“Gánh nặng” Ukraine và cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử Ba Lan

Cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất lịch sử Ba Lan khiến phe đối lập thêm hi vọng vào một "cú đảo chiều" trong cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, nhưng vấn đề Ukraine được dự báo là có thể mang lại những ưu thế chính trị giúp phe cầm quyền hậu thuẫn Tổng thống Andrzej Duda tiếp tục dẫn đầu.

Phe đối lập trông đợi "cơ hội cuối cùng"

Khác với khung cảnh vắng vẻ thường thấy ngày cuối tuần, các tuyến phố chính ở thủ đô Warsaw của Ba Lan chật kín người biểu tình phản đối chính phủ trong Chủ nhật đầu tháng 10/2023. Bà Monika Beuth, phát ngôn viên chính quyền Warsaw xác nhận có khoảng 1 triệu người đã tham gia cuộc biểu tình do đảng Cương lĩnh Dân sự (PO) đối lập tổ chức. "Đây là đợt biểu tình lớn nhất trong lịch sử Warsaw", bà nói. Mang tên gọi "triệu trái tim", cuộc biểu tình cũng được phe đối lập tổ chức ở nhiều đô thị lớn khác trên khắp Ba Lan với hàng chục ngàn người tham gia. Họ mang theo cờ Ba Lan, cờ Liên minh châu Âu (EU) và các biểu ngữ phản đối chính phủ. Không có tình trạng bạo lực hay bất ổn đáng kể nào nổ ra trong biểu tình.

Ông Donald Tusk hi vọng vào một "cú đảo chiều" trong cuộc tổng tuyển cử ngày 15/10 tới. Ảnh: GettyImages

Ông Donald Tusk hi vọng vào một "cú đảo chiều" trong cuộc tổng tuyển cử ngày 15/10 tới. Ảnh: GettyImages

Sự kiện diễn ra chỉ 2 tuần trước khi Ba Lan tiến hành cuộc tổng tuyển cử được PO mô tả là sẽ quyết định tương lai của Warsaw trong EU. Sau biểu tình, phe đối lập coi đó là cơ hội để họ đảo chiều kết quả bầu cử. Họ nhắm mục tiêu vào nhóm cử tri ủng hộ việc liên kết Ba Lan hội nhập sâu rộng hơn trong EU. Với đông đảo người trẻ Ba Lan, họ nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn trong một tương lai mà đất nước có sự gắn kết chặt chẽ với EU, liên minh đã giúp Ba Lan phát triển mạnh mẽ thông qua các gói tài chính và chính sách mở cửa.

"Thay đổi lớn sắp diễn ra. Đây là dấu hiệu cho thấy Ba Lan đang tái sinh", cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, lãnh đạo PO, phát biểu trước đám đông ở trung tâm Warsaw. "Ba Lan xứng đáng có được điều tốt đẹp nhất". Phe đối lập cũng coi "sự kiện lịch sử" này là cú hích tinh thần lớn, cho thấy đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền có thể bị đánh bại trong cuộc bầu cử. Ông Tusk, người cũng từng giữ ghế Chủ tịch Hội đồng châu Âu, tuyên bố quy mô của cuộc biểu tình là bằng chứng về thái độ bất mãn của người dân Ba Lan với PiS.

Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy PiS vẫn giành được sự ủng hộ cao nhất trong dân chúng Ba Lan, nhưng sự không hài lòng có dấu hiệu gia tăng do chi phí sinh hoạt gia tăng và tranh cãi EU-Warsaw xoay quanh một số cải cách tư pháp mà PiS thúc đẩy từ sau khi đảng này lên nắm quyền năm 2015, bao gồm dự luật thành lập ủy ban điều tra ảnh hưởng của Nga ở Ba Lan. Theo dự luật được Tổng thống Andrzej Duda ủng hộ, ủy ban gồm 9 thành viên sẽ do Hạ viện Ba Lan chỉ định. Ủy ban sẽ bổ nhiệm cả công tố viên và thẩm phán để xác định các cá nhân chịu ảnh hưởng của Nga trong giai đoạn 2007-2022. Người bị kết tội có thể bị cấm đảm nhiệm các vị trí liên quan tài chính công và thông tin mật trong 10 năm.

Phe đối lập, nhiều quan chức EU và giới chuyên gia pháp lý những tuần qua chỉ trích động thái trên là "đảo chính hiến pháp", cho rằng ủy ban sẽ làm suy yếu nguyên tắc phân chia quyền lực. Họ cũng lo ngại ủy ban có thể bị lợi dụng để loại bỏ các đối thủ của PiS, bao gồm cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, lãnh đạo PO. Trong khi đó, Hiệp hội Thẩm phán Ba Lan Iustitia nói dự luật vi phạm các giá trị của EU và có thể khiến khối này triển khai biện pháp trừng phạt với Warsaw vì làm suy yếu nền dân chủ. Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezenski cũng cảnh báo dự luật cản trở cử tri bỏ phiếu cho ứng viên mà họ muốn lựa chọn. Trong bước đi mạnh tay hơn, Ủy ban châu Âu quyết định đóng băng hàng tỷ USD quỹ phục hồi đại dịch của EU phân bổ cho Ba Lan vì lo ngại Warsaw đang vi phạm nguyên tắc của khối.

Tháng 6/2023 vừa qua, ngay sau khi Tổng thống Duda tuyên bố ủng hộ dự luật, hàng trăm ngàn người Ba Lan từng xuống đường để phản đối. Politico cho hay, cuộc biểu tình đó giúp liên minh đối lập do PO dẫn đầu thu hẹp khoảng cách với PiS xuống còn khoảng 5% trong vài tuần. Theo kết quả thăm dò mới nhất tiến hành hồi cuối tháng 9 của Politico, tỷ lệ ủng hộ với đảng PiS tăng lên 38%, cao hơn 8% so với liên minh của PO. Tuy nhiên, ông Tusk nói rằng, các cuộc thăm dò do đảng của ông tiến hành cho thấy khoảng cách chỉ là 2%. Ông cũng phát thông điệp đến cử tri rằng, thái độ đối đầu giữa đảng PiS với Brussels có thể khiến Ba Lan bị gạt khỏi EU, gọi cuộc tổng tuyển cử sắp tới là "cơ hội cuối cùng" để cứu vãn tình thế.

Ukraine - quân bài chiến lược?

Khi phe đối lập nhìn thấy cơ hội, đảng PiS hậu thuẫn Tổng thống Duda hiểu rõ thách thức mà họ đối mặt. Cuộc biểu tình với một triệu người tham gia khiến PiS quyết liệt hơn trong nỗ lực vận động cử tri, nhất là các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ và nông dân. Bên cạnh các chiến lược quen thuộc như nâng lương hưu và trợ cấp, PiS gần đây tăng cường các tuyên bố có giọng điệu cứng rắn, chĩa mũi dùi về Đức, EU, phe đối lập và cả Ukraine. Konstanty Gebert, nhà phân tích ở Warsaw đánh giá, PiS đang tìm cách khiến cử tri tin rằng, chỉ có họ mới hiểu lợi ích thật sự của Ba Lan và "việc PiS đánh mất quyền lực sẽ gây ra mối đe dọa sinh tử cho đất nước". Dưới cách mô tả của PiS, theo ông Gebert, "nếu PiS thua, Ba Lan sẽ nằm dưới sự kiềm tỏa của Brussels, trở thành người nô lệ cho Đức".

Người biểu tình đứng kín quảng trường ở trung tâm Warsaw hôm 1/10 cùng cờ Ba Lan và cờ EU. Ảnh: Reuters

Người biểu tình đứng kín quảng trường ở trung tâm Warsaw hôm 1/10 cùng cờ Ba Lan và cờ EU. Ảnh: Reuters

Mới đây, Chính phủ Ba Lan ngày 3/10 lại tuyên bố yêu cầu Đức bồi thường thiệt hại từ thời Thế chiến II. "Đây là vấn đề không chỉ về tài chính mà còn về phẩm giá của chúng ta. Không thể để những người khác được trả bồi thường, mà Ba Lan thì không. Chúng ta phải đấu tranh vì điều này", Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói. Năm ngoái, ông Kaczynski từng yêu cầu Đức phải trả 1.300 tỷ USD bồi thường, động thái được các cử tri lớn tuổi ủng hộ nhưng bị Đức phớt lờ.

Với EU, bất chấp căng thẳng xung quanh nỗ lực cải tổ tư pháp, chính phủ do PiS lãnh đạo nhiều lần chỉ trích liên minh này can thiệp công việc nội bộ, đồng thời tìm cách gây sức ép lên Brussels xung quanh vấn đề người nhập cư. PiS mới đây cũng thể hiện sự phản đối với thỏa thuận di cư mới của EU, trong đó đặt ra hạn ngạch tiếp nhận người di cư cho các quốc gia và yêu cầu họ trả hơn 21.000 USD cho mỗi người mà họ từ chối. Ngoài khoảng 1,5 triệu người tị nạn Ukraine, Ba Lan năm nay đón không dưới 20.000 người di cư từ Bắc Phi và Trung Đông qua ngả Belarus. Năm 2015, thái độ cứng rắn trong vấn đề di cư là một trong những công cụ quan trọng giúp PiS lên nắm quyền tại Ba Lan.

Theo Brookings, PiS hồi tháng 8/2023 cũng tìm cách vận động thêm cử tri trung thành đi bỏ phiếu bằng cách bổ sung một cuộc trưng cầu khác nhân dịp tổng tuyển cử vào giữa tháng 10 tới đây, với các câu hỏi trong lá phiếu xung quanh hoạt động bán doanh nghiệp nhà nước, tăng tuổi nghỉ hưu, dỡ bỏ tường biên giới với Belarus và việc tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Đông, châu Phi.

Về Ukraine, Ba Lan từng là nước ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất sau khi chiến sự nổ ra. Bên cạnh hỗ trợ nhân đạo, 20 tháng qua Warsaw cung cấp lượng lớn viện trợ quân sự và hậu thuẫn Ukraine về chính trị tại các tổ chức NATO, EU và Liên hợp quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ có vẻ bền chặt đó đang rạn nứt. Trong khi cử tri ở nông thôn có vai trò tối quan trọng với PiS, ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường khiến nông dân Ba Lan gặp khó.

Cuối cùng, PiS lựa chọn cử tri thay vì cam kết với Ukraine. Sau khi lệnh hạn chế ngũ cốc của Ukraine hết hạn hôm 15/9, Ba Lan tuyên bố tiếp tục duy trì biện pháp hạn chế với ngũ cốc Ukraine, động thái vấp phải phản ứng quyết liệt từ Kiev.

Khi căng thẳng leo thang, tại phiên họp Liên hợp quốc tháng trước, Tổng thống Ba Lan Duda không ngần ngại mô tả Ukraine là "người chết đuối cố bám vào mọi thứ. Một người đuối nước vô cùng nguy hiểm khi có thể kéo cả bạn xuống nước". Ông cũng đề cập tới gánh nặng của Ba Lan khi viện trợ nhân đạo và vũ khí cho Kiev hay việc phải đón hàng triệu người tị nạn từ quốc gia láng giềng. Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố Warsaw không còn chuyển giao vũ khí mới cho Ukraine nữa, khiến các đồng minh phương Tây hoang mang. Chuyên gia Gebert nhận định, để có được lá phiếu ủng hộ ở vùng nông thôn trong bối cảnh hiện nay, PiS "sẵn sàng trả giá cao về mặt chính trị để quay lưng với Ukraine". "Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu của nông dân và số phiếu mà phe bảo thủ giành được nhờ lập trường phản đối việc ủng hộ Ukraine", ông Gebert nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tham mưu trưởng, Tư lệnh Ba Lan cùng từ chức

2 chỉ huy hàng đầu của quân đội Ba Lan từ chức, nguyên nhân có thể liên quan tới Bộ Quốc phòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN