Đây mới thực sự là loài lưỡng cư khổng lồ nhất thế giới

Mới đây, các nhà khoa học đã tìm được lời giải chính xác nhất cho câu hỏi “đâu là loài lưỡng cư lớn nhất thế giới?”

Kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc có đúng là loài lưỡng cư lớn nhất thế giới? (Ảnh: National Gegraphic)

Kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc có đúng là loài lưỡng cư lớn nhất thế giới? (Ảnh: National Gegraphic)

Nhiều người thường nghĩ rằng loài lưỡng cư lớn nhất thế giới hiện nay là loài kỳ nhông khổng lồ của Trung Quốc, với chiều dài hơn 1,5 m và nặng hơn 45 kg. Được phát hiện sinh sống trên một diện tích rộng lớn, từ các khu rừng bán nhiệt đới phía nam đến các dãy núi phía bắc thuộc lãnh thổ Trung Quốc, loài lưỡng cư này lâu nay bị giới khoa học cho là chỉ có một giống duy nhất, với tên khoa học là Andrias davidianus.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Ecology and Evolution hôm 17.9 vừa qua cho thấy kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc không chỉ có 1, mà có ít nhất 3 giống khác nhau. Trong số này, giống kỳ nhông được cho là có kích thước lớn nhất được đặt một cái tên mới là Andrias sligoi, hay kỳ nhông khổng lồ Nam Trung Quốc, với chiều dài tối đa có thể lên tới hơn 2 m.

“Thật kinh ngạc khi mãi đến thời đại ngày nay, chúng ta mới xác định được đâu là loài lưỡng cư lớn nhất thế giới,” ông Samuel Turvey từ Hiệp hội Động vật học Luân Đôn, tác giả nghiên cứu trên, cho biết.

Để tiến hành nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã phải kiểm tra các mẫu vật của loài kỳ nhông khổng lồ được thu thập từ nhiều thập kỷ vừa qua, trước khi loài lưỡng cư này được con người vận chuyển và nuôi lấy giống trên khắp lãnh thổ Trung Quốc.

Phân tích của họ cho thấy kỳ nhông khổng lồ đã bắt đầu xuất hiện từ cách đây 3,1 triệu năm, trước cả thời điểm cao nguyên Tây Tạng với dãy núi Nam Lăng được hình thành ở miền trung nam Trung Quốc. Điều này, về mặt địa lý, đã phân loại kỳ nhông thành 3 nhánh riêng biệt ở sông Dương Tử phía bắc, sông Châu Giang phía tây nam và các dòng sông nhỏ khác phía đông nam Trung Quốc.

Giống kỳ nhông Andrias sligoi có thể đạt kích thước tối đa tới hơn 2 m (Ảnh: ZSL)

Giống kỳ nhông Andrias sligoi có thể đạt kích thước tối đa tới hơn 2 m (Ảnh: ZSL)

Turvey cho biết những kết quả này dựa trên các điều kiện địa lý và di truyền học riêng biệt của từng giống loài. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể biết được những khác biệt chính xác về mặt giải phẫu của chúng, do cách thức bảo quản khác nhau của các mẫu vật được phân tích. Một số được bảo quản trong chất lỏng, trong khi số khác thì lại là mẫu vật khô.

Bên cạnh đó, có nhiều mẫu vật là kỳ nhông non, nên thiếu đi một số đặc điểm thường thấy khi trưởng thành. Áp lực từ việc săn trộm đã khiến một số loài kỳ nhông không phát triển đến kích cỡ tối đa trong tự nhiên. Cho nên tại thời điểm hiện nay, vẫn chưa thể nói trước rằng 3 giống kỳ nhông mới được phân loại sẽ khác nhau như thế nào khi trưởng thành.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng khám phá mới của mình sẽ giúp cho loài kỳ nhông Trung Quốc được bảo tồn nhiều hơn trong tương lai, nhất là trong bối cảnh loài lưỡng cư này đang ngày càng quý hiếm ngoài tự nhiên do môi trường sống bị đe dọa và các trang trại kỳ nhông mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ thị trường đồ ăn xa xỉ tại Trung Quốc.

Loài kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc đang ngày càng bị đe dọa ngoài tự nhiên (Ảnh: One Kind Planet)

Loài kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc đang ngày càng bị đe dọa ngoài tự nhiên (Ảnh: One Kind Planet)

Melissa Marr, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết phát hiện này được đưa ra vào thời điểm cần có "sự can thiệp khẩn cấp" để cứu những con kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc trong tự nhiên.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cần phải tiến hành các biện pháp phù hợp để bảo tồn tính toàn vẹn về mặt di truyền của từng loài kỳ nhông khác nhau," bà Marr cho biết, "Nó cũng nhấn mạnh vai trò của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London trong việc bảo tồn các loài cực kỳ nguy cấp."

Hiện tại, 4 cá thể kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc đang được bảo tồn tại Sở thú London, sau khi được giải cứu từ một đường dây nhập khẩu trái phép vào năm 2016. Nhờ sự phân loại trên, các cá thể kỳ nhông sẽ có thể được sàng lọc và xác định các đặc tính di truyền, trước khi được nhân giống và đem thả vào tự nhiên.

Ếch lớn nhất thế giới dài 0,3m biết di chuyển đá nặng 2 kg để xây ”lãnh địa” riêng

Ếch Goliath, loài ếch lớn nhất thế giới, có thể dài hơn 0,3 mét và nặng gần 3 kg khi trưởng thành. Với kích thước khổng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Anh - Sky News, National Geographic ([Tên nguồn])
Thế giới động vật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN