Lý do Mỹ muốn xuống thang sau cáo buộc Nam Phi cung cấp vũ khí cho Nga
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực hạ thấp mâu thuẫn với Nam Phi vì chuyện Washington cáo buộc Pretoria âm thầm chuyển vũ khí cho Nga, cho thấy Mỹ mong muốn xử lý mâu thuẫn này một cách lặng lẽ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng tháng 9/2022. (Ảnh: NYT)
Trong một hành động phá vỡ thông lệ ngoại giao, Đại sứ Mỹ tại Nam Phi đầu tháng này cáo buộc Nam Phi chuyển vũ khí lên một con tàu của Nga trong đêm tối ở cảng Cape Town vào tháng 12 năm ngoái. Đại sứ Mỹ còn nói rằng ông sẽ “đánh cược mạng sống của mình” để khẳng định chuyện này.
Cáo buộc mạnh mẽ cho thấy có sự thất vọng sâu sắc ở Washington về việc Nam Phi công khai ủng hộ Nga.
Nga có quan hệ mạnh mẽ với đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền, sau khi Liên Xô ủng hộ đảng này trong thời kỳ apartheid. Tuy nhiên, nhiều người trong chính quyền Mỹ lo rằng việc công khai chỉ trích hay trừng phạt những nước không liên kết như Nam Phi sẽ càng đẩy các nước đó gần Nga hơn, theo Financial Times.
Các quan chức Mỹ từ chối bình luận công khai hay riêng tư về chi tiết cáo buộc mà Đại sứ Reuben Brigety đưa ra, cho biết họ sẽ chờ kết quả cuộc điều tra mà Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa chỉ đạo thực hiện. Hai người nắm rõ tình hình cho biết, chính quyền Mỹ cho rằng phát biểu công khai của vị đại sứ đã làm phức tạp vấn đề.
Việc Nam Phi từ chối chỉ trích Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến chính quyền Biden không vừa lòng, nhưng Washington tin rằng việc xây dựng quan hệ tốt với Tổng thống Ramaphosa và ngoại giao là cách tốt nhất để xử lý mối quan hệ đang rạn nứt với đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi.
Theo các nhà phân tích, Quốc hội Mỹ có thể vẫn thúc ép chính phủ nước này phải có quan điểm cứng rắn hơn. Ông Jim Risch, nghị sĩ Cộng hoà hàng đầu trong Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết ông chia sẻ quan ngại của Đại sứ Brigety về quan hệ giữa Nam Phi với Nga. “Chính quyền Biden nên dùng quyền lực hiện có để đánh giá lại mức độ và quy mô hợp tác hiện nay của chúng ta với chính phủ Nam Phi”, ông nói.
Tranh cãi ngoại giao xung quanh con tàu Nga Lady R cho thấy tình thế mong manh của Mỹ khi nỗ lực thuyết phục nam bán cầu ủng hộ quan điểm của phương Tây đối với xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Ramaphosa đã chỉ định một thẩm phán nghỉ hưu phụ trách cuộc điều tra tàu Lady R, nhưng không nêu tên người này hay các nội dung để xác định cụ thể.
Chính phủ Nam Phi phủ nhận chuyện bán vũ khí cho Nga và gợi ý rằng, nếu việc chuyển giao vũ khí diễn ra thì không liên quan đến chính phủ.
Trong tuần này, phát ngôn viên tổng thống Nam Phi cho biết Chính phủ Nam Phi chưa nhìn thấy bằng chứng cụ thể nào để chứng minh cáo buộc của Mỹ về con tàu.
Patrick Gaspard, Đại sứ Mỹ tại Nam Phi nhiệm kỳ 2013-2016, cho rằng cả hai bên có vẻ đều muốn xuống thang.
“Đang có những tính toán về tính nghiêm trọng của vấn đề đối với quan hệ giữa Mỹ và Nam Phi, những đồng minh cực kỳ quan trọng. Vẫn có những vấn đề nghiêm trọng ở đây, nhưng sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán”, ông Gaspard nhận định.
Bộ Ngoại giao Nam Phi triệu đại sứ Mỹ tại Nam Phi ông Reuben Brigety sau khi ông này cáo buộc Nam Phi cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]