Kiểu cúi đầu xin lỗi ở Formosa có giống người Nhật?

Hành vi cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam của lãnh đạo Formosa ngày 26.4 trông giống cử chỉ cúi đầu xin lỗi truyền thống của Nhật Bản, nhưng lại có phần khác.

Kiểu cúi đầu xin lỗi ở Formosa có giống người Nhật? - 1

Tập thể lãnh đạo công ty Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam ngày 26.4 (Ảnh: PLO)

Chiều 26.4, Formosa Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo sau hàng loạt nghi vấn về hệ thống xả thải của công ty cũng như phát ngôn "chọn tôm cá hay chọn nhà máy" của Giám đốc đối ngoại Chu Xuân Phàm. Ông Trương Phục Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Formosa, cho rằng phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Formosa, chính quyền Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam. Ông Ninh cùng tập thể lãnh đạo công ty cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam. Trước đó, tháng 3.2015, công ty này cũng đã có hành động tương tự sau sự cố sập giàn giáo khiến 13 người chết, 28 người bị thương cũng ở Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngày 27.3.2015, trưởng đại diện Formosa tại Hà Tĩnh đã cùng đại diện của hai nhà thầu Samsung C&T (đơn vị thi công) và Samku (đơn vị lắp đặt hệ thống kết cấu thép của giàn giáo) cúi đầu xin lỗi các nạn nhân và toàn thể người dân Việt Nam.

Kiểu cúi đầu xin lỗi ở Formosa có giống người Nhật? - 2

Formosa, Samsumg và Samku cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam sau vụ sập giàn giáo tháng 3.2015

Hành động cúi đầu của các lãnh đạo công ty người Đài Loan trong sự cố này gây liên tưởng đến một cử chỉ văn hóa của người Nhật có tên là Ojigi - đổ người từ phần eo về phía trước để chào hỏi, bày tỏ sự biết ơn hay xin lỗi.

Tuy nhiên, các lãnh đạo của Formosa có vẻ cúi đầu xin lỗi không đồng đều về thời điểm, độ nghiêng, vị trí đặt tay (xem ảnh đầu bài) và dường như không theo quy chuẩn của Ojigi. Ojigi là cả một hệ thống quy tắc cúi người được quy định chặt chẽ. Cúi càng thấp càng cho thấy sự hối lỗi hoặc trân trọng. 

Kiểu cúi đầu xin lỗi ở Formosa có giống người Nhật? - 3

Lãnh đạo hãng Sony (Nhật Bản) cúi đầu xin lỗi năm 2011 sau sự cố hệ thống Playstation bị hack liên tục, ảnh hưởng đến quyền lợi người dùng

Ojigi của Nhật Bản được chia làm 3 cách:

Cúi chào 15 độ (Eshaku): là một cử chỉ đơn giản và nhẹ nhàng nhất, được sử dụng thường xuyên cho những người đồng trang lứa. Đây cũng được coi như một lời chào lịch sự thông thường.

Cúi tôn trọng 30 độ (Keirei): Đây là một động tác cúi người thể hiện sự cung kính và được dùng với những người có địa vị xã hội cao hơn hoặc lớn tuổi hơn.

Cúi đặc biệt tôn trọng 45 độ (Saikeirei): Động tác này được sử dụng khi người chào mắc phải một sai lầm nghiêm trọng hoặc đang nói chuyện với “cấp trên”. Saikeirei thường được sử dụng để chào hoặc xin lỗi những người như hoàng đế, giám đốc điều hành, người sếp vừa phát hiện ra một sai lầm của nhân viên. Đây không phải là động tác có thể sử dụng với bạn bè và gia đình.

Kiểu cúi đầu xin lỗi ở Formosa có giống người Nhật? - 4

Quy tắc cúi đầu Ojigi của Nhật Bản

Tuy không giống với Ojigi, nhưng cúi chào nói chung là một động tác truyền thống của người Đông Á, không chỉ ở Nhật Bản, mà còn nhiều nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan. Cúi người cũng có ý nghĩa là tôn trọng hoặc cảm ơn, xin lỗi ở các nước Đông Á này.

Cúi đầu xin lỗi dường như cũng là một cử chỉ phổ biến của người Đài Loan. Năm 2004, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã cúi đầu xin lỗi công chúng sau vụ mưu sát cựu Tổng thống Trần Thủy Biển.

Tháng 8 năm 2014, nam diễn viên Kai Ko (Đài Loan) và Phùng Tổ Minh, con trai của Thành Long đã bị cảnh sát bắt giữ khi họ tìm thấy 100 gram cần sa trong nhà riêng của diễn viên Tổ Minh tại Bắc Kinh. Kai Ko sau đó đã tổ chức họp báo và cúi đầu xin lỗi người hâm mộ. Anh khóc nức nở: "Tôi đã phạm sai lầm, chẳng có lời giải thích nào cho hành động của tôi. Tôi thực sự đã sai rồi".

Cũng là xin lỗi, nhưng ông Lữ Trung Cát - người chịu trách nhiệm trong sự cố công viên nước Bát Tiên (Đài Loan) khiến hơn 500 người bị thương hồi tháng 6.2015, lại dùng cách khác. Ông đã quỳ gối xin lỗi các nạn nhân và gia đình trước truyền thông. Ngoài ra, ông còn bỏ ra 1000.000 đài tệ (khoảng hơn 700 triệu VNĐ) để bồi thường cho các nạn nhân.

Kiểu cúi đầu xin lỗi ở Formosa có giống người Nhật? - 5

Ông Lữ Trung Cát quỳ gối xin lỗi sau sự cố tại công viên nước Bát Tiên (Đài Loan)

Người phương Tây có thể sẽ thấy xa lạ với kiểu xin lỗi này. Các doanh nghiệp phương Tây khi có lỗi thì không cúi chào, cũng không quỳ gối.

Tháng 9.2015, giám đốc điều hành của hãng xe hơi nổi tiếng của Đức Volkswagen đã xin lỗi sau khi công ty bị cáo buộc lừa dối các quy định về bảo vệ môi trường. Ông đã nói: "Tôi vô cùng xin lỗi vì đã phá vỡ niềm tin của khách hàng và công chúng. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kì hành vi vi phạm nội quy hoặc luật pháp nào khác". Công ty sau đó đã ngừng bán những chiếc xe được cài thuật toán làm sai kết quả đo lường khí thải.

Với chuỗi nhà hàng Chipotle nổi tiếng của Mỹ, sau bê bối ngộ độc thực phẩm khiến hơn 350 nhiễm bệnh trong vụ bùng phát dịch E-coli vào cuối năm 2015, công ty cũng gửi lời xin lỗi đến toàn bộ nạn nhân và cố gắng xây dựng lại danh tiếng của mình bằng cách tăng gấp đôi số lượng đồ ăn miễn phí cho khách hàng vào đầu năm 2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN