Liệu Nga có ‘đi bước lớn’ với Ukraine?

Sự kiện: Tin tức Nga

Đang có nhiều ý kiến trái nhau quanh chuyện Nga triển khai lượng lớn quân sát biên giới Ukraine.

Ngày 10-4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Andrii Taran bất ngờ ra tuyên bố cứng rắn khẳng định Kiev sẽ không lùi bước trước áp lực từ Nga về tình hình chiến sự ở khu vực Donbass, đông Ukraine. 

“Cũng cần phải nhấn mạnh là mọi động thái leo thang căng thẳng tại Donbass chỉ xảy ra nếu như các cấp lãnh đạo cao nhất ở Kremlin muốn như vậy. Tuy nhiên, ở bất kỳ kịch bản nào thì Ukraine cũng sẽ không đem lợi ích quốc gia ra đánh đổi” - ông Taran khẳng định. 

Phát ngôn nói trên của ông Taran được đưa ra trong bối cảnh Nga liên tiếp tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực biên giới giáp với Ukraine. Tờ The Washington Post hôm 10-4 dẫn lời giới chức quốc phòng Ukraine ước tính hiện có khoảng 85.000 binh sĩ quân đội Nga đã được triển khai tới bán đảo Crimea và các khu vực biên giới cách lãnh thổ Ukraine chỉ từ 10 đến 40 km. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki của Mỹ mới đây cũng xác nhận lực lượng Nga gần biên giới Ukraine hiện ở mức nhiều nhất từ năm 2014 - thời điểm cuộc xung đột ở miền đông Ukraine nổ ra.

 Hãng tin AFP ngày 10-4 dẫn lời Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine - ông Ruslan Khomchak khẳng định lãnh đạo Kiev hiện chưa có kế hoạch mở cuộc tấn công vào Donbass bởi một động thái có thể khiến nhiều dân thường và binh sĩ thiệt mạng. 

Lo ngại Nga tấn công phủ đầu Ukraine

Giới chức Nga đến thời điểm hiện tại vẫn khẳng định việc điều quân không nhằm đe dọa một nước nào cụ thể, mà chỉ là thực thi quyền tự do triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình để bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nước này cũng cảnh báo vẫn sẽ hành động quyết liệt nếu Kiev không kiềm chế và phát động cuộc chiến quy mô lớn chống lại phe ly khai ở Donbass đang được Moscow hậu thuẫn. 

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Đức Deutsche Welle, chuyên gia phân tích quân sự Pavel Felgenhauer cảnh báo kịch bản Nga mở đợt tấn công vào Donbass trong thời gian tới là “rất có khả năng”. Ông khẳng định phía quân đội Nga đã sẵn sàng và đã chuẩn bị các bước cần thiết cho cuộc xung đột với quân đội Ukraine, chỉ cần chờ lệnh từ Moscow. 

“Nhìn lại năm qua, Donbass cho tới đầu năm nay hầu như rất yên tĩnh, không xảy ra đụng độ. Tuy nhiên, đến tháng 2 và tháng 3 thì lại bùng phát căng thẳng dữ dội với các điểm nóng nằm trong khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát, với đỉnh điểm là vụ bốn binh sĩ Ukraine thiệt mạng do đạp phải mìn của phe này hồi tháng 3. Phe ly khai nếu không được Moscow bật đèn xanh sẽ rất khó để có những bước đi chủ động như vậy” - ông Felgenhauer cho hay.

Binh sĩ Nga xuất hiện ở thị trấn Balaklava, bán đảo Crimea, giáp biên giới với Ukraine hồi tháng 3-2014. Ảnh: REUTERS 

Binh sĩ Nga xuất hiện ở thị trấn Balaklava, bán đảo Crimea, giáp biên giới với Ukraine hồi tháng 3-2014. Ảnh: REUTERS 

Đồng quan điểm, Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị ứng dụng Penta (Ukraine) Volodymyr Fesenko cũng kêu gọi Kiev phải luôn luôn cảnh giác khả năng nổ ra xung đột Nga - Ukraine bởi Moscow kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã biến bán đảo này thành một căn cứ quân sự với quy mô rất lớn ngay sát sườn phía nam của Ukraine. Ông nhấn mạnh lực lượng Nga tập trung ở đây không chỉ bao gồm phần lớn Hạm đội Biển Đen mà còn rất nhiều các đơn vị thiện chiến khác từ không quân và pháo binh, chưa kể một lượng lớn chuyên gia và cố vấn quân sự Nga đang làm việc tại đây. 

“Nếu hai bên nổ ra xung đột ở Donbass thì Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn để chống trả khi Nga hiện đang chiếm ưu thế cả trên biển lẫn trên không. Các đồng minh phương Tây của Ukraine nếu muốn nhảy vào hỗ trợ cũng sẽ bị Nga gây khó. Do vậy, bước vào chiến tranh với Moscow thì Kiev phải xác định là bản thân đủ sức lực để tham chiến lâu dài và độc lập” - ông Fesenko phân tích. 

Chỉ là đòn tâm lý chính trị?

Dù vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng những động thái gần đây của Moscow thực chất chỉ là nhằm đạt được các mục tiêu chính trị, cụ thể là buộc Ukraine và phương Tây phải nhượng bộ giữa lúc các nước thuộc nhóm Bộ tứ Normandy (Pháp, Đức, Nga và Ukraine) đang chuẩn bị nhóm họp để bàn giải pháp cho tình hình ở Donbass. 

Bên cạnh đó, phương Tây thời gian qua cũng đang ra sức phản đối và dọa trừng phạt dự án thi công đường ống dẫn khí tự nhiên Nordstream-2 của Nga bởi lo ngại dự án khi hoàn thành sẽ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho khu vực Đông Âu, đặc biệt là Ukraine, khi Nga có thể thông qua đường ống mới dẫn khí trực tiếp tới Tây Âu thông qua đường biển Baltic. 

“Nga đang muốn mượn diễn biến ở Donbass để đưa ra lựa chọn cho phương Tây: Hoặc là làm căng vụ Nordstream-2 và Nga sẽ liên tiếp động quân ở đây và gây bất ổn an ninh cho Ukraine, hoặc là nhượng bộ Nordstream-2 và Nga có thể xem xét nhượng bộ một số điều khoản của Ukraine về vấn đề Donbass. Nhìn chung, cả hai lựa chọn Nga đều thể hiện mình đang nắm đằng chuôi và sẽ là bên có tiếng nói cuối cùng” - chuyên gia John Herbst thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận định, theo đài CNN.

Một lý do khác cũng khiến Nga khó có thể khai màn xung đột với Ukraine nằm ở việc dù Moscow có tự tin vào năng lực quốc phòng của mình tới mức nào đi nữa thì một cuộc chiến tranh với Kiev cũng sẽ dẫn tới tổn thất nặng nề về người và của, đặc biệt là khi nó kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia khác, với khả năng có sự tham chiến của liên quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). 

“Tôi cho rằng giới lãnh đạo Moscow không mặn mà với ý tưởng chấp nhận đối đầu NATO chỉ để giành được Donbass trong khi đã kiểm soát được Crimea. Hơn nữa, trong trường hợp Nga giành chiến thắng ở Donbass thì sau đó cũng phải mất rất lâu để ổn định tình hình an ninh, chưa kể phải tốn thêm công sức và tiền của để hỗ trợ phe ly khai thành lập chính quyền ổn định trong khi phe này còn không đủ lực để đối đầu trực diện với quân đội Ukraine. Có thể thấy so đo thiệt hơn thì Moscow không nhận lại được gì đáng kể nếu phá vỡ tình thế hiện tại và trực tiếp đổ quân vào Donbass” - ông Herbst nói thêm.

Hiện các nước phương Tây đang theo dõi sát các diễn biến ở khu vực miền đông Ukraine và biên giới với Nga. Các nước kêu gọi các bên ngừng các hành động làm leo thang căng thẳng. Những ngày gần đây, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cũng đã nhiều lần điện đàm với các quan chức NATO cấp cao, trong đó có Tổng thư ký Jens Stoltenberg để nhắc lại nguyện vọng đưa Ukraine gia nhập tổ chức này. Dù vậy, tờ South China Morning Post nhận định sẽ rất khó để NATO chấp nhận rủi ro và mở rộng vòng tay chào đón Ukraine bởi một khi nước này trở thành thành viên chính thức thì xung đột Donbass cũng sẽ là xung đột của toàn khối.  Theo điều khoản số 5, một trong những nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, nói rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh”. 

Ngoài vấn đề Donbass thì còn có những vấn đề khác liên quan đến chính trị nội bộ trong việc cân nhắc khả năng Ukraine gia nhập NATO. Theo quy định của liên minh này thì mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết. Do đó, nếu có bất kỳ thành viên nào không hài lòng với Ukraine thì đều có thể ngăn cản nước này gia nhập NATO. Nhìn lại lịch sử, Macedonia trước đây từng không thể gia nhập NATO do bị Hy Lạp phản đối. Tuy nhiên, sau khi chấp nhận đổi tên thành North Macedonia trước sức ép từ Hy Lạp, quốc gia này cuối cùng đã có thể trở thành thành viên NATO vào năm ngoái. 

Nguồn: [Link nguồn]

Sau chuyến thăm vùng chiến sự, Tổng thống Ukraine đã ”chấp nhận cúi đầu”?

Sau khi thị sát và gặp gỡ các quân nhân trên vùng chiến sự Donbass, Tổng thống Ukraine đã có những tuyên bố giảm nhiệt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN