Lý do Trung Quốc áp đặt “Zero Covid” nghiêm ngặt nhất thế giới với Thuỵ Lệ

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trong khi gần như cả thế giới đang dần mở cửa, chấp nhận sống chung với Covid-19, Trung Quốc tiếp tục kiên quyết với chiến lược “Zero Covid”.

Xét nghiệm gần như hàng ngày, học sinh ngủ tại trường

Theo thông báo mới nhất từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 7/11, trong 1 ngày qua, Trung Quốc ghi nhận 74 ca nhiễm mới, tăng gần 20 ca so với 1 ngày trước đó.

Theo NHC, trong số 74 ca nhiễm mới có 50 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 24 ca nhập cảnh. Ngoài ra, Trung Quốc còn ghi nhận 35 ca không triệu chứng (những trường hợp này không được tính là ca nhiễm).

Tính đến nay, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 97.734 ca nhiễm và con số tử vong không đổi, giữ ở mức 4.636 người.

Trong bối cảnh này, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường bảo vệ Thủ đô Bắc Kinh, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trước thềm Olympic Mùa Đông sắp diễn ra.

Đồng thời, Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch để cắt đứt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới (tính đến thời điểm này) vẫn kiên trì với chiến lược “Zero Covid”.

Trung tâm xét nghiệm tại Thụy Lệ vào tháng 9/2020 trong lần phong tỏa đầu tiên. Ảnh: CFP

Trung tâm xét nghiệm tại Thụy Lệ vào tháng 9/2020 trong lần phong tỏa đầu tiên. Ảnh: CFP

Chiến lược của Bắc Kinh là ngay khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, nhiều địa phương ở quốc gia này lập tức áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt bao gồm phong tỏa, xét nghiệm toàn dân, cách ly…

Sự quyết liệt và duy trì chính sách phòng dịch xuyên suốt của Bắc Kinh được thể hiện rõ qua cuộc sống bên trong thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam. Các tờ báo Mỹ như New York Times và NPR đều đánh giá, thành phố 210.000 dân này là thành phố bị phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Trong năm 2021, Thụy Lệ đã phải phong tỏa 3 lần, với một lần kéo dài 26 ngày, đẩy thành phố vào tình trạng “tê liệt”, nhiều người phải ở trong nhà nhiều tuần liên tiếp.

Khác với các thành phố khác, khi phát hiện ca nhiễm, họ chỉ phải chịu lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại trong phạm vi một vài khu dân cư nhất định hoặc chấm dứt trong thời gian ngắn.

Song, tại Thụy Lệ, suốt thời gian qua, người dân thường xuyên phải ở trong nhà. Sau mỗi đợt phong tỏa, người dân vẫn bị hạn chế tới nhà hàng, quán xá.

Về việc học tập, các trường học đều bị đóng cửa, chỉ có sinh viên năm thứ hai và năm nhất, cùng với học sinh trung học năm ba, mới nhất là học sinh năm nhất, năm hai được phép được lên lớp học trực tiếp. Nhưng theo New York Times, học sinh phải sinh hoạt và học tập tại trường. Các lớp học được chuyển thành ký túc xá.

Trung Quốc cũng tăng cường xét nghiệm đến mức một tài xế công nghệ địa phương cho biết, anh phải xét nghiệm 90 lần trong 7 tháng qua hay như lời một phụ huynh thì cậu con trai 1 tuổi đã phải xét nghiệm tới 74 lần.

“Không thành phố nào chịu áp lực như Thụy Lệ”

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nhận định, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc được áp dụng một cách linh hoạt và chính xác, tùy theo tình hình địa phương và không thay đổi chính sách kể cả với Thụy Lệ.

Sở dĩ thành phố này bị phong tỏa nghiêm ngặt như vậy vì nơi đây có biên giới dài với đất nước Myanmar (nơi đang xảy ra bất ổn) khiến tình hình kiểm soát biên giới phức tạp, trong khi dịch bệnh diễn biến khôn lường.

Ông Zeng Guang, cựu chuyên gia dịch tễ tại Trung tâm Phòng ngừa và Ngăn chặn Dịch bệnh Trung Quốc cho biết, Thụy Lệ đang đối mặt với áp lực khổng lồ khi vừa phải ngăn chặn dịch bệnh vừa phải kiểm soát, phòng tránh bạo lực biên giới.

Áp lực lớn đến mức khó tưởng tượng vì thành phố có đường biên giới dài, thường xuyên có người qua lại với phía Myanmar. Trong khi đó, riêng tuần này, Myanmar ghi nhận khoảng 1.000 ca Covid-19/ngày. Kể từ tháng 10/2021, tại Thụy Lệ đã có hơn 20% người trở về từ nước ngoài dương tính với Covid-19.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, chính quyền Thụy Lệ đã tặng 400.000 liều Covid-19 cho người dân ở khu vực Muse, Myanmar - giáp với Thụy Lệ vào hôm 27/10.

Nhân viên cộng đồng giao thực phẩm cho người dân, tháng 7/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nhân viên cộng đồng giao thực phẩm cho người dân, tháng 7/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chưa kể, chính quyền địa phương phải đối mặt với tình trạng tội phạm xuyên quốc gia. Lực lượng kiểm soát biên giới đã phải làm ngày, làm đêm để ngăn chặn tội phạm vượt biên bất hợp pháp. Tỉnh Vân Nam cũng tổ chức lực lượng dân phòng để kiểm soát biên giới và nhấn mạnh, không có thành phố nào phải đối phó với vấn đề biên giới như vậy.

Một số chuyên gia y tế Trung Quốc nhấn mạnh, các biện pháp nghiêm khắc này đã có hiệu quả với Thụy Lệ khi thành phố chỉ ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 có triệu chứng trong cộng đồng hồi tháng 10.

Đã có hơn 96% người dân trong thành phố và các khu vực xung quanh đã được tiêm vaccine. Không có ca mắc Covid-19 nào ở Thụy Lệ lây lan sang các khu vực khác ở Trung Quốc.

Báo Trung Quốc thừa nhận, người dân địa phương đã phải chịu vô vàn khó khăn nhưng chính quyền sở tại cũng rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ hỗ trợ tư vấn tâm lý đến cung cấp các nhu yếu phẩm thường ngày.

Để đáp ứng cuộc sống tốt hơn cho người dân tại đây, chính quyền Thụy Lệ đã đưa ra 8 biện pháp bao gồm: Cung cấp 1.000 nhân dân tệ/người/năm (3,5 triệu VNĐ) cho tất cả người dân sống trong những ngôi làng cận biên giới và bị phong tỏa; miễn chi phí cách ly đối với người có tiếp xúc gần với người nhiễm; phân phối trợ cấp cho những người không thể làm việc vì dịch bệnh, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân sống ở các khu vực nghèo…

Nguồn: [Link nguồn]

Covid-19 ”đến ngõ”, đèn giao thông ở thành phố Trung Quốc đồng loạt chuyển đỏ

Tối ngày 5.11, Trung Quốc thông báo ghi nhận thêm 68 ca nhiễm Covid-19 nội địa mới sau 24 giờ, giảm so mới mức kỷ lục 93...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN