Đâu là 5 chiến tăng tốt nhất hành tinh?

Tạp chí The National Interest xếp loại 5 loại xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất thế giới hiện nay, trong danh sách có đến 2 mẫu xe tăng của Nga và bất ngờ là có một mẫu xe tăng của Hàn Quốc.

“Đâu là các xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất trên hành tinh hiện nay?” là một câu hỏi dễ gây tranh cãi. Bởi vì so sánh ưu thế của một xe tăng với phiên bản trước khi nâng cấp của chính nó đã khó, so sánh với các nền tảng xe tăng khác lại càng khó hơn.

Dưới đây là danh sách 5 chiến tăng tốt nhất ở thời điểm hiện tại, theo đánh giá của tạp chí The National Interest, và tất nhiên, mọi danh sách xếp loại đều chỉ mang tính tham khảo.

Xe tăng Merkava V của Israel

Lực lượng Phòng vệ Israel đưa dòng xe tăng Merkava vào hoạt động từ cuối những năm 1970 và liên tục nâng cấp, cải tiến chúng.

Merkava do tướng của Lực lượng Phòng vệ Israel tên là Israel Tal thiết kế sau thất bại của Israel trong Chiến tranh Yom Kippur với các nước Ả Rập vào năm 1973 cũng như sau khi Israel thất bại trong việc mua xe tăng Chieftain từ Anh.

Merkava (có nghĩa là “Xe ngựa” trong tiếng Do Thái) ra đời với mục tiêu đảm bảo rằng Israel sẽ không cần phải phụ thuộc vào xe bọc thép nước ngoài, đồng thời tạo ra một nền tảng để Israel có thể đối đầu với các xe tăng do Liên Xô sản xuất đang phục vụ trong quân đội nhiều đối thủ Ả Rập của Israel.

Xe tăng Merkava Mark V của Israel. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Xe tăng Merkava Mark V của Israel. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Phiên bản mới nhất của dòng xe tăng này có tên Merkava Mark V ra mắt vào năm ngoái và gần đây đã được triển khai tới Dải Gaza trong cuộc chiến giữa Israel với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine).

Phiên bản Mark V được trang bị camera ngày đêm cung cấp tầm nhìn 360 độ xung quanh thân xe tăng. Ngoài ra, Mark V cũng sở hữu hệ thống phòng thủ chủ động (APS) Trophy giúp xe chống lại các tên lửa chống tăng tiên tiến nhất.

Hệ thống Trophy còn có khả năng phát hiện nhanh chóng, phân loại và ngăn chặn tất cả mối đe dọa đến từ tên lửa, đạn chống tăng nhờ vào tín hiệu thu được qua radar bất chấp điều kiện thời tiết.

Xe tăng T-14 Armata của Nga

Theo The National Interests, dù dòng xe tăng T-14 Armata không được Nga triển khai đến chiến trường Ukraine nhưng sẽ là thiếu sót nếu xe tăng này vắng mặt trong danh sách các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại mạnh nhất.

T-14 do công ty cơ khí Uralvagonzavod của Nga sản xuất và ra mắt lần đầu tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Nga vào năm 2015.

Tính năng được ca ngợi nhiều nhất của T-14 Armata là hệ thống pháo tự động, bao gồm một đại bác chính cỡ nòng 125 mm được điều khiển từ xa cùng với súng máy Kord 12,7 mm và súng máy tự động PKTM 7,62 mm.

Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: REUTERS

Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, vị trí của đội điều khiển xe tăng được bố trí trong khoang bọc thép, cách ly với bộ nạp đạn tự động và kho đạn ở giữa xe tăng giúp tăng khả năng sống sót cho binh sĩ.

T-14 Armata thậm chí còn có một nhà vệ sinh, trang bị nước và lương khô cho các binh sĩ, điều mà hầu hết các xe tăng khác không làm được.

Được đánh giá là một phương tiện có thiết kế sáng tạo nhưng quân đội Nga đến nay chỉ sở hữu chưa đến 50 chiếc T-14 Armata thay vì 2.300 chiếc như kế hoạch. Chi phí vẫn là một vấn đề lớn trong sản xuất dòng xe tăng này.

Xe tăng T-90M của Nga

“T-90 là xe tăng tốt nhất thế giới, không hề cường điệu chút nào. Đội điều khiển xe tăng của chúng tôi và đối thủ đều công nhận đây là loại xe tăng tốt nhất thế giới” - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét về dòng xe tăng T-90 của nước này khi nhà lãnh đạo Nga đến thăm công ty Uralvagonzavod hồi tháng 2.

Theo The National Interest, ông Putin có cơ sở khi đưa ra nhận xét này.

Phiên bản mới nhất của T-90 là T-90M Proryv-3, lần đầu ra mắt năm 2017 và đã được cải tiến rất nhiều về khả năng phòng thủ, tính cơ động và hỏa lực.

Xe tăng T-90M của Nga. Ảnh: THE NATIONAL INTEREST

Xe tăng T-90M của Nga. Ảnh: THE NATIONAL INTEREST

Theo nhiều nguồn tin, T-90M Proryv-3 đã được nâng cấp tháp pháo với pháo chính nòng trơn mới 2A46M-4 125 mm, có khả năng bắn đạn tiêu chuẩn và đạn tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) Refleks NATO Code AT-11 Sniper-B.

Các vũ khí đi kèm khác bao gồm súng máy hạng nặng NSVT 12,7 mm và súng máy đồng trục PTKM 7,62 mm.

Phiên bản T-90M Proryv-3 sử dụng động cơ diesel công suất hơn 1.130 mã lực, được trang bị động cơ 12 xi-lanh 1.000 mm, cho phép đạt tốc độ 60 km/giờ trên đường trường và 50 km/giờ khi vượt địa hình.

Ngoài ra, kính ngắm đa kênh mới trên T-90M Proryv-3 cho phép đội điều khiển xe tăng sử dụng vũ khí bất kể ngày hay đêm. Thêm vào đó, phiên bản xe tăng này còn có thể trao đổi dữ liệu với các phương tiện chiến đấu khác trong thời gian thực.

Xe tăng M1A2 Abrams SEPv3 của Mỹ

Mỹ phát triển dòng xe tăng M1 Abrams vào đầu những năm 1980. M1 Abrams không ngừng được nâng cấp và 2.500 chiếc M1 Abrams phục vụ trong quân đội Mỹ hiện tại là phiên bản nâng cấp mới nhất: M1A2 Abrams SEPv3.

M1A2 Abrams SEPv3 MBT được trang bị pháo nòng trơn XM256 120 mm có thể bắn chính xác mục tiêu ở khoảng cách hơn 3.000 m. Bản nâng cấp cũng được trang bị súng máy tự động 7,62 mm M240 và súng máy hạng nặng M2 Browing.

Phiên bản M1A2 Abrams SEPv3 sở hữu động cơ tua-bin khí có thể tạo ra công suất 1.500 mã lực, cho phép nó đạt tốc độ hơn 67 km/giờ.

Xe tăng M1A2 Abrams SEPv3 của Mỹ. Ảnh: ASIA TIMES

Xe tăng M1A2 Abrams SEPv3 của Mỹ. Ảnh: ASIA TIMES

Bên cạnh đó, phiên bản nâng cấp còn đi kèm với một loạt hệ thống hiện đại như: Hệ thống theo dõi xe tăng (VHMS) và mô-đun LRM để cải thiện khả năng bảo trì; công nghệ đạn dược (ADL) giúp cải tiến năng lực phản công; gói áo giáp thế hệ tiếp theo (NGAP) và bộ phận năng lượng phụ trợ (APU)...

Loạt hệ thống này làm tăng đáng kể trọng lượng của xe tăng và được coi là một vấn đề. Tuy vậy, nhờ những cải tiến trên, khả năng sống sót của đội điều khiển xe cũng được tăng cao hơn.

Quân đội Mỹ đã hủy kế hoạch phát triển phiên bản SEPv4 của M1 Abrams, thay vào đó sẽ tập trung vào việc nâng cấp M1E3 Abrams - một phiên bản xe tăng mới tận dụng các tính năng của SEPv4 kết hợp với những thay đổi quan trọng về mặt kỹ thuật.

Các mẫu M1A2 Abrams SEPv3 vẫn tiếp tục được sản xuất cho đến khi phiên bản M1E3 Abrams hoàn thiện.

K2 Black Panther của Hàn Quốc

Điều khá bất ngờ là danh sách 5 xe tăng tốt nhất hiện nay lại không có mặt Leopard 2 của Đức hay Challenger 2 của Anh mà lại có sự xuất hiện của một chiến tăng đến từ Hàn Quốc.

Theo The National Interest, một thập niên trước, người ta không thể tưởng tượng được rằng Hàn Quốc có thể sản xuất một chiếc xe tăng có khả năng như vậy, nhưng hiện tại, K2 Black Panther là một trong những chiếc xe tăng tốt nhất trên thế giới.

K2 Black Panther của Hàn Quốc. Ảnh: CREATIVE COMMONS

K2 Black Panther của Hàn Quốc. Ảnh: CREATIVE COMMONS

Trong Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, xe tăng đầu tiên được lực lượng Liên Hợp Quốc triển khai cho Hàn Quốc là xe tăng hạng nhẹ M24 Chaffee của Mỹ. Tuy nhiên, dòng xe này hoạt động kém hơn so với xe tăng T-35-85 của Triều Tiên (do Liên Xô sản xuất).

Sau chiến tranh, quân đội Hàn Quốc đã tăng cường cho hạm đội thiết giáp của mình với nhiều loại xe tăng từ Mỹ, nhưng những nỗ lực của Seoul nhằm sở hữu xe tăng chiến đấu chủ lực M60A1 Patton của Mỹ đều thất bại.

Để giải quyết nỗi lo về các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc đã tự mình phát triển một loại xe tăng trong nước, đó là dòng xe K1.

Sau đó, Seoul đã tiến tới một thiết kế hoàn toàn mới: K2 Black Panther. Đây là dòng xe do Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc phát triển và công ty Hyundai Rotem (công ty con của tập đoàn Hyundai) sản xuất.

K2 nhằm bổ sung chứ không phải thay thế các xe tăng dòng K1. Dòng xe được ra mắt vào năm 2007 và việc sản xuất 100 xe tăng K2 đầu tiên bắt đầu vào năm 2014. Vào tháng 6-2023, Seoul đã phê duyệt kế hoạch sản xuất đợt K2 Black Panthers mới trị giá 1.940 tỉ won (1,46 tỉ USD).

Xe tăng K2 Black Panther có đội lái 3 thành viên gồm chỉ huy, xạ thủ và lái xe. Vũ khí chính của xe tăng này là pháo nòng trơn Rheinmetall 120mm L/55 với bộ nạp đạn tự động có thể đảm bảo nạp đạn khi đang di chuyển, kể cả khi trên các bề mặt không bằng phẳng.

Pháo 120 mm có thể bắn khoảng 10 đến 15 phát đạn mỗi phút. Nó có thể được sử dụng với nhiều loại đạn dược và tương thích với tất cả loại đạn xe tăng tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Pháo 120mm L/55 cũng có khả năng bắn loại đạn KSTAM - một loại đạn thông minh mới của Hàn Quốc.

K2 Black Panther có vũ khí phụ là súng máy hạng nặng 12,7 mm và súng máy 7,62 mm.

Bên cạnh đó, dòng xe này cũng sở hữu hệ thống theo dõi và phát hiện mục tiêu tự động. Nó có động cơ diesel MTU MB 883 Ka501 công suất 1.500 mã lực, đạt tốc độ tối đa gần 70 km/giờ trên đường trường và 50 km/giờ đối với các địa hình khác.

Khả năng của K2 Black Panther đã được công nhận khi Ba Lan năm 2022 ký hợp đồng mua 180 xe tăng này từ Hàn Quốc. Giới quan sát dự đoán Seoul sẽ có nhiều hợp đồng như vậy từ các quốc gia khác trong thời gian tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại vũ khí của phương Tây không chứng tỏ được hiệu quả trên chiến trường Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN