Giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, 5 danh tướng có kết cục ra sao?

Không có “sát thần” Bạch Khởi, nhà Tần vẫn còn nhiều tướng tài đủ sức giúp Tần Thủy Hoàng diệt 6 nước, thống nhất Trung Hoa.

Tần Thủy Hoàng – hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc (tranh: Sohu)

Tần Thủy Hoàng – hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc (tranh: Sohu)

Từ năm 230 TCN đến năm 221 TCN, chỉ trong vòng 10 năm, Tần Thủy Hoàng đã lần lượt diệt 6 nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên và Tề, chấm dứt cục diện chư hầu cát cứ hơn 500 năm ở Trung Quốc. Tham vọng của Tần Thủy Hoàng được hiện thực hóa nhờ 5 danh tướng tài ba, hiếm khi thất bại.

1. Vương Tiễn

Vương Tiễn (304 TCN – 214 TCN) là đại tướng nước Tần cuối thời Chiến Quốc. Ông là một trong 4 danh tướng tài giỏi nhất thời Chiến Quốc, bao gồm Liêm Pha, Lý Mục, Bạch Khởi, Vương Tiễn, theo Sohu.

Trước khi trở thành đại tướng, nắm quyền chỉ huy hầu hết quân đội nước Tần, Vương Tiễn từng là phó tướng dưới quyền Bạch Khởi.

Năm 262 TCN, Vương Tiễn tham gia trận Trường Bình cùng Bạch Khởi. Trong trận này, quân Tần do Bạch Khởi chỉ huy đánh bại và tàn sát hơn 40 vạn quân Triệu. Sau trận Trường Bình, Bạch Khởi vì chống lệnh Tần Chiêu Tương vương nên bị ép phải tự sát.

Theo Sohu, thời Tần Chiêu Tương vương, nước Tần có nhiều tướng tài như Vương Hột, Hoàn Nghĩ, Mông Ngao, nhưng ngoài Vương Tiễn, không ai đủ mưu lược để chỉ huy lực lượng quân sự.  

Vương Tiễn – công thần hàng đầu giúp Tần Thủy Hoàng diệt 6 nước (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vương Tiễn – công thần hàng đầu giúp Tần Thủy Hoàng diệt 6 nước (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Năm 247 TCN, Tần Thủy Hoàng lên ngôi, Vương Tiễn được trọng dụng.

Năm 236 TCN, lợi dụng tình hình nước Triệu và nước Yên chiến tranh, Tần quyết diệt nước Triệu.

Sử ký của Tư Mã Thiên chép, Vương Tiễn đem quân chủ lực của Tần đánh thẳng thành Át Dữ, sau đó chiếm Liêu Dương, Nghiệp Thành, An Dương, liên tục phá 9 thành nước Triệu. Vừa đánh trận, Vương Tiễn vừa chỉnh đốn quân đội, loại bớt quân già yếu thay bằng quân khỏe mạnh.

Năm 229 TCN, vua Triệu sai tướng Lý Mục đối đầu với Vương Tiễn. Hai bên giao chiến giằng co một năm.

Năm 228 TCN, vua Triệu mắc kế ly gián của Tần, xử tử Lý Mục. Vương Tiễn thừa cơ tấn công tổng lực vào Hàm Đan (kinh đô nước Triệu). Vua Triệu bị bắt sống. Nước Triệu bị diệt.

Năm 225 TCN, Tần Thủy Hoàng phát động chiến tranh diệt Sở, Vương Tiễn là người đầu tiên được chọn. Tuy nhiên, khi Vương Tiễn đề nghị huy động 60 vạn quân, vua Tần tỏ ra nghi ngại.

Theo Sina, 60 vạn quân gần như là toàn bộ lực lượng của nước Tần lúc bấy giờ.

Lý Tín chỉ xin 20 vạn quân đánh Sở, Tần Thủy Hoàng hài lòng. Tuy nhiên, Lý Tín nhanh chóng bị tướng Hạng Yên nước Sở đánh cho đại bại. Đây cũng là thất bại lớn nhất của nước Tần trong chiến dịch diệt 6 nước.

Bất đắc dĩ, Tần Thủy Hoàng phải cho Vương Tiễn chỉ huy 60 vạn quân đánh Sở.

Sử ký chép, Vương Tiễn nắm giữ quá nhiều quân, sợ Tần vương nghi ngờ, bèn nghĩ cách giả vờ tham lam.

Khi Tần vương đến đất Bá duyệt binh, Vương Tiễn bẩm báo, xin thưởng một căn nhà to và vài trăm mẫu ruộng. Tần Thủy Hoàng nghe xong bật cười: “Đại tướng đã xuất chinh, còn lo gia cảnh nghèo đói ư?”.

Vương Tiễn đáp: “Là tướng của đại vương, có công cũng chẳng mong phong hầu. Tôi nhân lúc gần đại vương, xin chút ít điền sản làm của cải cho con cháu”.

Tần Thủy Hoàng nghe vậy, cho rằng Vương Tiễn chỉ ham của cải không có tham vọng quyền lực, nên không nghi ngờ gì nữa.

Năm 224 TCN, Vương Tiễn dẫn quân vây đánh nước Sở, đối đầu với Hạng Yên. Vương Tiễn dùng kế cố thủ không ra đánh, chỉ chăm luyện binh. Đến khi quân Sở chán nản, quân Tần quyết đánh một trận liền thắng lớn. 

Năm 223 TCN, Sở – nước có diện tích rộng nhất 6 nước chư hầu – bị Tần diệt.

Sau khi diệt Sở, Vương Tiễn trao trả binh quyền cho vua Tần. Năm 214 TCN, ông qua đời, thọ 90 tuổi.

Theo Sohu, Vương Tiễn không chỉ là tướng có tài mà còn là một chính trị gia khéo léo. Nhờ giải tỏa mối nghi ngờ của Tần Thùy Hoàng, ông tránh được tai họa như trường hợp của Bạch Khởi trước đó.

Trước khi chết, Vương Tiễn cấm con cháu tuyệt đối không được cậy công mà đòi vua Tần cắt đất, phong hầu.

Sau Vương Tiễn, con trai ông là Vương Bí nắm quyền chỉ huy quân Tần (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Sau Vương Tiễn, con trai ông là Vương Bí nắm quyền chỉ huy quân Tần (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

2. Vương Bí

Vương Bí là con trai Vương Tiễn – đại tướng nước Tần dưới thời Tần Thủy Hoàng. Sau khi Vương Tiễn trao trả binh quyền, Vương Bí được Tần Thủy Hoàng giao quyền thống soái quân Tần.

Năm 225 TCN, Vương Bí dẫn quân đánh nước Ngụy. Thấy thành Đại Lương nước Ngụy khó hạ, Vương Bí sai quân dẫn nước sông Hoàng Hà chảy vào thành Đại Lương khiến hàng vạn quân dân nước Ngụy bị ngập chết. Vua Ngụy đầu hàng, nước Ngụy bị diệt, theo Sử ký.

Năm 221 TCN, Vương Bí đem quân đánh Tề. Nước Tề đã mấy chục năm không có chiến tranh, quân dân không thạo binh đao. Quân Tần tiến đánh thế như chẻ tre, nhanh chóng công phá kinh đô nước Tề là Lâm Truy. Vua Tề đầu hàng, nước Tề bị diệt.

Lúc này, Trung Hoa đã thống nhất dưới sự cai trị của Tần.

Không rõ Vương Bí mất năm nào. Một số chuyên gia lịch sử cho rằng, Vương Bí mất trước năm Tần Nhị Thế (con trai Tần Thủy Hoàng) lên ngôi (năm 210 TCN).

Sử ký chép, năm 219 TCN, cha con Vương Bí, Vương Ly theo Tần Thủy Hoàng tuần du thiên hạ. Xa giá đến Lang Gia (thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày nay), Vương Bí, Vương Ly tán tụng công lao của Tần Thủy Hoàng, đem lời khắc lên bia đá.

Chi tiết này cho thấy sau khi giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, Vương Bí vẫn được tin tưởng và dường như ông đã trao trả binh quyền.

Quân Tần từng thảm bại trong chiến dịch diệt nước Sở (ảnh: Sohu)

Quân Tần từng thảm bại trong chiến dịch diệt nước Sở (ảnh: Sohu)

3. Lý Tín

Lý Tín (không rõ năm sinh, năm mất) là danh tướng nổi tiếng khỏe mạnh, dũng cảm dưới trướng Tần Thủy Hoàng.

Năm 227 TCN, Lý Tín là phó tướng của Vương Tiễn dẫn quân tấn công nước Yên. Lãnh thổ nước Yên bị Tần chiếm quá nửa. Vua Yên bỏ chạy khỏi Kế Thành, Lý Tín dẫn quân truy đuổi, chém giết vô số quân Yên, Sử ký chép.

Trong tình thế quẫn bách, vua Yên phải giết con trai là thái tử Đan (người ra lệnh cho Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng) để cầu hòa. Quân Tần tạm lui.

Năm 225 TCN, Lý Tín tham gia chiến dịch diệt nước Ngụy, có công lao nên được Tần Thủy Hoàng phong làm đại tướng. Cùng năm 225 TCN, ông gặp thất bại lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân khi đối đầu với danh tướng Hạng Yên nước Sở.

Sau thất bại ở nước Sở, Lý Tín vẫn được Tần Thủy Hoàng trọng dụng.

Năm 222 TCN, Lý Tín tham gia chiến dịch diệt Yên. Quân Tần tấn công vào Liêu Đông, diệt hẳn tàn dư nước Yên.

Năm 221 TCN, Lý Tín (là phó tướng của Vương Bí) dẫn quân đánh Tề. Ông tổ chức quân Tần bất ngờ đột kích thẳng vào Lâm Truy, kinh đô nước Tề. Nước Tề nhanh chóng bị diệt.

Theo Sohu, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, Lý Tín trao trả binh quyền và về Lũng Tây (nay thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc) dưỡng già.

Sức mạnh cung nỏ của quân Tần (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Sức mạnh cung nỏ của quân Tần (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

4. Mông Vũ

Mông Vũ (không rõ năm sinh, năm mất) là con Mông Ngao, cha của Mông Điềm và Mông Nghị. Dòng họ Mông có nhiều danh tướng và lập nhiều chiến công cho nước Tần.

Năm 224 TCN, Mông Vũ cùng Vương Tiễn dẫn 60 vạn quân Tần đánh nước Sở. Tướng Sở là Hạng Yên thua trận phải tự vẫn. Năm 223 TCN, quân Tần một lần nữa tấn công, diệt hẳn nước Sở.

Sau chiến dịch này, Sử ký không ghi chép gì thêm về Mông Vũ.

“Các tướng họ Mông đều tuyệt đối trung thành với nhà Tần”, Tư Mã Thiên đánh giá trong Sử ký.

Chiến xa của quân Tần (ảnh: Sina)

Chiến xa của quân Tần (ảnh: Sina)

5. Mông Điềm 

Mông Điềm (không rõ năm sinh, mất năm 210 TCN) là con trai Mông Vũ.

Năm 225 TCN, Mông Điềm cùng Lý Tín dẫn 20 vạn quân tấn công Sở, bị Hạng Yên đánh cho đại bại. Năm 221 TCN, Mông Điềm tham gia chiến dịch diệt Tề. Ông cùng Lý Tín, Vương Bí lập nhiều chiến công.

Sau khi Tần thống nhất Trung Hoa, Mông Điềm được Tần Thủy Hoàng giao trọng trách trấn thủ biên giới phía bắc – nơi 3 bộ tộc Đông Hồ, Hung Nô, Nguyệt Thị (gọi chung là người Hồ) thường xuyên quấy phá.

Theo Sử ký, Mông Điềm có công xây Vạn Lý Trường Thành. Ông cũng dẫn quân Tần đánh lui tộc Hung Nô hơn 700 dặm, khiến cho “người Hồ không còn dám xuống phía nam chăn ngựa”.

Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng tuần du phía đông, tới Sa Khâu thì ốm nặng. Trước khi chết, Tần Thủy Hoàng sai Triệu Cao viết thư cho con trai Phù Tô, dặn: “Giao binh quyền cho Mông Điềm, mau về lo việc tang đưa về Hàm Dương để chôn”, Sử ký chép.

Tuy nhiên, Triệu Cao đã làm giả chiếu thư của Tần Thủy Hoàng, ép Phù Tô tự sát và lập Hồ Hợi làm Tần Nhị Thế. 

Sau khi Phù Tô tự sát, Mông Điềm cũng bị Tần Nhị Thế bắt giam và ép phải tự sát.

Theo Sohu, dưới thời Tần Thủy Hoàng, các tướng lĩnh đều trung thành, sau khi lập công lớn đều tự nguyện trao trả binh quyền, không xin cắt đất, phong hầu. Tần Thủy Hoàng nổi tiếng tàn bạo, nhưng ông không mang tiếng “sát hại công thần” như Việt Vương Câu Tiễn hay Hán Cao Tổ Lưu Bang.

Nguồn: [Link nguồn]

Các nhà khảo cổ lo ngại rằng, lăng mộ 2.200 năm của Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa có chứa những cạm bẫy chết người và đặc biệt là...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Quốc – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn về vị vua Tần Thủy Hoàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN