Điểm gây hồ nghi trong cam kết phi hạt nhân hoá của Kim Jong-un

Triều Tiên đã cam kết phi hạt nhân hóa, một diễn biến tích cực, nhưng một số chuyên gia vẫn chưa thấy yên tâm.

Điểm gây hồ nghi trong cam kết phi hạt nhân hoá của Kim Jong-un - 1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) chụp ảnh cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) ngày 27.4

Lời hứa phi hạt nhân hóa "hoàn toàn" của Triều Tiên ngày 27.4 đang khiến nhiều chuyên gia về chính sách và quân sự vui mừng. Tuy nhiên, đồng thời, một số người vẫn nghi ngờ lời hứa này vì Triều Tiên chưa đưa ra bất kỳ tiến trình chi tiết nào.

Ngày 27.4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tuyên bố chung, cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Thỏa thuận này được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh có khả năng xảy ra giữa Triều Tiên và Mỹ vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Phi hạt nhân hóa chắc chắn sẽ là chủ đề chính trong các cuộc đàm phán giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nhận định thỏa thuận hôm 27.4 là “thành tựu đáng ghi nhận", đủ để tạo nên bầu không khí tốt đẹp cho hội nghị Triều Tiên-Mỹ.

"Lãnh đạo của hai miền Triều Tiên đã đạt được sự đồng thuận về khái niệm hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đây là thành tựu đáng ghi nhận", ông Yang nói. "Sự kiện này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Mỹ".

Điểm gây hồ nghi trong cam kết phi hạt nhân hoá của Kim Jong-un - 2

Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nhận định thỏa thuận hôm 27.4 là “thành tựu đáng ghi nhận"

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người hoài nghi. Một số nhà phê bình chỉ ra rằng Hàn Quốc đã “đáp lại Triều Tiên quá nhanh và quá nhiều” mà không yêu cầu lời hứa về hành động cụ thể.

"Việc ông Kim ký tuyên bố phi hạt nhân hóa là điều rất có ý nghĩa. Nhưng thực ra, Triều Tiên chỉ đồng ý với nguyên tắc chung là từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ chứ chưa đưa ra bất kỳ bước thực hiện chi tiết nào", Shin Beom- chul, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan nói.

"Tôi nghĩ rằng tuyên bố này là thỏa thuận được hiệu chỉnh tốt, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Triều Tiên, nhưng đồng thời, tạo đà cho cuộc họp của Triều Tiên và Mỹ sắp tới", ông nói thêm.

Woo Jung-yeop, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong (viện nghiên cứu chính sách tư nhân) cũng có những lo ngại tương tự. Ông thậm chí còn đặt ra câu hỏi: Liệu cam kết của Triều Tiên có đủ để thuyết phục Mỹ rằng Triều Tiên thực sự nghiêm túc về việc từ bỏ chương trình hạt nhân của họ? Lý do là vì họ từng có lịch sử đưa ra nhiều lời hứa và phá vỡ chúng.

"Triều Tiên nên thể hiện nhiều sự nghiêm túc hơn trong cam kết này để thuyết phục Mỹ", Woo nói. "Có thể có những thỏa thuận không được tiết lộ bên ngoài, nhưng dựa trên bản tuyên bố công khai, điều này không đủ để xóa tan những đám mây nghi ngờ của Mỹ".

Kim Jong-un nói tiếng gì khi gặp Tổng thống Hàn Quốc?

Nhiều người dân Hàn Quốc rất bất ngờ khi nghe thấy giọng nói của ông Kim Jong-un qua truyền hình và Internet trong hội nghị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà My - Yonhap ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh lịch sử liên Triều Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN