Loài kiến tốc độ nhất thế giới: Nhanh hơn "tia chớp" Usain Bolt, xe đua F1 cũng chào thua?
Trong khi nhiều loài côn trùng và động vật ở sa mạc Sahara chỉ ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm để tránh cái nắng gay gắt, kiến bạc Sahara lại chọn ra khỏi tổ vào khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Để làm được điều này, loài kiến nhanh nhất thế giới đã tận dụng tốc độ đáng kinh ngạc của chúng.
Video: Kiến bạc kiếm mồi ở thời điểm nóng nhất trong ngày tại sa mạc Sahara (Nguồn: BBC)
Tờ CNN hôm 17/10 đưa tin, các nhà khoa học đã đo được tốc độ của kiến bạc Sahara, loài kiến nhanh nhất thế giới, có thể di chuyển quãng đường dài gấp 108 lần cơ thể chúng trong mỗi giây.
Harald Wolf, giáo sư tại đại học Ulm của Đức, cùng các đồng nghiệp phát hiện loài kiến bạc Sahara có thể đạt tới vận tốc 0,85 m/s bằng cách vung 3 cặp chân nhanh chóng mặt. Điều này cho phép chúng di chuyển được gần 50 sải chân/giây trong khi vận động viên điền kinh Usain Bolt phải mất 4 giây mới có số sải chân tương tự.
Kiến bạc Sahara tìm mồi và tha về tổ với tốc độ khó tin
Tờ Daily Mail còn cho hay, kiến bạc Sahara có thể đạt tới vận tốc khó tin 580 km/h. Nếu điều này chính xác, tốc độ của loài này sẽ vượt xa kỷ lục của giải đua xe Công thức 1 được thiết lập năm 2005 tại giải Grand Prix của Ý (372 km/h). Các nhà khoa học cho biết, tốc độ co cơ của loài côn trùng này "gần đạt tới giới hạn chức năng của cơ thể".
Vậy loài kiến nhanh nhất thế giới làm sao để tồn tại ở nơi nóng nhất thế giới và khắc nghiệt nhất châu Phi?
Khác với các loài côn trùng và động vật khác ở Sahara, kiến bạc rời tổ vào lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày (có thể lên tới 60 độ C) để tìm xác động vật chết do nắng nóng.
Lớp lông bạc trên lưng chúng có vai trò như những tấm chắn nóng ưu việt, giúp phản chiếu tia sáng và đẩy sức nóng về phía bầu trời. Nhưng nếu chỉ dựa vào lớp lông này, kiến bạc hầu như không thể tồn tại trong thời tiết nóng tới 60 độ C. Chúng cần khả năng định vị chính xác và tốc độ ấn tượng để tìm thức ăn đồng thời trở về tổ nhanh nhất trước khi chết vì nóng.
Lớp lông bạc giúp loài kiến nhanh nhất thế giới chống lại cái nắng kinh hoàng ở sa mạc Sahara
Giáo sư Wolf cùng các đồng nghiệp theo dõi đàn kiến kiếm mồi trong sa mạc để tìm hiểu rõ hơn về chúng. Nhóm nghiên cứu đã tới đi tới Tunisia và quan sát nhiều đụn cát gần đó để tìm dấu vết của kiến bạc. Sau khi lần theo vài con kiến, họ phát hiện ra tổ của chúng và đặt rãnh nhôm trên mặt đất và thả sâu hoặc bánh mỳ trên đó.
"Sau khi lũ kiến tìm thấy thức ăn, chúng sẽ di chuyển tới rãnh nhôm và chúng tôi đặt sẵn camera để quay chúng từ trên cao", Sarah Pfeffer, cộng sự của giáo sư Wolf, cho hay.
Khi chạy ở tốc độ chậm, video cho thấy kiến bạc phối hợp cử động với độ chính xác khó tin, chụm ba chân để bật mỗi bước di chuyển. Nhờ vậy, chúng di chuyển được với vận tốc 0,85 m/s và mỗi chân chỉ chạm đất 7 mili giây. Kết quả nghiên cứu mới sẽ được công bố trên tạp chí Experimental Biology.
Cuộc khảo sát sinh học tại một trong những khu rừng cổ xưa ở Ethiopia mới đây đã phát hiện đàn siêu kiến Lepisiota canescens...