiến bí mật giữa hai bên đã diễn ra một cách khốc liệt. Vài ngày sau khi nổ ra xung đột, hai bên đã có các cuộc đàm phán tại một địa điểm trên biên giới giữa Ukraine và Belarus. Một trong số các thành viên đoàn đàm phán của Ukraine là Denis Kireev, một nhà quản lý tài chính từng giữ chức cao trong Ngân hàng Tiết kiệm quốc gia Ukraine.

Đến ngày 6/3/2022, Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết 3 "điệp viên" đã bị giết trong một chiến dịch "bảo vệ đất nước", trong số này có nhà đàm phán Denis Kireev. Phía Ukraine không nói rõ những "điệp viên" này đã chết như thế nào nhưng ca ngợi họ là những "anh hùng" và gửi lời chia buồn đến gia đình những người chết, trong khi Nga lại cho rằng ông Denis Kireev bị phía Ukraine giết chết vì đã cung cấp thông tin cho phía Nga…

Hoạt động phá hoại lớn nhất của tình báo Ukraine diễn ra vào ngày 8/10/2022. Một chiếc xe tải chở các tấm bạt nhựa xây dựng đã nổ tung trên cầu Kerch dài 19 km nối bán đảo Crimea với lục địa Nga. Vụ nổ diễn ra đúng lúc một đoàn tàu chở nhiên liệu đi ngang qua khiến cho 7 toa tàu bốc cháy làm cho thiệt hại đối với cầu Kerch trở nên nghiêm trọng hơn, hai nhịp bị sập, giao thông trên cây cầu huyết mạch nối với Crimea ách tắc.

Cơ quan An ninh liên bang Nga FSB kết luận Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine dưới quyền lãnh đạo của Giám đốc Kirill Budanov đứng sau vụ phá hoại này. Chiếc ô tô chở hơn 2 tấn thuốc nổ được chia ra giấu trong các cuộn vật liệu xây dựng xuất phát từ cảng Odessa của Ukraine đã đi theo một lộ trình phức tạp, thoạt đầu tới Bulgaria, sau đó (có thể bằng phà) tới Gruzia, qua Armenia, thay đổi giấy tờ, nhập cảnh vào Nga qua Bắc Osetia rồi đi ngược lên phía Bắc qua vùng Krasnodar của Nga để đi vào cầu Kerch. Ở đây, nó được kích hoạt tạo ra vụ nổ. Toàn bộ quá trình chiếc xe tải vận chuyển chất nổ do một điệp viên tình báo Quốc phòng Ukraine có bí danh “Ivan Ivanovich”  chỉ huy điều khiển...

Chính vụ phá hoại này của tình báo Ukraine đã dẫn tới các hành động trả đũa cực gắt của Moscow khi phía Nga thực hiện hàng loạt vụ bắn tên lửa vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine để trả đũa, gây ra sự mất điện trên diện rộng ở các thành phố của Ukraine, kể cả thủ đô Kiev.

Vụ phá hoại hai đường ống Dòng chảy phương Bắc

Cuộc chiến điệp báo trong chiến tranh Ukraine không chỉ giới hạn trong lòng hai nước tham gia xung đột là Nga và Ukraine mà nó đã vượt ra khỏi biên giới, lan rộng ra khắp châu Âu.

Giữa tháng 2/2023, ít nhất 2 người Đức bị bắt giữ với cáo buộc tìm kiếm và chuyển giao thông tin về tọa độ của các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS cùng tên lửa Iris-T tại Ukraine cho các cơ quan tình báo Nga. Tờ Washington Post đưa tin các vụ bắt giữ những nghi phạm làm gián điệp của Nga diễn ra trong vòng bí mật ở Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Áo, Ba Lan và Slovenia. Còn Giám đốc cơ quan tình báo Anh MI.5, ông Ken McCallum, trong một bài phát biểu công khai cho biết trong một năm chiến tranh, các nước châu Âu đã trục xuất tới 600 nhà ngoại giao Nga, trong đó, theo ông Ken McCallum, “có khoảng 400 người là nhân viên tình báo Nga”.

Điển hình cho các hoạt động đối đầu gay gắt giữa tình báo Nga với tình báo Mỹ và phương Tây ở ngoài biên giới hai nước xung đột là các vụ nổ phá hoại nghiêm trọng hai đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 của Nga dài 750 dặm nằm song song với nhau dưới đáy biển Baltic hồi cuối tháng 9/2022. Sau các vụ nổ, các chuyên gia đã phát hiện bốn vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống. Trong số này, hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch.

Các nước phương Tây và Nga cáo buộc nhau gây ra các vụ nổ này. Sau khi nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ Seymour Hersh cho rằng Hải quân Mỹ đứng sau vụ phá hoại các đường ống, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tuyên bố thông tin trên là “hoàn toàn hư cấu”.

Các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức thực hiện đến nay chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào. Hiện Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) đang đẩy mạnh điều tra các vụ nổ làm hư hại các đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và  2. Cơ quan Tổng Công tố liên bang Đức đã đề nghị hàng chục nhà điều tra từ Vụ Bảo vệ Nhà nước thuộc BKA tiến hành điều tra.

Ban đầu, Đan Mạch, Thụy Điển và Đức muốn lập "Đội điều tra chung" để cùng điều tra hành động phá hoại các đường ống trên, song kế hoạch không thực hiện được do Thụy Điển, và sau đó cả Đan Mạch, rút khỏi nhóm điều tra hỗn hợp, viện dẫn những lo ngại liên quan tới việc giữ bí mật. Tuy nhiên, theo các nhà điều tra, hợp tác giữa Đức với hai quốc gia Bắc Âu này hiện tốt hơn nhiều. Đến nay, đầu mối quan trọng nhất của vụ án trên là chiếc du thuyền thuê có tên "Andromeda" khởi hành từ thành phố cảng Rostock tháng 9/2022, vòng qua Wiek trên đảo Rügen của Đức để đến neo ở đảo Christianso (gần đảo chính Bornholm) - đảo xa nhất về phía Đông của Đan Mạch và nằm ngoài khơi bờ biển Thụy Điển.

Tháng 1/2023, các nhà điều tra BKA đã tìm kiếm chiếc du thuyền này và phát hiện trong cabin có dấu vết chất nổ giống như loại được phát hiện ở hiện trường vụ nổ các đường ống Nord Stream. Tuy nhiên, các nhà điều tra không loại trừ khả năng đây chỉ là manh mối được cố tình tạo dựng để đánh lạc hướng. Trong khi đó, nhiều dấu vết và đồ vật khác thu được trên con thuyền đã được Viện Kỹ thuật hình sự thuộc BKA tiến hành giám định.

Đầu tháng trước, truyền thông Đức đưa tin cảnh sát Đan Mạch đang rất quan tâm tới chiếc du thuyền từng neo đậu trên đảo Christianso hồi tháng 9/2022 ở Biển Baltic. Đối với vụ án này, ngoài Vụ Bảo vệ Nhà nước thuộc BKA còn có sự tham gia phá án của cảnh sát liên bang Đức, Cục Bảo vệ Hiến pháp liên bang (BfV - Cơ quan tình báo nội địa của Đức) và Cục Tình báo liên bang (BND - Cơ quan tình báo nước ngoài của Đức)…

Có thể thấy, chiến tranh Nga – Ukraine vừa là một cuộc chiến ủy nhiệm, vừa là một cuộc chiến tổng lực mà trong đó, cuộc chiến điệp báo giữ một vai trò mang tính sống còn đối với cả Nga và Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Bốn kịch bản cho cuộc chiến ở Ukraine

Sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán, đạt được trong năm nay vì chưa bên nào đi đến điểm kiệt sức. Có ít nhất bốn kịch bản cho cuộc chiến ở Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Ba ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN