“Đêm trước” cuộc chiến tranh Triều Tiên

Khi CHDCND Triều Tiên với sự viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc vốn không công nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử ở miền nam bán đảo Triều Tiên, nay đã sẵn sàng lực lượng cho một cuộc xâm chiếm tổng lực Hàn Quốc. Ngày 25-6-1950, chiến tranh nổ ra…

Tấm bản đồ phân chia bán đảo Triều Tiên

Thực hiện thỏa ước với các nước trong khối Đồng minh được đưa ra trong Hội nghị Yalta (tháng 2-1945) và sau đó là Hội nghị Potsdam (tháng 7 và 8-1945), lãnh đạo liên minh chống phát xít cùng quyết định: sau khi đánh bại Đệ tam đế chế khoảng 2-3 tháng, Liên Xô sẽ tuyên chiến với quân phiệt Nhật.

Đầu tháng 4-1945, chính phủ Liên Xô tuyên bố xóa bỏ hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Liên Xô và Nhật Bản; từ tháng 5 đến tháng 6 năm đó, Liên Xô đưa quân đội và vũ khí đến Viễn Đông với mục tiêu hoàn thành hai nhiệm vụ: Giải phóng Triều Tiên khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật; đánh đuổi quân đội và chính quyền do Nhật dựng lên trên đất Triều Tiên và vùng lãnh thổ tiếp giáp Trung Quốc.

“Đêm trước” cuộc chiến tranh Triều Tiên - 1

Lee Seung-man (Lý Thừa Vãn), tổng thống đầu tiên của Đại Hàn dân quốc.

Ngày 8-8-1945, Liên Xô thực hiện nghĩa vụ đồng minh tuyên chiến với Nhật. Hướng tấn công chủ yếu của quân đội Liên Xô gồm Đông Bắc Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Sakhalinsk và quần đảo Kuril. Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô điều một lực lượng tinh nhuệ, tàu chiến và lực lượng không quân của hạm đội Thái Bình Dương, phương diện quân thứ nhất Viễn Đông đến Bắc Triều Tiên. Ngày 12-8, thành phố cảng Unggi và Rajin của Triều Tiên gần với biên giới Liên Xô được giải phóng. Ngày 13-8, hai bên đã giao tranh quyết liệt để giành Chongjin.

Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng đã ban hành sắc lệnh đình chiến, thông tin này ngày thứ hai mới được chuyển đến Triều Tiên. Tuy nhiên, quân đội Nhật đóng tại Triều Tiên không phục tùng mệnh lệnh, đến ngày 18-8 mới dừng hẳn những hành động kháng cự. Thậm chí quân đội Nhật đóng tại cảng Wonsan - cảng lớn nhất nằm ở bờ biển phía Đông Triều Tiên - đến ngày 22-8 mới đầu hàng quân đội Liên Xô.

Để tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật, ngày 24-8, lực lượng đổ bộ đường không của quân đội Liên Xô đã nhảy dù xuống Bình Nhưỡng và Hamhung. Ngày 25-8, quân đội Nhật ở khu vực phía Bắc Triều Tiên mới hoàn toàn giải giáp. Như đã thỏa thuận với Mỹ, Liên Xô dừng quân lại ở vĩ tuyến 38 độ bắc.

Một tháng trước đó, sử dụng một bản đồ của Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ để tham khảo, hai đại tá Dean Rusk và Bonesteel đã vẽ đường phân giới tại vĩ tuyến 38 độ trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Chính phủ Mỹ đến lúc này không biết chắc là phía Liên Xô có tôn trọng lời đề nghị đã được mình đưa ra trước đó hay không.

Dean Rusk, sau này là Ngoại trưởng Mỹ viện dẫn, quân đội Mỹ lúc đó phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt quân nhu, thực phẩm được cung cấp tại chỗ cũng như gặp phải các yếu tố bất lợi về thời gian và vị trí địa lý khiến họ khó có thể tiến nhanh về phía bắc nhanh chóng trước khi quân đội Liên Xô tiến vào khu vực này.

Phía Liên Xô đồng ý lấy vĩ tuyến 38 làm đường phân giới tạm thời giữa hai vùng chiếm đóng trên bán đảo Triều Tiên, một phần vì họ muốn có vị thế tốt hơn để thương thuyết với Đồng minh về kế hoạch tiếp quản các nước Đông Âu từng sống dưới ách chiếm đóng của phát xít Đức.

Để giải phóng Triều Tiên, quân đội Liên Xô đã chịu những tổn thất và hy sinh to lớn cho cuộc chiến này trong khi quân đội Mỹ không hề trực tiếp tham gia. Ngày 2-9-1945, đại diện các nước Đồng minh dự lễ ký văn kiện đầu hàng không điều kiện của Nhật trên chiến hạm Missouri. Đến lúc này, những binh đoàn đầu tiên của quân đội Mỹ mới tiến vào phần phía nam của bán đảo Triều Tiên và mục đích chính của hành động này là ngăn cản quân đội Liên Xô chiếm toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.

“Đêm trước” cuộc chiến tranh Triều Tiên - 2

Binh sĩ Mỹ tại Triều Tiên năm 1950.

Tháng 12-1945, Mỹ và Liên Xô thỏa thuận quản lý Triều Tiên thông qua Ủy ban hỗn hợp Mỹ-Liên Xô. Tinh thần của thỏa thuận cũng đề ra: Triều Tiên sẽ được độc lập sau thời gian bốn năm đặt dưới sự giám sát quốc tế. Tuy nhiên, cả Mỹ và Liên Xô đã cho phép vùng lãnh thổ mà họ quản lý có một ủy ban chính phủ do người Triều Tiên lãnh đạo, trong khi các ủy ban này lại ngả theo ý thức hệ của lực lượng "giám sát" mình. Như ở miền Bắc, các ủy ban có thái độ thân thiện với lực lượng quân quản Liên Xô. Tình hình ở miền Nam thì ngược lại.

Ban quân quản của Mỹ không khó để nhận ra "các yếu tố cánh tả" (ủng hộ Liên Xô) trong các ủy ban do quần chúng lập nên, vì vậy đã ra sắc lệnh giải tán các tổ chức này. Nhưng ai là người "hợp nhãn" với người Mỹ nhất để lãnh đạo bộ máy chính quyền phía nam vĩ tuyến 38? Đó là Lee Seung-man (Lý Thừa Vãn), người sau này là tổng thống đầu tiên của Đại Hàn dân quốc.

Hệ quả của chính sách "Bàn tay sắt"

Lee Seung-man sinh ngày 18-4-1875 (có tài liệu nói là ngày 26-4) tại Hwanghae-do trong một gia đình trung lưu vùng nông thôn, là con út trong số 5 anh chị em (những người này đều yểu mệnh mất sớm). Năm 1877, khi cậu con trai út lên 2 tuổi, gia đình cậu chuyển đến Seoul sinh sống. Tại đây, cậu được dạy Nho giáo truyền thống ở thư đường Nakdong và Dodong. Có giai thoại kể rằng, một lần Lee Seung-man được cha mẹ dắt đến gặp một cao nhân chấm số tử vi.

“Đêm trước” cuộc chiến tranh Triều Tiên - 3

Những tân binh Hàn Quốc ngồi chờ đợi để được chuyển giao cho một trung tâm huấn luyện của quân đội chuẩn bị tham chiến, tháng 7-1950.

Sau một hồi lâu nghiên cứu lá số, vị cao nhân đó cho biết, cậu bé rất có tương lai nếu kiên trì con đường khoa cử và bỏ lửng lời tiên đoán của mình mặc cho bố mẹ Lee Seung-man cứ gặng hỏi. Năm lên 9 tuổi, có lần Lee Seung-man mắc bệnh đậu mùa nặng đến suýt bị mù. Nhưng nhờ một y sĩ người Mỹ tên Horace Newton Allen trong phái đoàn y tế tận tình chạy chữa nên cậu bé thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, và có thể xem đây là "mối duyên" đầu tiên của vị tổng thống tương lai với nước Mỹ

Lớn lên trong buổi giao thời, Lee Seung-man liên tiếp bị đánh trượt trong các kỳ thi tuyển công chức. Khi hệ thống giáo dục truyền thống theo tinh thần Hán học bị bãi bỏ, Lee Seung-man đã ghi danh vào học ở Trường Paejae, được lập ra bởi một nhà truyền giáo người Mỹ. Tại đó, chàng thanh niên sáng dạ này đã được học tiếng Anh và sớm tham gia viết bài cho một tờ báo nội bộ trong trường.

Ngay từ trẻ, Lý Thừa Vãn đã có xu hướng thích tham gia vào các hoạt động chính trị, đặc biệt là phong trào chống ách đô hộ của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng cũng chính vì thế mà Lee Seung-man bị chính quyền quân phiệt Nhật Bản bắt giữ và tống vào tù ngày 9-1-1896 với tội danh xúi giục nổi loạn.

Trong 7 năm tù, Lee Seung-man bị tra tấn dã man, bị gông cổ, trói tay chân, tra tấn bằng gậy sắt và bị buộc giấy dầu vào tay rồi đốt nhưng chàng thư sinh vẫn tiếp tục tự trau dồi kiến thức thông qua các loại sách vở do bạn bè gửi vào, viết bài thường xuyên cho một tờ báo nội bộ của tù nhân và sưu tập một thư viện cho các bạn tù đọc với số đầu sách lên tới 500 quyển. Cũng ở trong tù, Lý Thừa Vãn đã cải đạo theo Thiên chúa giáo và hoàn tất một bản tuyên ngôn chính trị đầu tiên của đời mình.

Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) bùng nổ, lợi dụng tình hình chiến sự tác động đến bộ máy cầm quyền, Lee Seung-man cùng một số bạn tù tổ chức vượt ngục. Ông tìm đường sang Mỹ du học, ghi danh theo học các trường Đại học Georgetown, Đại học Harvard và Đại học Princeton.

Đến năm 1910, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ lịch sử ở Đại học Princeton. Thời gian du học, ông vẫn kiên trì đấu tranh cho nền độc lập của Triều Tiên, tích cực gia nhập các chính phủ, tổ chức đấu tranh độc lập của người đồng hương lưu vong dù cuộc sống đầy khó khăn, luôn phải vay mượn, thiếu nợ bạn bè.  Trở về tổ quốc, ông giữ chân Thư ký trưởng của Trung tâm Young Men Christian Association (YMCA) ở Seoul.

Thế nhưng không lâu sau, Lee Seung-man lại phải rời bỏ quê hương sang Mỹ lại do chính quyền quân phiệt Nhật gia tăng đàn áp các lực lượng chống đối ở Triều Tiên. Lúc sống tại New York, lúc ở Washington DC, lúc lại tới Hawaii, nhưng ở bất kỳ nơi nào có các cộng đồng người Triều Tiên lưu vong đông đảo thì Lee Seung-man đều đến đó để tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền chính trị và còn cộng tác với tổ chức tình báo Hoa Kỳ OSS trong các chiến lược chống Nhật tại bán đảo Triều Tiên.

Thế chiến thứ II kết thúc, Nhật Bản thất bại ê chề và phải tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện, Lee Seung-man từ hải ngoại trở về bán đảo Triều Tiên sớm nhất trên chiếc trên phi cơ Bataan cùng Thống chế Hoa Kỳ Douglas MacArthur và trở thành đại diện cho Triều Tiên trong phiên họp đầu tiên của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại thành phố San Francisco tháng 6 năm 1945.

Khi Ủy ban hỗn hợp Mỹ-Liên Xô đi đến quyết định chia vùng chiếm đóng Triều Tiên, Lee Seung-man lập tức phản đối. Ông sang Washington D.C suốt từ tháng 12-1945 đến tháng 4-1947 để kiên trì đấu tranh cho giải pháp thống nhất bán đảo Triều Tiên do ông đưa ra. Cuối cùng thì đến tháng 12-1947, Liên Hiệp Quốc công nhận phần phía nam bán đảo Triều Tiên là một quốc gia độc lập với tên gọi "Đại Hàn dân quốc" (gọi tắt là Hàn Quốc). Tháng 5-1948, cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên được tiến hành. Ngày 20-7 cùng năm, Lee Seung-man đắc cử Tổng thống Đại Hàn dân quốc với 92,3% phiếu bầu.

Các đảng phái cánh tả tẩy chay bầu cử để phản đối sự ủng hộ của Mỹ dành cho Lee Seung-man cũng như hành động đàn áp của lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ đối với các phong trào chính trị bản xứ. Khi kết quả bầu cử được công bố, bạo động nổ ra dữ dội, quân đội Hàn Quốc nổ súng vào đoàn biểu tình, giết chết hàng trăm người biểu tình và bắt giữ hàng ngàn người khác.

Trước tình hình trên, miền Bắc Triều Tiên đã "đáp trả" bằng một cuộc bầu cử quốc hội, và vào tháng 9-1948, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố thành lập, đứng đầu bởi lãnh tụ Kim Nhật Thành (CHDCND Triều Tiên tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội của nước này không chỉ diễn ra công khai ở miền Bắc mà còn được tiến hành bí mật ở cả miền Nam). Chính phủ Liên Xô và Ủy ban quân quản ở Bắc Triều Tiên tuyên bố công nhận kết quả bầu cử, gia tăng nỗ lực giúp nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Không lâu sau khi nhậm chức, Tổng thống Lee Seung-man nhanh chóng ban hành luật pháp, tiến hành đàn áp thẳng tay phong trào Cộng sản cũng như loại bỏ các đối thủ chính trị khác. Nhiều cuộc thanh trừng Cộng sản đẫm máu diễn ra, tiêu biểu như tại đảo Jeju khi đảng Cộng sản tiến hành tập trung lực lượng, nổi dậy vũ trang và tiến hành chiến tranh du kích thì toàn bộ "những ai sống ngoài vùng kiểm soát của quân đội Hàn Quốc" đều bị giết sạch.

Hành động này đã gây căm phẫn sâu sắc cho lãnh tụ Kim Nhật Thành và các nhà lãnh đạo Triều Tiên. Kim Nhật Thành tố cáo chính phủ Hàn Quốc là tay sai của Mỹ, ông tuyên bố quyết tâm thống nhất đất nước Triều Tiên dù phải bằng vũ lực.

Về phía Lee Seung-man, dù triệt để thi hành chính sách "Bàn tay sắt" nhưng vẫn không tránh khỏi thực tế là Hàn Quốc lúc này vẫn còn nghèo đói, lạc hậu sau nhiều năm bị đế quốc Nhật Bản đô hộ. Người Mỹ, đồng minh chính của Hàn Quốc lúc đó lại chỉ cấp cho quân lực Hàn Quốc những vũ khí cá nhân hạng nhẹ để thực thi pháp luật và đảm bảo quốc phòng.

Rõ ràng sự "đảm bảo" đó là không hề đủ, khi CHDCND Triều Tiên với sự viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc vốn không công nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử ở miền nam bán đảo Triều Tiên, nay đã sẵn sàng lực lượng cho một cuộc xâm chiếm tổng lực Hàn Quốc. Ngày 25-6-1950, chiến tranh nổ ra. Với lực lượng vượt trội về quân số và áp đảo hoàn toàn về quân bị như máy bay oanh tạc, tiêm kích cơ, pháo binh hạng nặng, xe tăng... Triều Tiên tổng tấn công Hàn Quốc trên toàn vĩ tuyến 38…

Trận thua đau của Mỹ trước quân Triều Tiên

Trong những ngày đầu của cuộc Chiến tranh Triều Tiên, đơn vị quân đội Mỹ được giao nhiệm vụ chặn bước tiến của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Hiếu ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN