Kiên quyết với S-400: Thổ Nhĩ Kỳ chỉ sợ Nga cho nếm mùi "thất bại lần thứ 18" chứ không "ngán" áp lực Mỹ?

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không phải là bạn bè, dù sự thể hiện bên ngoài khiến nhiều người tưởng như vậy. Dường như Ankara không muốn từ bỏ S-400 vì sợ Moscow trả đũa.

Kiên quyết với S-400: Thổ Nhĩ Kỳ chỉ sợ Nga cho nếm mùi "thất bại lần thứ 18" chứ không "ngán" áp lực Mỹ? - 1

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từng là đối thủ với nhau trong quá khứ

Liên minh 70 tuổi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng đến thời kỳ hỗn loạn nhất trong nhiều thập kỷ.

Quốc hội Mỹ đã thảo luận trong nhiều tuần để hướng tới trừng phạt Ankara vì đã lên kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 và những gì các nghị sĩ coi là “sự xoay trục của Thổ Nhĩ Kỳ từ phương Tây sang Nga.

Washington đang chuẩn bị cắt giảm hợp tác quốc phòng với Ankara và trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những hành động này có vẻ đang sai lầm và sẽ vô tình làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Ankara với Moscow.

Trên thực tế, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không hề là bạn của nhau, dù những thể hiện bên ngoài khiến nhiều người lầm tưởng như vậy, theo The Hill.

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên chủ chốt của liên minh NATO - đang sẵn sàng sở hữu một hệ thống phòng không tinh vi của Nga vốn được thiết kế để theo dõi và bắn hạ các máy bay chiến đấu của liên minh quân sự phương Tây. Điều này là không thể tưởng tượng và không thể chấp nhận được đối với Mỹ.

Sau nỗ lực đảo chính thất bại năm 2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra các biện pháp mạnh tay đối với báo chí, tiến hành các vụ bắt giữ hàng loạt. Điều này cũng đã gây ra sự không hài lòng ở Washington.

Các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa Tổng thống Erdogan với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bên cạnh mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng giữa hai nước đã để lại ấn tượng rằng Ankara dường như đang muốn trở thành đồng minh của Moscow.

Nhưng sự thật có thể không hẳn như vậy. Vì nhiều lý do, chính Ankara mới đang cảm thấy bị đe dọa bởi người hàng xóm khổng lồ ở phương Bắc thay vì Mỹ.

Cần phải nhớ rằng, vào khoảng giữa thế kỷ 17 và 20, đế chế Ottoman và Nga là những đối thủ sừng sỏ của nhau. Cho đến khi Đế quốc Nga sụp đổ vào năm 1917, người Thổ Nhĩ Kỳ và người Nga đã chiến đấu trong tổng cộng 17 cuộc chiến lớn, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đều là bên thua cuộc.

Do đó, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chuyển hướng sang Mỹ và gia nhập NATO vào thế kỷ 20 được coi là sự thúc đẩy từ sự lo ngại đối với Nga.

Ngoài ra, gần đây vào năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Nga liên quan đến cuộc chiến ở Syria, nơi Ankara và Moscow đứng hai bên bờ chiến tuyến.

Thổ Nhĩ Kỳ sợ Nga nắm thóp?

Quyết định theo đuổi hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ bối cảnh hiện tại có nhiều thay đổi. Trong một thập kỷ qua, Ankara đã cố gắng mua hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất nhưng không thành công.

Mỹ đã không chấp nhận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về chuyển giao công nghệ và sản xuất tại địa phương. Do đó, Ankara đã tìm kiếm những sự thay thế, bao gồm cả hệ thống tên lửa của Trung Quốc vào năm 2013, nhưng đã thất bại vì sự phản đối của Mỹ.

Sau nỗ lực đảo chính năm 2016 chống lại chính quyền Tổng thống Erdogan, bao gồm cả vụ oanh tạc trên tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - nhu cầu của Ankara và cả của ông Erdogan trong việc tìm kiếm một hệ thống phòng không thậm chí còn cấp bách hơn.

Về phần mình, Tổng thống Putin chắc chắn sẽ rất vui khi bán vũ khí cho một thành viên NATO để gây ra sự chia rẽ trong liên minh. Moscow có thể sử dụng hệ thống S-400 để tiến hành các nỗ lực thu thập thông tin tình báo vô giá chống lại F-35, máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng trong việc phát triển F-35 từ năm 2002. Hơn thế nữa, Ankara có kế hoạch mua 100 mẫu tiêm kích tàng hình này. Chính quyền Trump đã tạm dừng chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi Ankara từ bỏ kế hoạch mua S-400.

Đồng thời, Washington đã đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn đó là bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, với điều kiện Ankara bỏ đi khỏi thỏa thuận S-400.

Kiên quyết với S-400: Thổ Nhĩ Kỳ chỉ sợ Nga cho nếm mùi "thất bại lần thứ 18" chứ không "ngán" áp lực Mỹ? - 2

S-400 là sự lựa chọn tốt hơn của Thổ Nhĩ Kỳ so với Patriot.

Bất chấp nguy cơ bị loại khỏi chương trình F-35, các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt giữa lúc suy thoái kinh tế, một đề nghị thay bằng Patriot có thể tương thích với NATO – Tổng thống Erdogan có thể sẽ bước tiếp với thỏa thuận của Tổng thống Putin vì Nga có sự đe dọa đáng kể so với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Syria, nơi chính quyền Erdogan đang ủng hộ cho phiến quân chống lại chính quyền Tổng thống Assad, Tổng thống Putin đang cho thấy một điều: Nga có thể sẵn sàng cho Thổ Nhĩ Kỳ nếm mùi thất bại lần thứ 18.

Một cuộc tấn công quy mô lớn do Nga lãnh đạo ở Idlib sẽ gây ra một làn sóng tị nạn khổng lồ đối với Thổ Nhĩ Kỳ và áp đảo ảnh hưởng của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải đối mặt với các nhóm chiến binh cực đoan Idlib, đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nước này.

Cùng với đó, Moscow có thể bật đèn xanh cho người Kurd ở Syria để trở thành cơn ác mộng hơn nữa đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ vậy, Tổng thống Putin có thể cấm người Nga đến du lịch Thổ Nhĩ Kỳ (du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất so với các quốc gia khác) - và chặn nhập khẩu nông sản, giống như sau sự cố bắn rơi máy bay năm 2015, tiếp tục siết chặt nền kinh tế yếu kém của nước này.

Tổng thống Putin cũng có thể đe dọa đến nguồn cung cấp năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ hai của Nga ở châu Âu sau Đức.

Với những điều kể trên , tờ The Hill cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không phải là đồng minh hay bạn bè của nhau.

Lý do Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải nhờ cậy đến Nga là do mối lo ngại về an ninh của Tổng thống Erdogan, sự hoài nghi đối với phương Tây và việc không thể bảo đảm có được hợp đồng tốt với hệ thống phòng không của Mỹ đã khiến ông phải tìm kiếm một giải pháp thay thế.

Tuy nhiên, khi đã bước vào cuộc chơi với Nga, Tổng thống Erdogan dường như không thể rời bỏ một cách dễ dàng trong hợp đồng S-400, vì ông sợ sự trả đũa của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai trong NATO và là nơi đặt căn cứ Incirlik, một tiền đồn lớn ở nước ngoài mà Washington sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công chống lại khủng bố và bảo vệ vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Hơn thế nữa, việc giáp với Iran, Iraq, Syria và Nga trên Biển Đen cũng khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác cung cấp những đòn bẩy chiến lược cho Mỹ.

Với những lý do ở trên, tờ The Hill tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn là một quốc gia quan trọng đối với lợi ích của Mỹ và Washington không cần phải lo ngại về việc Ankara chuyển sang vòng tay Moscow.

Tung đòn không kích ở Syria, Nga hỏi Thổ Nhĩ Kỳ: Chọn S-400 hay mất Idlib?

Bằng các cuộc không kích của mình, Moscow hiện đang "phả hơi nóng" vào Thổ Nhĩ Kỳ và cho thấy mọi thứ ở Idlib có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Vinh ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN