Khi chưa có vắc xin, nhân loại dùng cách nào đối phó các đại dịch nguy hiểm như Covid-19?

Con người là một chủng loài kiên cường và có ý chí sinh tồn mạnh mẽ. Trong các đại dịch kinh hoàng, cướp đi nhiều sinh mạng như dịch hạch hay cúm Tây Ban Nha, loài người đã tìm ra những biện pháp thích nghi hoàn cảnh và đối phó với dịch bệnh.

1. Cách ly

Cách ly – một trong những biện pháp hiệu quả nhất nhằm đối phó với dịch bệnh có khả năng lây lan mạnh như Covid-19 – lần đầu tiên được biết đến vào ngày 27.7.1377, khi dịch hạch hay còn gọi là Cái chết đen đang hoành hành.

Thành phố cảng Dubrovnik, Croatia khi đó quy định, “Những người đến từ các khu vực đang có dịch bệnh sẽ không được vào Dubrovnik trừ phi họ chịu cách ly đủ 1 tháng trên đảo Mrkan hoặc tại thị trấn Cavtat”.

Các bác sĩ thời điểm đó cho biết, sự lây lan của dịch hạch giảm đi đáng kể nhờ biện pháp cách ly.

Biện pháp cách ly cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 ở Mỹ.

Chính quyền San Francisco khi đó quy định, người từ bên ngoài muốn vào thành phố đều phải chịu cách ly. Những cuộc tụ tập đông người, trường học hay rạp chiếu phim cũng bị đóng cửa.

Ở thành phố Philadelphia, biện pháp cách ly không được áp dụng. Chỉ 72 giờ sau khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên quy mô lớn, 31 bệnh viện của Philadelphia đều rơi vào tình trạng quá tải vì số bệnh nhân đột ngột gia tăng.

Dụng cụ phun thuốc khử trùng trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 (ảnh: History)

Dụng cụ phun thuốc khử trùng trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 (ảnh: History)

2. Mua lương thực, thực phẩm từ xa

Trong thời điểm dịch hạch tấn công Italia (1629 – 1631), những thương nhân giàu có ở thành phố Tuscany đã nghĩ ra một cách rất sáng tạo để bán bớt số rượu tồn kho mà không cần bày biện ở các khu phố đông đúc.

Các ô cửa sổ rất hẹp được đục trên các vách tường nhằm giúp người bán rượu, thực phẩm phục vụ khách hàng và thu tiền mà không cần tiếp xúc gần. Thiết kế này còn được gọi với cái tên “cửa sổ rượu”.

Nhân viên phục vụ phía sau “cửa sổ rượu” không tiếp xúc trực tiếp, thậm chí, họ còn dùng giấm để khử trùng tiền của khách hàng.

400 năm sau dịch hạch kinh hoàng, những “cửa sổ rượu” lại một lần nữa xuất hiện ở Italia để phục vụ khách hàng từ rượu, đồ ăn, cà phê, cho tới cả kem trong đại dịch Covid-19.

3. Đeo khẩu trang

Trong khi dịch hạch bùng phát mạnh ở châu Âu, các bác sĩ thời đó đã phát minh ra “khẩu trang” với hình thù như mỏ chim, bên trong chứa đầy thảo dược có mùi thơm. Các bác sĩ thời đó cho rằng, dịch hạch lây truyền qua “mùi hôi” bí ẩn trong không khí.

Khi đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 hoành hành, chiếc khẩu trang đã trở thành một trong những công cụ hàng đầu để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tháng 9.1918, thành phố San Francisco, Mỹ đã bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Nếu không tuân thủ, người dân có thể bị phạt tiền, phạt tù giam hoặc đưa tên lên báo để phê phán. Một số tờ báo cũng có bài viết hướng dẫn người dân tự làm khẩu trang tại nhà.

Đeo khẩu trang trong đại dịch cúm năm 1918 (ảnh: History)

Đeo khẩu trang trong đại dịch cúm năm 1918 (ảnh: History)

4. Rửa tay

Rửa tay để giảm nguy cơ nhiễm bệnh là việc làm phổ biến hiện nay nhưng lại là điều mới mẻ vào thời điểm trước thế kỷ 20.

Từ những năm 1800, các nhà khoa học nổi tiếng như Louis Pasteur, Joseph Lister và Robert Koch đã đưa ra những khái niệm, bằng chứng đầu tiên về vi khuẩn gây bệnh nhưng khó có thể phát hiện bằng mắt thường.

Để khuyến khích việc rửa tay phòng bệnh, nhiều chủ nhà thời đó đã cho xây phòng vệ sinh riêng cho khách hoặc nhân viên giao hàng. Người lạ khi đến nhà sẽ được mời vào nhà vệ sinh riêng để rửa tay, trước khi tiếp xúc với chủ nhà hoặc người thân của họ.

Trải qua các đại dịch nguy hiểm, con người ngày càng mạnh mẽ hơn (ảnh: NY Times)

Trải qua các đại dịch nguy hiểm, con người ngày càng mạnh mẽ hơn (ảnh: NY Times)

5. Lớp học ngoài trời

Ngày nay, việc có nên đóng cửa trường học hay không vẫn là đề tài gây tranh cãi trong dịch Covid-19. Ở các đại dịch trước đó, người ta cũng không ngừng tranh luận về vấn đề này.

Trong bối cảnh Mỹ tìm cách đối phó với dịch lao phổi vào những năm 1990, nhiều người đã nghĩ đến việc đưa trẻ em tới các lớp học thoáng mát ngoài trời. Dịch lao thời điểm đó cướp đi sinh mạng của khoảng 450 người mỗi ngày, trong đó có cả trẻ em.

Ngay trong dịch lao và đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, 130 thành phố ở Mỹ đã triển khai các lớp học ngoài trời. Không khí thoáng đãng và không gian rộng rãi được cho là biện pháp hữu hiệu giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia châu Á mới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong ngày lớn nhất thế giới

Hơn 78.000 ca nhiễm mới Covid-19 chỉ sau một ngày, quốc gia châu Á này vừa ghi nhận số người mắc virus trong 24 giờ cao nhất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – History ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN