ĐT Việt Nam - Malaysia: Vì sao cách cổ vũ trên sân nhà khiến tiền vệ Hùng Dũng lo ngại?

Phát biểu trong buổi họp báo trước trận đấu với đội tuyển Malaysia vào tối nay, tiền vệ trung tâm Đỗ Hùng Dũng đã cho biết một trong những điều khiến anh và các đồng đội lo lắng lại xuất phát từ chính cổ động viên của đội nhà.

Tiền vệ ĐT Việt Nam Đỗ Hùng Dũng thẳng thắn chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của kèn vuvuzela đối với các cầu thủ trên sân

Tiền vệ ĐT Việt Nam Đỗ Hùng Dũng thẳng thắn chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của kèn vuvuzela đối với các cầu thủ trên sân

Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022, sẽ diễn ra lúc 20h ngày 10/10 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đá trên sân nhà được coi là một lợi thế, nhưng trong buổi họp báo một ngày trước trận đấu, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng lại bày tỏ lo ngại về một "vũ khí" được nhiều cổ động viên Việt Nam sử dụng khi cổ vũ. Đó chính là tiếng kèn vuvuzela.

"Tiếng kèn vuvuzela của CĐV thật sự đã gây khó chịu, nhức tai và khiến anh em cầu thủ khó trao đổi với nhau trên sân," ngôi sao của ĐT Việt Nam và CLB Hà Nội nói.

Chắc hẳn người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam chẳng mấy xa lạ gì với hình ảnh những chiếc kèn vuvuzela và âm thanh “như ong vỡ tổ” đặc trưng mà chúng tạo ra trên khắp các sân vận động thế giới, bắt đầu tại Nam Phi vào kỳ World Cup 2010.

Nhỏ gọn nhưng lại có thể phát ra âm lượng "khủng", rất dễ hiểu vì sao kèn vuvuzela, từ một món đồ chơi bản địa của người nghèo tại Nam Phi, đã nhanh chóng trở thành “đặc sản” tại các sân vận động trên khắp thế giới, đến mức Masincedane Sport, một nhà sản xuất đồ thể thao tại Mỹ, đã làm ra hẳn những chiếc kèn vuvuzela “hàng hãng” mà vẫn không đủ nguồn cung cho người hâm mộ thể thao.

Thế nhưng, tiếng ồn vô địch mà kèn vuvuzela đem lại cũng là một vấn đề nhức nhối với các cổ động viên và cầu thủ bóng đá trong nhiều năm qua, đến mức nó đã bị cả 2 liên đoàn bóng đá lớn nhất thế giới là FIFA lần UEFA “tuýt còi”, và đưa vào danh sách các đồ vật bị cấm mang vào sân bóng trong tất cả các giải đấu quốc tế. Kết quả là tiếng kèn vuvuzela đã “sạch bóng” tại các sân chơi lớn từ Champions League đến cho đến các kỳ EURO hay World Cup.

Kèn vuvuzela từng là "đặc sản" và "cơn ác mộng" tại World Cup 2010 (Ảnh: Spiegle.de.)

Kèn vuvuzela từng là "đặc sản" và "cơn ác mộng" tại World Cup 2010 (Ảnh: Spiegle.de.)

Mặc dù vậy, tại Việt Nam, thứ nhạc cụ ồn ào này vẫn đang được ưa chuộng, đặc biệt trong các trận bóng có sự góp mặt của đội tuyển quốc gia. Được bán với giá rất bình dân, chỉ khoảng 30.000 đồng một chiếc, kèn vuvuzela dường như trở thành một món đồ cổ vũ “bất ly thân” của nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Điều này hiển nhiên giúp cho cầu trường sôi động hơn nhiều, nhưng mặt hại của chúng, rất lớn, lại thường bị bỏ qua.

Dưới đây là những lý do kèn vuvuzela không nên xuất hiện trong các trận bóng đá.

Gây tổn hại thính giác nghiêm trọng

Theo tạp chí Live Science, một nghiên cứu của Đại học Pretoria (Nam Phi) cho thấy kèn vuvuzela phát ra âm thanh lên tới 127 dexiben. Mức ồn này lớn hơn cả máy cắt cỏ, máy cưa, còi hơi và vô cùng nguy hiểm đối với thính lực.

Một trong những hậu quả của việc tiếp xúc với quá nhiều âm thanh kèn vuvuzela là chứng ù tai. Tình trạng này khiến người bệnh luôn nghe thấy âm thanh trong tai. Tùy vào mức độ chấn thương mà chứng ù tai kéo dài hoặc biến mất sau vài ngày.

Nặng hơn, kèn vuvuzela có thể dẫn đến mất thính lực. Theo nhóm tác giả từ Đại học Pretoria, tiếp xúc với âm thanh kèn vuvuzela khoảng 7-22 giây là đủ để gây mất thính lực tạm thời đối với cả người nghe lẫn người thổi. Trải qua 3 đến 5 lần nghe, thính giác có nguy cơ bị hỏng lâu dài, không thể đảo ngược do tế bào trong tai bị phá hủy.

Kèn vuvuzela đã bị "cấm cửa" tại nhiều giải bóng đá quốc tế vì gây "ô nhiễm tiếng ồn" nghiêm trọng

Kèn vuvuzela đã bị "cấm cửa" tại nhiều giải bóng đá quốc tế vì gây "ô nhiễm tiếng ồn" nghiêm trọng

Khiến các cầu thủ mất tập trung

Không chỉ riêng Đỗ Hùng Dũng, từ rất lâu, nhiều cầu thủ trên thế giới cũng phản đối kèn vuvuzela, vì nó khiến họ mất tập trung khi thi đấu. Ngay cả CĐV châu Âu và Nam Mỹ cũng cảm thấy khó chịu, vì trong suốt 90 phút trên sân bóng, âm thanh monotone này như tra tấn lỗ tai của họ.

Trả lời phỏng vấn với kênh thể thao ESPN vào 2010, cựu thủ quân đội tuyển Pháp Patrice Evra thừa nhận tiếng kèn vuvuzela khiến các cầu thủ “không thể ngủ được vào buổi đêm và cũng chẳng thể nghe được tiếng của nhau khi thi đấu trên sân.”

Cùng chung ý kiến với Patrice Evra, cựu danh thủ Tây Ban Nha Xabi Alonso khẳng định: “Tôi cho rằng kèn vuvuzela nên bị cấm. Chúng khiến các cầu thủ gặp khó khăn trong việc giao tiếp và tập trung. Chúng là những thứ gây rối và chẳng có lợi ích gì đối với không khí trên sân cả.”

Gây ra các bệnh truyền nhiễm

Kèn vuvuzela đang ngày càng trở thành vật "bất ly thân" của các cổ động viên bóng đá Việt Nam (Ảnh: Hiếu Lương)

Kèn vuvuzela đang ngày càng trở thành vật "bất ly thân" của các cổ động viên bóng đá Việt Nam (Ảnh: Hiếu Lương)

Không chỉ gây ảnh hưởng và tổn thương nghiêm trọng đến thính giác, vì là một nhạc cụ hơi, chiếc kèn vuvuzela còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán những bệnh truyền nhiễm khác qua đường miệng.

Thông qua nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Ruth McTierney tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, Anh, cho biết các phân tử aerosol (thành phần gây các bệnh truyền nhiễm có trong nước bọt và đờm của con người) có tốc độ lây lan khi thổi kèn vuvuzela nhanh gấp 571 lần so với khi la hét thông thường.

Cho nên, một người thổi kèn vuvuzela không chỉ khiến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trở nên trầm trọng hơn, mà chính họ có thể trở thành “mầm bệnh” đối với hàng chục người xung quanh.

Khó hình thành văn hóa cổ vũ

Chẳng nhìn đâu xa, hãy nhìn cách các cổ động viên đội tuyển Malaysia, đối thủ của chúng ta vào tối ngày hôm nay, cổ vũ cho đội bóng con cưng của mình. Hầu hết các trận đấu trên “chảo lửa” Bukit Jalil hay Shah Alam trong thời gian qua đều sạch bóng tiếng kèn vuvuzela, mà thay vào đó là những câu hát hay tiếng chants (cổ vũ theo khẩu hiệu) được họ thực hiện một cách rất tuần tự và bài bản.

Trong khi đó, ở trận bán kết lượt về AFF Cup trên sân Mỹ Đình hôm 6.12 năm ngoái, cổ động viên Việt Nam đã xác lập "kỷ lục" mới khi tạo nên tiếng ồn lên tới 121,7 dexiben, lớn hơn kỷ lục về tiếng ồn trên sân nhà Anfield của CLB Liverpool. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn cho thấy những tiếng ồn trên đa phần được tạo ra bởi thứ nhạc cụ “đinh tai nhức óc” đã bị FIFA liệt vào “danh sách đen”.

Màn cổ vũ đặc sắc và sôi động của các cổ động viên Malaysia trong trận bán kết AFF Cup năm 2014 với ĐT Việt Nam (Video: Rokok Daun)

Các trận đấu bóng đá, dù lớn hay nhỏ, bao giờ cũng có sự góp mặt của những cổ động viên cuồng nhiệt với niềm phấn khích tột độ. Và để tiếp lửa tinh thần cho những cầu thủ dưới sân, không có gì khí thế và giàu cảm xúc hơn những trang phục, banner cổ động hay những câu khẩu hiệu, bài nhạc được hát đồng thanh trên 4 góc khán đài.

Nhưng một khi những chiếc kèn vuvuzela được đem vào sân, tất cả những điều đều sẽ trở nên vô nghĩa. Tiếng ồn ngoài sức tưởng tượng mà chúng gây ra lấn át tất cả những âm thanh khác và phá hỏng cảm xúc độc đáo mà những fan hâm mộ đem đến cho mỗi trận đấu.

AFF Cup: Nhóm người Malaysia đánh CĐV Việt đến đổ máu năm 2014 là ai?

Nhóm Ultras Malaysia từng gây không ít “ác mộng“ cho các CĐV nước ngoài, và ở trận chung kết AFF Cup trên sân Bukit Jalil ngày...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Anh ([Tên nguồn])
Đội tuyển Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN