Điều gì giúp một người "thường thường" như Tống Giang trở thành thủ lĩnh Lương Sơn Bạc?

Nhân vật Tống Giang trong Thủy Hử thoạt nhìn có vẻ không có gì nổi bật, nhưng lại là nhân tố quan trọng nhất tập hợp các anh hùng Lương Sơn Bạc dưới một ngọn cờ chung.

Hình tượng Tống Giang trong phim truyền hình Trung Quốc.

Hình tượng Tống Giang trong phim truyền hình Trung Quốc.

Nhân vật Tống Giang trong Thủy Hử thoạt nhìn có vẻ không có gì nổi bật, nhưng lại là nhân tố quan trọng nhất, thể hiện tấm lòng nhân nghĩa, tập hợp các anh hùng Lương Sơn Bạc vì một lý tưởng chung.Tống Giang là một trong những nhân vật trung tâm trong Thủy Hử, được hư cấu từ nhân vật có thật thời nhà Tống ở Trung Hoa.

Tống Giang không có vẻ gì quá nổi bật, nhưng dần dần lại chiếm trọn niềm tin của các anh hùng Lương Sơn Bạc và trở thành thủ lĩnh, chiếm vị trí cao nhất trong 108 người.

Theo Qulishi, có ý kiến cho rằng Tống Giang mưu không giỏi bằng Ngô Dụng, võ không bằng Lâm Xung, Lư Tuấn Nghĩa. Vậy điều gì đã giúp Tống Giang trở thành trại chủ Lương Sơn Bạc sau nhiều lần khước từ?

Tống Giang trong Thủy Hử

Trong Thủy Hử của Thi Nại Am, Tống Giang nổi tiếng là người tốt, hay giúp đỡ nhiều người nên tiếng lành đồn khắp nơi. Tống Giang có công báo tin giúp Tiều Cái, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng chạy thoát lên Lương Sơn Bạc.

Tống Giang được Tiều Cái mời lên Lương Sơn Bạc nhưng thẳng thừng khước từ. Đến khi việc bại lộ, Tống Giang bị giải đi hành hình ở Giang Châu, Lý Quỳ, Tiều Cái cùng các huynh đệ ở Lương Sơn Bạc đến giải cứu kịp thời.

Hội ngộ cùng các anh em, Tống Giang lập nhiều công trạng như đánh Chúc Gia Trang, Cao Đường Châu, Thanh Châu... Tiều Cái từng nhiều lần muốn Tống Giang làm trại chủ nhưng chỉ đến khi Tiều Cái qua đời, Tống Giang mới miễn cưỡng nhận lời.

Làm thủ lĩnh Lương Sơn Bạc nhưng Tống Giang lại một lòng muốn được triều đình chiêu an. Vua Tống Huy Tông lúc bấy giờ ra lệnh cho các tướng lĩnh triều đình đem quân đi bình định Lương Sơn Bạc.

Tống Giang sau những lần đánh bại quân trều đình, chấp nhận chiêu an và lập được nhiều chiến công.

Tống Giang lãnh đạo quân Lương Sơn đánh nước Liêu, chiếm Đàn Châu, Kế Châu, Bá Châu, U Châu. Khi Điền Hổ -  thủ lĩnh lực lượng nổi dậy, tự ý xưng vương, giương cờ khởi nghĩa chống triều đình,Tống Giang lại phụng mệnh đem quân đánh dẹp.

Tống Giang có những tố chất để trở thành thủ lĩnh.

Tống Giang có những tố chất để trở thành thủ lĩnh.

Trên đường Tống Giang trở về, nghe tin quân Vương Khánh đánh đến sát kinh đô nhà Tống, vua Tống Huy Tông lại hạ lệnh cho Tống Giang đem quân chặn đánh kẻ địch.

Quân Tống Giang về kinh, bọn gian thần Sái Kinh, Đồng Quán sợ tầm ảnh hưởng của Tống Giang nên tìm mọi cách khống chế, kìm hãm. Nghe tin Phương Lạp ở Giang Nam xưng đế, Tống Giang tình nguyện xuất chinh nam hạ diệt Phương Lạp.

Đây là cuộc chiến khiến quân Lương Sơn tổn thất lớn nhất và cũng là cuộc chiến cuối cùng trong cuộc đời Tống Giang.

Vì sao Tống Giang trở thành thủ lĩnh Lương Sơn Bạc?

Theo Sina, có nhiều lý do cho thấy Tống Giang là người phù hợp nhất trở thành thủ lĩnh 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Thứ nhất, Tống Giang Tống Giang không có ngoại hình nổi trội, nhưng nổi tiếng là người nhân nghĩa.

Tác giả Thi Nại Am phác họa về nhân vật này trong Thủy Hử: “Người này họ Tống tên Giang, tự là Công Minh, con thứ ba, nguyên quán ở Vận Thành, mặt đen, người thấp, thường gọi là Hắc Tam Lang Tống Giang, lại có tiếng là người hiếu đễ, bình sinh trọng nghĩa khinh tài, ai cũng gọi là Hiếu Nghĩa Hắc Tam Lang".

Thứ hai, Tống Giang là người văn võ song toàn, dù không thực sự nổi trội so với những anh hùng Lương Sơn Bạc khác, nên không thể nói rằng Tống Giang không hề biết gì.

Điều này được tác giả Thi Nại Am phác họa như sau: “Tống Giang văn án tinh thông, sành nghề nha lại, tính thích chơi quyền chơi gậy, học được nhiều ngón võ".

Thứ ba, Tống Giang là người biết đối nhân xử thế, biết giúp người đúng lúc, đúng cách.

Năm xưa khi tình cờ gặp Võ Tòng trong sơn trang của Sài Tiến, thấy hảo hán này quần áo lam lũ, ông đã không ngần ngại bỏ tiền may quần áo cho Võ Tòng.

Tống Giang là người liên kết các hảo hán Lương Sơn lại với nhau.

Tống Giang là người liên kết các hảo hán Lương Sơn lại với nhau.

Khi Võ Tòng tiễn biệt về quê gặp người thân, Tống Giang đích thân ra tiễn, mang theo mấy lượng bạc dúi vào tay Võ Tòng, khiến hảo hán này “gạt lệ bái biệt mà đi".

Trong lần đầu gặp Lý Quỳ, biết người này thiếu tiền, Tống Giang liền không ngần ngại lấy ngay ra 10 lượng, dù cả hai chỉ mới quen biết.

Lý Quỳ dù là người nổi tiếng lỗ mãng cũng không khỏi cảm kích. "Tống Giang Ca Ca thực là quý hóa, xưa nay chưa từng chơi thân mà cho mượn ngay 10 lượng bạc”.

Sau khi lên Lương Sơn bạc, Tống Giang đã từng bước thu phục lòng người, dần dần chiếm được lòng tin của tất cả các anh hùng Lương Sơn Bạc.

Điểm nhấn của Tống Giang là không chỉ đơn thuần dùng tiền bạc, địa vị lấy lòng người khác, mà quan trọng là cách thể hiện. Bởi nếu chỉ so về tiền bạc, xuất thân, Tống Giang không thể bằng Sài Tiến hay Lư Tuấn Nghĩa.

Thứ tư, anh hùng trong lịch sử Trung Hoa hầu hết đều là những người rất trọng danh dự. Tống Giang đã khôn khéo vừa đem lại lợi ích trước mắt cho các anh hùng, vừa giúp họ giữ thể diện.

Đó là lý do các anh hùng Lương Sơn Bạc có xuất thân, tính cách khác nhau, như Sài Tiến là hậu duệ hoàng tộc, Lư Tuấn Nghĩa là viên ngoại giàu có, Lý Quỳ là kẻ lỗ mãng… nhưng tất cả đều tâm phục khẩu phục trước Tống Giang.

Tuy nhiên, một số sử gia Trung Quốc sau này khi đánh giá về Tống Giang,  cho rằng nhân vật này vẻ ngoài tuy nhân nghĩa, giúp người không mang danh lợi, nhưng bên trong cũng có những thủ đoạn để đạt mục đích của mình, dù điều này có thể làm phương hại đến lợi ích của các hảo hán Lương Sơn.

___________________________

Xâu chuỗi những hành vi của Tống Giang, người đời sau cho rằng chính nhân vật này đứng  sau cái chết  của trại chủ Lương Sơn Tiều Cái. Bài kỳ sau sẽ đề cập đến quan điểm cho rằng Tống Giang dùng các mưu mẹo, thủ đoạn để tranh đoạt lợi ích, trở thành bá chủ Lương Sơn Bạc.

Sự thật về thủ lĩnh Lương Sơn Bạc Tống Giang trong lịch sử Trung Hoa

Tống Giang là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất trong Thủy Hử của Thi Nại Am và là người phát động khởi nghĩa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN