Làm điều cấm kị để chiếm ngai vàng, vị hoàng đế Trung Hoa mang "tiếng xấu muôn đời"

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Nhà Hậu Tấn là triều đại thứ 3 dưới thời Ngũ đại Thập quốc ở Trung Hoa. Hậu Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường là người mang vết nhơ "cõng rắn cắn gà nhà", nhượng 16 châu cho người Khiết Đan ở phương bắc.

Thạch Kính Đường là hoàng đế khai quốc nhà Hậu Tấn, người mượn tay ngoại bang đế giành ngai vàng. Ảnh minh họa.

Thạch Kính Đường là hoàng đế khai quốc nhà Hậu Tấn, người mượn tay ngoại bang đế giành ngai vàng. Ảnh minh họa.

Thạch Kính Đường là một trong số các hoàng đế gây tranh cãi thời Ngũ đại Thập quốc ở Trung Hoa. Năm 937, Thạch Kính Đường nhượng Yên Vân Thập lục châu cho nhà Liêu ở phương bắc - triều đại phong kiến do người Khiết Đan thành lập, vận nước kéo dài từ năm 907 đến năm 1125, dài 218 năm.

Hành động nhượng đất từ xưa đến nay luôn được coi là điều cấm kỵ. Điều gì khiến Thạch Kính Đường quyết định như vậy dẫn đến "tiếng xấu muôn đời"?

Con rể của hoàng đế triều Hậu Đường

Vào thời Ngũ đại Thập quốc, người Khiết Đan ở phương bắc trở thành thế lực hùng mạnh, lập ra nhà Liêu.

Vào thời Ngũ đại Thập quốc, người Khiết Đan ở phương bắc trở thành thế lực hùng mạnh, lập ra nhà Liêu.

Thạch Kính Đường sinh năm 892 trong một gia đình người dân tộc Sa Đà - nhóm dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới phía tây Trung Hoa khi đó.

Cha của Thạch Kính Đường là Thạch Chi Hân, một thủ lĩnh nổi tiếng trong cộng đồng người Sa Đà. Dù không phải là người Hán, nhưng từ nhỏ, Thạch Kính Đường đã được giáo dục cả văn hóa Sa Đà và văn hóa Hán. Thạch Kính Đường đặc biệt yêu thích binh pháp và ngưỡng mộ các tướng tài như Lý Mục, Chu Á Phu, những anh hùng nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

Sau khi nhà Đường sụp đổ vào năm 907, vùng lãnh thổ phía tây Trung Hoa trở thành địa bàn của tiết độ sứ Lý Khắc Dụng - kẻ thù duyên nợ với hoàng đế nhà Hậu Lương ở Trung Nguyên là Chu Toàn Trung. Thạch Chi Hân là một trong số những cánh tay đắc lực của Lý Khắc Dụng.

Năm 908, Lý Khắc Dụng qua đời, con trai Lý Tồn Úc kế nghiệp cha. Lý Tồn Úc trọng dụng Lý Tự Nguyên, con nuôi của vua cha. Nhận thấy Thạch Kính Đường có tài cưỡi ngựa bắn cung hơn người, Lý Tự Nguyên đặc biệt trọng dụng, giao cho chỉ huy thân binh và gả con gái sau này là Vĩnh Ninh công chúa cho.

Trong các trận đánh với triều Hậu Lương, Thạch Kính Đường đã nhiều lần lập công lớn, giúp đánh bại kẻ thù duyên nợ. Năm 923, Lý Tồn Úc xưng đế, lập ra nhà Hậu Đường, sau đó tiến hành một chiến dịch diệt hoàn toàn nhà Hậu Lương trong cùng năm. 

Lý Tự Nguyên đóng vai trò nổi bật trong chiến dịch còn Thạch Kính Đường và Lý Tòng Kha đều lập được công lớn. Lý Tòng Kha là một vị tướng tài năng, con nuôi của Lý Tự Nguyên. Tuy vậy, Lý Tồn Úc không ban phú quý vì theo ghi chép thì Thạch Kính Đường không thích kể công, chỉ có Lý Tự Nguyên là biết.

Giống như hoàng đế một số triều đại Trung Hoa, Lý Tồn Úc sau khi nắm quyền thì bắt đầu sát hại công thần. Thạch Kính Đường thuyết phục Lý Tự Nguyên làm phản. Kết quả là Lý Tồn Úc bị sát hại trong một cuộc binh biến tại Lạc Dương. Lý Tự Nguyên sau đó trở thành hoàng đế.

Thạch Kính Đường không chỉ được phong làm tiết độ sứ mà còn được xem là người kế thừa tiềm năng cho ngai vàng. Nhưng Thạch Kính Đường khéo léo né tránh, để các con của Lý Tự Nguyên tranh giành ngôi báu.

Nhượng Yên Vân Thập lục châu cho người Khiết Đan

Thạch Kính Đường không chỉ nhượng đất mà còn gọi vua Khiết Đan Gia Luật Đức Quang là "cha nuôi". Ảnh minh họa.

Thạch Kính Đường không chỉ nhượng đất mà còn gọi vua Khiết Đan Gia Luật Đức Quang là "cha nuôi". Ảnh minh họa.

Sau khi Lý Tự Nguyên qua đời , triều Hậu Đường bắt đầu rơi vào khủng hoảng quyền lực. Hoàng tử Lý Tòng Hậu kế vị nhưng triều đình bị các phe cánh chia rẽ dẫn đến bất ổn. Lý Tòng Hậu mất quyền kiểm soát, dẫn đến việc Lý Tòng Kha đoạt ngôi vị.

Dù Lý Tòng Kha từng có quan hệ thân thiết với Thạch Kính Đường, nhưng sau khi lên ngôi, hoàng đế bắt đầu nghi ngờ Thạch Kính Đường vì quyền lực và ảnh hưởng lớn từ thời Lý Tự Nguyên.

Để giảm bớt mối đe dọa, Lý Tòng Kha nhiều lần điều chuyển Thạch Kính Đường khỏi các chức vụ quan trọng. Năm 936, vợ của Thạch Kính Đường với tư cách là trưởng công chúa, đến chúc rượu Lý Tòng Kha, xin được cùng chồng rời khỏi kinh đô Lạc Dương. Trong lúc uống rượu say, Lý Tòng Kha buột miệng: "Sao không ở lại mà vội về. Muốn cùng Thạch lang làm phản chăng?"

Thạch Kính Đường biết tin thì càng lo sợ. Không lâu sau, Lý Tòng Kha ra lệnh cho các tướng đem quân triều đình thảo phạt Thạch Kính Đường. Vào thời điểm nguy cấp, Thạch Kính Đường sai người gửi thư tới người Khiết Đan - thế lực khi đó đã thành lập nhà Liêu ở phương bắc. Người Khiết Đan là kẻ thù của nhà Hậu Đường, từng nhiều lần xâm nhập lãnh thổ.

Trong thư gửi hoàng đế nhà Liêu là Gia Luật Đức Quang, Thạch Kính Đường ngỏ ý nhận Đức Quang là "cha nuôi", sẵn sàng nhượng Yên Vân Thập lục châu cho người Khiết Đan.

Những người thân tín của Thạch Kính Đường từng can gián, nói xưng thần có thể được, còn tôn Gia Luật Đức Quang làm cha thì có phần thái quá và nên biếu của cải chứ không nên nhượng đất vì đây là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, Thạch Kính Đường không nghe theo.

Gia Luật Đức Quang nhận được thư thì rất vui, trả lời nói rằng quân Khiến Đan sẽ liên minh với Thạch Kính Đường diệt triều đại của Lý Tòng Kha.

Mùa thu năm 936, Da Luật Đức Quang tuyên bố Thạch Kính Đường có tố chất làm chủ Trung Nguyên, hậu thuẫn để Thạch Kính Đường xưng đế, lập ra nhà Hậu Tấn.

Đến tháng 1/937, liên quân Khiết Đan và Hậu Tấn vây hãm kinh đô Lạc Dương. Trong tình thế vô vọng, Lý Tòng Kha cùng một số cận thần tự thiêu. Thạch Kính Đường tiến vào thành trong chiều tối hôm đó. Quân Hậu Đường hạ vũ khí đầu hàng, Thạch Kính Đường tuyên bố miễn trừng phạt.

Giữ đúng lời hứa, Thạch Kính Đường nhượng Yên Vân Thập lục châu cho người Khiết Đan. Quân Khiết Đan đạt mục đích thì rút khỏi Trung Nguyên.

Quan điểm trái chiều về Thạch Kính Đường

Vùng Yên Vân Thập lục châu (màu xanh đậm) sau này trở thành bàn đạp để người Khiết Đan tấn công nhà Tống.

Vùng Yên Vân Thập lục châu (màu xanh đậm) sau này trở thành bàn đạp để người Khiết Đan tấn công nhà Tống.

Yên Vân Thập lục châu là khu vực quan trọng về mặt chiến lược nằm giữa tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây của Trung Quốc ngày nay (bao gồm Bắc Kinh). Khu vực này không chỉ có giá trị kinh tế mà còn là phòng tuyến bảo vệ Trung Nguyên khỏi các cuộc xâm lược từ phương bắc. Theo góc nhìn của một số nhà sử học Trung Quốc ngày nay, Thạch Kính Đường bị coi là "kẻ bán nước", mang tiếng "cõng rắn cắn gà nhà", Sohu cho biết.

Hàng trăm năm sau, Trung Hoa vẫn luôn phải đối diện mối đe dọa từ các thế lực ngoại bang phương Bắc vì quyết định nhượng đất của Thạch Kính Đường. Năm 1368, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương giành lại giang sơn từ nhà Nguyên, Yên Vân Thập lục châu cũng được thu hồi về tay người Hán.

Một số nhà sử học khác ở Trung Quốc lại cho rằng, gán tội "bán nước" cho Thạch Kính Đường có phần không công bằng, theo Sohu.

Lý do là triều Hậu Đường lúc đó đã suy yếu nghiêm trọng với các cuộc nội chiến liên miên còn người Khiết Đan đã trở thành thế lực đáng gờm ở phương bắc.

Mặc dù việc nhượng đất là một quyết định đau lòng, nhưng nó cũng giúp Thạch Kính Đường có được thời gian và hòa bình tạm thời cho Trung Nguyên, theo quan điểm thứ hai.

Sau khi lên ngôi, Thạch Kính Đường đã cố gắng củng cố quyền lực của triều Hậu Tấn và xây dựng lại đất nước sau nhiều năm chiến tranh. 

Thạch Kính Đường đã thực hiện nhiều chính sách khôi phục nông nghiệp và tăng cường quân đội, đồng thời cải tổ lại hệ thống chính trị để tăng cường sự kiểm soát của triều đình đối với các vùng đất xa xôi. Dưới sự cai trị của Thạch Kính Đường, triều Hậu Tấn từng bước ổn định và trở thành một thế lực trong khu vực.

Tuy nhiên, việc Thạch Kính Đường quá phụ thuộc vào Khiết Đan và không có nỗ lực nào nhằm lấy lại Yên Vân Thập lục châu đã làm giảm uy tín của hoàng đế trong mắt dân chúng.

Khi Thạch Kính Đường qua đời ở tuổi 50 vào năm 942, triều đại nhanh chóng suy yếu dưới sự cai trị của con nuôi Thạch Trọng Quý. 

Trọng Quý còn công khai từ chối tiếp tục thần phục Khiết Đan, dẫn đến cuộc xâm lược từ phương bắc. Quân Khiết Đan đánh tan nhà Hậu Tấn. Triều đại kết thúc chỉ sau 9 năm.

Có thể nói, trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, quyết định của Thạch Kính Đường có thể được coi là một hành động mang tính chiến lược, nhằm bảo vệ quyền lực và ổn định đất nước trong ngắn hạn. Dẫu vậy, di sản của Thạch Kính Đường vẫn bị lu mờ bởi việc để mất phần lãnh thổ chiến lược. Thạch Kính Đường bị ghi nhớ như một hoàng đế "mang tiếng xấu muôn đời" trong lịch sử Trung Quốc, theo Sohu.

____________________________

Cuối thời Ngũ đại Thập quốc, có một nhân vật xuất thân con nuôi của hoàng đế, sau này lên ngôi vạch ra kế hoạch 30 năm thống nhất Trung Hoa. Nhưng khi sự nghiệp đang trên đà thuận lợi thì biến cố xảy ra khiến triều đại rơi vào tay nhà Tống. Nhân vật này là ai và có những công lao gì? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản 19h ngày 23/9.

Nguồn: [Link nguồn]

Là người lật đổ nhà Đường hùng mạnh bậc nhất châu Á thời phong kiến, Chu Toàn Trung mở đầu thời kỳ Ngũ đại Thập quốc ở Trung Hoa với đầy rẫy những âm mưu, chiến tranh, giết chóc và sự chia rẽ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Hoàng đế Trung Hoa thời Ngũ đại thập quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN