Hội Tam Hoàng - “Ông vua” cần sa mới

Một xu hướng đáng chú ý trong lòng “thế giới ngầm” ở Mỹ vài năm trở lại đây là tội phạm chuyển dịch từ cần sa, cocaine, và các loại ma túy tự nhiên sang ma túy tổng hợp như fentanyl, methamphetamine, v.v... Ma túy tổng hợp có chi phí sản xuất thấp, có thể được chế biến ở bất kỳ đâu, và dễ dàng che giấu, vận chuyển.

Nói vậy nhưng không có nghĩa là nhu cầu cần sa của các con nghiện Mỹ hoàn toàn biến mất. Tội phạm người Mỹ gốc Hoa đã nhận ra “lỗ hổng” trên thị trường ma túy và đang dần khẳng định vị thế độc tôn trong cung cấp cần sa của mình.

Vụ án kinh hoàng

Hạt Kingfisher, bang Oklahoma, Mỹ hoàn toàn không có gì đặc biệt cả. Vậy nên khi vụ án sát hại 4 người xảy ra tại một trang trại ở Kingfisher, làm những người trong hạt kinh sợ. Vụ án xảy ra vào buổi sáng chủ nhật cuối tháng 11/2022. Kẻ gây án là Trần Võ, một người nhập cư Trung Quốc làm công cho trang trại cần sa. Trước đó Trần Võ cùng 5 người nhập cư khác từ tỉnh Phúc Kiến làm công thuê cho trang trại này. Nạn nhân đầu tiên của Trần Võ là chủ trang trại Trần Cường Hà. Hà từng vào tù và khi đó còn đang chờ ngày ra tòa vì bắn một người đàn ông tại hội quán Phúc Kiến ở thành phố Oklahoma.

Trần Võ bắn vào đầu gối Trần Cường Hà và tiếp theo là giết một con chó, sau đó chĩa súng vào các công nhân khác đe dọa rằng nếu họ không trả cho hắn số tiền 300.000 USD Hà nợ hắn, hắn sẽ giết chết tất cả bọn họ sau nửa tiếng. Hà bảo bạn gái gọi điện cho anh trai hắn để lấy tiền, nhưng trong khi chờ đợi, hắn mất máu quá nhiều. Cuối cùng thì Hà bảo Võ giết hắn luôn để không chết trong đau đớn. Võ bèn bắn 2 phát vào ngực Hà, giết chết hắn, nhưng cùng lúc đó 2 con tin bèn lao vào Võ. Võ bèn nổ súng, giết chết anh trai và bạn gái của Võ cùng một người làm công. Chỉ có một người phụ nữ bị thương may mắn trốn thoát bằng cách trốn dưới gầm xe tải.

Bên ngoài trang trại trồng cây cần sa của Trần Cường Hà ở hạt Kingfisher.

Bên ngoài trang trại trồng cây cần sa của Trần Cường Hà ở hạt Kingfisher.

Vụ giết người hàng loạt ở hạt Kingfisher giống như một gợn sóng trên mặt hồ. Theo lời của Donnie Anderson, giám đốc Cục Chống ma túy bang Oklahoma, thì: “Những tổ chức tội phạm gốc Hoa đã chiếm được gần như toàn bộ nguồn cung cần sa ở Mỹ, rồi từ đó chúng mở rộng việc kinh doanh ra đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo, v.v... Nạn nhân trực tiếp của chúng là hàng nhìn người Trung Quốc nhập cư trái phép từ biên giới phía nam. Họ bị tội phạm bắt lao động khổ sai trong các trang trại hay làm gái điếm”.

Những kẻ đứng đầu đế chế tội phạm này là Hội Tam Hoàng đóng ở New York. Phần lớn các ông trùm Tam Hoàng ở Mỹ là người gốc miền nam Trung Quốc và vẫn còn giữ liên hệ chặt chẽ với tội phạm có tổ chức ở Trung Quốc đại lục. Vào năm 2018, sau khi chính quyền bang Oklahoma cho phép tư nhân trồng và buôn bán cần sa nhằm mục đích y tế, các ông trùm người Hoa đã sớm nhảy vào các trang trại và cửa hàng bán cần sa tại bang này. Nhà chức trách Oklahoma cố gắng điều tra thật kỹ các dòng vốn đổ vào ngành cần sa, nhưng họ cũng phải bó tay trước mạng lưới bình phong tinh vi của tội phạm gốc Hoa. Theo tờ The Oklahoman thì việc trồng và kinh doanh cần sa đang là ngành kinh tế lớn thứ hai bang Oklahoma, chỉ sau ngành khai thác dầu khí.

Ông Ray Donnovan, nguyên Giám đốc tác chiến của Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA), nhận xét: “Một số bang ở Mỹ cho phép các cơ sở tư nhân trồng và bán cần sa cho bệnh nhân mua ngoài, nhưng họ kiểm soát rất chặt việc cấp giấy phép trồng cây gai dầu và diện tích cho phép trồng. Đấy còn chưa kể việc mức thuế áp lên các sản phẩm từ cây gai dầu khá là cao. Điều này đã tạo ra cơ hội cho những kẻ sẵn sàng trồng cần sa trái phép để bán với giá rẻ hơn”.

Theo ước tính của chính quyền bang Oklahoma, có khoảng hơn 3.000 cơ sở trồng cần sa trái phép tại địa phận của họ, trong đó hơn 80% là của tội phạm gốc Hoa. Lợi nhuận chúng thu về hằng năm rơi trong khoảng 18-44 triệu USD. Dòng tiền khổng lồ kéo theo vấn nạn rửa tiền, cờ bạc, mại dâm, và cả những vụ bạo lực, giết người. Các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp nước Mỹ không đủ nhân lực lẫn nguồn lực để chống lại mối họa này. Họ gặp khó ngay cả việc tìm phiên dịch viên tiếng Trung để thẩm vấn các đối tượng tình nghi.

Ma túy, tiền và máu

Trần Cường Hà sinh ra tại huyện Trường Lạc, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Hắn cùng anh trai di cư sang Mỹ khoảng 30 năm trước. Ban đầu hai người mở nhà hàng ở New York và Bắc Carolina. Thế rồi chúng bất ngờ nhảy vào ngành kinh doanh cần sa vào năm 2017. Trần Cường Hà cùng anh trai và bạn gái Lý Huệ Phương cải tạo một căn nhà tại thung lũng San Joaquin (bang California) thành trang trại trồng cần sa trái phép. Chúng không phải là những kẻ duy nhất làm vậy. Tội phạm gốc Hoa, Cuba, El Salvador, v.v... đổ xô mua bất động sản ở miền Tây nước Mỹ để trồng cần sa, rồi đem hàng đi bán ở miền Đông với mức lợi nhuận cao gấp ba, bốn lần chi phí sản xuất.

Cảnh sát San Joaquin phát hiện ra vào tháng 11/2018 rằng hóa đơn tiền điện của ngôi nhà đứng tên Trần Cường Hà tăng từ 170 USD lên đến 2.000 USD. Họ bèn đột kích vào ngôi nhà vào ngày 13/12. Cảnh sát bắt giữ anh em họ Trần, Lý Huệ Phương và hai người làm công khác. Khi đó chúng “ăn ngủ” ngay tại chỗ với 3.835 cây cần sa. Hà nhận hết tội về mình. Hắn ngồi tù gần hai năm thì được tại ngoại. Hà cùng đồng bọn bèn chuyển đến bang Oklahoma hoạt động. Nhóm chúng có thêm một đối tượng tên Lâm Diệc Phi. Tên này cũng từng mua nhà trồng cần sa ở bang Bắc Carolina rồi bị cảnh sát bắt.

Oklahoma không giới hạn diện tích trồng cần sa như các tiểu bang Mỹ khác. Các bộ luật liên quan đến an toàn trong sử dụng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường thông qua hoạt động nông nghiệp, v.v... ở Oklahoma cũng khá lỏng lẻo. Đấy là hai lý do chính vì sao tội phạm ma túy lại đổ đến Oklahoma. Chúng còn thường tự ý cải tạo nhà để ăn trộm nước máy và điện năng, từ đó gây thêm nguy hiểm cho các hộ xung quanh.

Vào năm 2020, DEA phát hiện một nhóm tội phạm người Trung Quốc thông qua WeChat (mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc) để kêu gọi nhà đầu tư góp vốn mở trang trại trồng cần sa ở Oklahoma. Sau một thời gian theo dõi, DEA và cảnh sát Oklahoma tóm được 3 đối tượng khi chúng hạ cánh xuống một sân bay ở nông thôn. Chúng khai đây không phải là lần đầu tiên kêu gọi vốn trên mạng xã hội để mua đất trồng cần sa ở Oklahoma. Chúng thường bay máy bay riêng từ California tới Oklahoma với vài nghìn USD trong túi để mua đất. Người đứng tên mọi hợp đồng đều được chúng thuê làm bình phong.

Quay trở lại Trần Cường Hà, hắn mua một thửa đất rộng 4 ha ở thị trấn Hennessey, hạt Kingfisher, Oklahoma với giá 280.000 USD. Người đứng tên chủ mảnh đất lẫn giấy phép trồng cần sa là Richard Ignacio, một đối tượng người địa phương được Trần Cường Hà thuê. Người hàng xóm gần nhất là anh Gary Hawk sống cách đó 1,6 km. Trang trại của Hà nằm trên mảnh đất vốn là của bố mẹ Gary.

Ngay từ khi những người này chuyển đến trang trại, Gary và dân cư thị trấn Hennessey đã có cảm giác bất an. Gary cho biết: “Cô bưu tá không bao giờ đưa thư đến trang trại đấy. Có một lần cô ấy chỉ đi qua mở hòm thư nhà đó thôi mà đã có người cầm mã tấu và súng AR-15 ra đuổi... Họ không bao giờ có mặt ở thị trấn, kể cả là để mua đồ. Chắc là họ mua hết nhu yếu phẩm ở nơi khác rồi tích trữ tại nhà”.

Trang trại của Trần Cường Hà có đến tận 100 nhà kính trồng cần sa, chưa kể khoảng trồng trong căn nhà nơi hắn và khoảng 20 công nhân sống. Đối tượng tên Lưu Cẩm Đào làm quản lý trang trại. Giữa Hà và Đào nảy sinh bất đồng vì Hà quịt tiền hoa hồng của Đào trong một chuyến chở ma túy. Sau đó Hà còn nhiều lần gửi tin nhắn cho Đào và vợ đe dọa sẽ giết hắn.

Vào rạng sáng ngày 2/12/2020, Hà và Lâm Diệc Phi lái xe đến trước hội quán Phúc Kiến ở thành phố Oklahoma. Đào đang đánh bài ở trong hội quán thấy thế bèn đi ra rồi cãi vã với Hà. Lưu Diệc Phi hét: “Bắn nó!”, thế là Hà rút súng ra bắn Đào. Viên đạn bắn trúng xương chậu của Đào. Cảnh sát bắt giữ Hà và Diệc Phi tại chỗ, đồng thời khám xét ngôi nhà đứng tên Hà ở thành phố Edmond. Họ phát hiện và tịch thu 12,4 cân cần sa, 8 lọ ketamine, và 97.000 USD tiền mặt. Hai đối tượng sau đó được cảnh sát thả ra nhờ trả tiền tại ngoại. Đến gần hai năm sau thì xảy ra vụ giết người ở trang trại.

Sát thủ Trần Võ là người Phúc Kiến từng sống nhiều năm ở Tây Ban Nha. Hắn từng bị cảnh sát Madrid truy nã vì tội sử dụng danh tính giả để cư trú trái phép. Trần Võ phải bỏ chạy sang Cuba vào năm 2010. Sau đó hắn liên tục di chuyển giữa Mỹ và các nước vùng Caribe để buôn lậu, rửa tiền và đưa người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ. Hắn vừa góp tiền đầu tư, vừa làm việc tại trang trại của Trần Cường Hà, nhưng sau đó bỏ đi bởi bị quịt tiền.

Sau khi cảnh sát hạt Kingfisher nhận được tin báo về vụ giết người, họ ngay lập tức dùng ôtô và trực thăng bao vây trang trại. Nhưng Trần Võ đã lợi dụng đêm tối để lái xe bỏ chạy. Hắn vừa lái xe đến bang Florida, vừa tìm cách liên lạc với các đồng bọn buôn lậu cũ để lên kế hoạch bỏ trốn. Nhưng cuối cùng cảnh sát cũng tóm được Võ. Hắn cầu xin sự bảo vệ của cảnh sát vì sợ sẽ bị Hội Tam Hoàng ám sát.

Trung úy Ken Thompson, cảnh sát trưởng hạt Kingfisher, là người trực tiếp lái xe áp giải Trần Võ từ Florida về Oklahoma. Ông kể lại với phóng viên: “Tôi và một đồng nghiệp khác qua đêm ở khách sạn bên đường. Tôi nhìn ra cửa sổ thì thấy 3 chiếc SUV lái vòng quanh khách sạn như đang theo dõi tôi. Thế là sáng hôm sau chúng tôi lái xe một mạch đến Florida, nhận phạm nhân, rồi lái xe một mạch về Oklahoma. 3 chiếc SUV cứ bám theo xe chúng tôi mãi, tôi phải lái xe vào đường làng để cắt đuôi chúng. Khi đã về đến thành phố Oklahoma rồi thì phạm nhân một mực không dám xuống xe vì sợ”.

Phiên tòa xét xử Trần Võ mới kết thúc vào ngày 9/2/2024. Hắn nhận tội sát hại 4 người, tội hành hung và tội bắt cóc, hưởng án chung thân không có cơ hội ân xá.

Ảnh camera gắn áo cảnh sát chụp hiện trường nơi 4 nạn nhân bị sát hại.

Ảnh camera gắn áo cảnh sát chụp hiện trường nơi 4 nạn nhân bị sát hại.

Cuộc chiến cam go

Christopher Urben, một nguyên quan chức DEA, nhận xét: “Điều giúp cho tội phạm gốc Hoa nguy hiểm là tính kỷ luật của chúng. Kể cả các băng nhóm có cạnh tranh khốc liệt với nhau đến mức nào đi chăng nữa cũng không bao giờ xảy ra bạo lực. Những ông trùm thường xuyên bay từ Trung Quốc đến New York để chỉ đạo đàn em. Còn ở cấp cơ sở thì chúng quản lý hằng nghìn công nhân nhập cư làm việc ở trang trại mà không bao giờ để dù chỉ một người thoát ra. Các sòng bạc, động ma túy của chúng hoạt động ngay giữa thành phố mà cảnh sát cũng không biết”.

Các cơ quan hành pháp cấp tiểu bang và liên bang tại Mỹ đang đẩy mạnh việc chống tội phạm kinh doanh cần sa trái phép. Mới đây cảnh sát Oklahoma đã chặn được hai xe container chở cần sa từ một trang trại “chui” ở bang này. Hai đối tượng bị bắt khai chúng “đánh hàng” mỗi tháng một lần, một lần như vậy có thể kiếm được 20 triệu USD. Trước đó chính quyền Oklahoma còn tuyên bố đã giảm được một nửa số cơ sở trồng cần sa cả có phép lẫn không phép. Chính quyền sẽ còn tiếp tục “mạnh tay” trong việc rà soát toàn bộ vùng nông thôn để triệt tiêu tội phạm cần sa.

Mấu chốt trong cuộc chiến chống Hội Tam Hoàng tại Mỹ là sự liên kết hợp tác giữa Washington và Trung Quốc. Tội phạm có tổ chức ở Trung Quốc đang cung cấp cả người lẫn tiền để đồng bọn mở các trang trại trồng cần sa tại Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia gặp nhiều căng thẳng, cuộc chiến chống tội phạm gốc Hoa ở Mỹ sẽ chỉ có thể trở nên khó khăn hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng chục người đã bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ sau khi các thành viên băng đảng Hội Tam hoàng truy sát nhau trên phố, dẫn đến cảnh người bị truy đuổi lao xe vào đồn cảnh sát để cầu cứu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Thịnh ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN