Hình ảnh chưa từng thấy của hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt trời

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Hành tinh nằm cách xa Mặt trời nhất và các vệ tinh của nó lộ diện trong bức ảnh chi tiết chưa từng thấy do kính viễn vọng trị giá 10 tỷ USD chụp lại.

Hình ảnh mới nhất của hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt trời.

Hình ảnh mới nhất của hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt trời.

Kính viễn vọng James Webb của NASA đã tạm thời gác lại sứ mệnh khám phá vũ trụ sâu thẳm để quay ống kính về phia các hành tinh trong Hệ Mặt trời, chụp lại hình chi tiết chưa từng thấy về Hải Vương tinh phát sáng và các vòng bụi xung quanh nó.

Lần cuối cùng các nhà thiên văn có cơ hội quan sát hành tinh xa Mặt trời nhất này là khi tàu vũ trụ Voyager 2 của NASA bay qua khối băng khổng lồ này trong vài giờ vào năm 1989.

Ngày nay, kính viễn vọng James Webb với công nghệ chụp ảnh hồng ngoại hiện đại, cung cấp thêm manh mối về bầu khí quyển của Hải Vương tinh, Mark McCaughrean, cố vấn cấp cao về khoa học và thám hiểm tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, nói.

Hải Vương tinh xuất hiện với màu xanh đậm trong các hình ảnh trước kia được chụp bởi tàu Voyager 2 và kính viễn vọng Hubble là do lượng khí metan trong khí quyển, theo NASA.

Sự khác nhau giữa các ảnh chụp Hải Vương tinh.

Sự khác nhau giữa các ảnh chụp Hải Vương tinh.

Tuy nhiên, kính viễn vọng James Webb thông qua các bước sóng cận hồng ngoại đã chụp được màu sắc thật của Hải Vương tinh là màu trắng xám với những đám mây băng giá rải rác trên bề mặt.

"Các vành đai của Hải Vương tinh phản xạ nhiều hơn với tia hồng ngoại, vì vậy giúp chúng ta dễ quan sát hơn", McCaughrean, người có hơn 20 năm tham gia vào dự án kính viễn vọng James Webb, nói thêm.

Do vị trí của hành tinh này và vì nó mất 164 năm để quay quanh Mặt trời, các nhà thiên văn hiện chưa thể quan sát được cực Bắc của Hải Vương tinh.

Dựa trên hình ảnh mới chụp được, các nhà thiên văn phát hiện 7 trong số 14 vệ tinh của Hải Vương tinh. Vật thể rất sáng phía trên Hải Vương tinh thực tế là Triton, vệ tinh tự nhiên lớn nhất của hành tinh này.

Triton có kích thước lớn hơn cả hành tinh lùn Pluto (trước đây gọi là sao Diêm Vương). Sở dĩ nó trông sáng hơn cả Hải Vương tinh là do bề mặt chứa các tinh thể băng phản xạ ánh sáng mạnh.

Triton thực tế là một trong số 14 vệ tinh của Hải Vương tinh.

Triton thực tế là một trong số 14 vệ tinh của Hải Vương tinh.

Trong quá trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh giống Trái đất, các nhà thiên văn phát hiện các hành tinh là một khối băng khổng lồ như Hải Vương tinh và Thiên vương tinh rất phổ biến. 

"Bằng cách quan sát hai hành tinh này trong Hệ Mặt trời, chúng tôi có thể đánh giá những hành tinh tương tự nằm ở cách xa hơn trong Dải Ngân hà", McCaughrean nói.

Được đưa vào hoạt động từ tháng 7, James Webb là kính viễn vọng mạnh nhất từng được chế tạo và nó đã cung cấp các dữ liệu phong phú chưa từng có. Các nhà khoa học kì vọng James Webb sẽ tạo ra kỷ nguyên khám phá vũ trụ mới.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát hiện chưa từng thấy của kính viễn vọng 10 tỷ USD

Kính viễn vọng James Webb trị giá 10 tỷ USD của NASA đã lần đầu tiên phát hiện carbon dioxide (CO2) trong bầu khí quyển một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời (ngoại hành tinh).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh - Guardian ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN