Dấu hiệu Nga tăng quân sát biên giới quốc gia thành viên NATO

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nga đang âm thầm tăng cường hiện diện quân sự dọc theo đường biên giới dài hơn 1.300 km với Phần Lan – thành viên mới của NATO. Động thái này khiến các nước châu Âu lo ngại về ý đồ trong tương lai của Moscow. Về phần mình, Phần Lan đang ráo riết củng cố năng lực phòng thủ, tăng chi tiêu quốc phòng và tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn với đồng minh.

Ảnh vệ tinh cho thấy Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới giáp Phần Lan. Ảnh: Planet Labs.

Ảnh vệ tinh cho thấy Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới giáp Phần Lan. Ảnh: Planet Labs.

Nga tăng quân, xây dựng cơ sở hạ tầng sát biên giới

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất, được tờ Wall Street Journal (WSJ) và New York Times (NYT) của Mỹ công bố, cho thấy Nga đã gia tăng hiện diện quân sự dọc biên giới Phần Lan trong vài tháng gần đây. NATO cũng xác nhận thông tin này. Hình ảnh cho thấy hàng loạt lều trại mới, kho chứa xe quân sự và nhà chứa cho máy bay chiến đấu.

Tại khu vực Kamenka, cách biên giới Phần Lan chỉ 60 km, hơn 130 lều quân sự đã được Nga dựng lên kể từ tháng 2/2025. Khu vực vốn trống trải vào năm 2022 này hiện đủ chỗ đóng quân với khoảng 2.000 binh sĩ.

Xa hơn, tại thành phố Petrozavodsk cách biên giới Phần Lan 160 km, Nga đã xây ba nhà kho lớn, mỗi kho đủ sức chứa khoảng 50 xe thiết giáp. Theo WSJ, Kremlin còn dự định thành lập một sở trung tâm quân sự mới tại đây để chỉ huy hàng chục nghìn binh sĩ.

Kể từ khi Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO vào năm 2022, Nga tuyên bố tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, bao gồm nâng tổng quân số từ 1 triệu lên 1,5 triệu người.

Ở vòng Bắc Cực, căn cứ trực thăng Severomorsk-2 – nơi từng bị Nga đóng cửa năm 1998 – đã được mở lại vào năm 2022 và hiện đang được cải tạo. Chuyên gia quân sự Phần Lan Emil Kastehelmi nói: “Trước năm 2022, chỉ có một trung đoàn máy bay không người lái (UAV) hoạt động sơ sài tại đây. Nhưng hiện nay, Nga đang nâng cấp, phát quang và chuẩn bị tiếp nhận các thiết bị lớn hơn như trực thăng. Có vẻ như phía Nga muốn khôi phục và tăng cường hoạt động tại khu vực này”.

Ông Kastehelmi nhận định rằng Nga rõ ràng đang tái thiết hạ tầng quân sự và huấn luyện binh sĩ mới. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Hiện tại, các động thái này vẫn chưa đến mức đáng lo ngại”.

Phần Lan chính thức gia nhập NATO vào tháng 4/2023, kéo theo phản ứng từ phía Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov khi đó tuyên bố: “Việc mở rộng NATO là hành động xâm phạm an ninh và lợi ích quốc gia của Nga. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những gì xảy ra ở Phần Lan và các mối đe dọa tiềm tàng từ đó”.

Nga coi biên giới với Phần Lan là vùng chiến lược

Các khu vực Nga tăng cường hiện diện quân sự gần Phần Lan. Ảnh: France24.

Các khu vực Nga tăng cường hiện diện quân sự gần Phần Lan. Ảnh: France24.

Các nhà phân tích nhận định rằng dù chưa đến mức như thời điểm Nga đưa quân áp sát Ukraine và sau đó là phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, nhưng việc Nga xây dựng lực lượng sát biên giới Phần Lan có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy sự hiện diện quân sự ngày càng lớn trong những năm tới.

Đối với Moscow, khu vực này có ý nghĩa chiến lược lớn. Biên giới Phần Lan đưa Nga vào tình thế đối đầu trực tiếp với một nước thành viên NATO trên đường biên giới dài 1.300 km. Phía Nga xem đây là vùng chiến lược để bảo vệ thành phố St. Petersburg.

Ed Arnold, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh, cảnh báo: “Nếu xảy ra xung đột giữa Nga và NATO ở vùng Baltic, Phần Lan chắc chắn không đứng ngoài. Họ có thể phản công, chiếm bán đảo Murmansk – nơi đặt lực lượng hạt nhân và Hạm đội phương Bắc của Nga. Nếu cắt được tuyến tiếp vận giữa St. Petersburg và Murmansk, Phần Lan sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Nga”.

Tuy nhiên, theo ông Kastehelmi, chưa thể khẳng định biên giới Nga – Phần Lan sẽ trở thành điểm nóng mới sau chiến sự Ukraine. “Xung đột ở Ukraine vẫn đang diễn ra ác liệt, và triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn còn rất xa vời. Chúng ta sẽ phải chờ xem Nga đầu tư đến đâu vào các căn cứ mới, các đơn vị mới và binh sĩ mới”.

Cuộc chạy đua ở Bắc Cực 

Việc Nga tăng cường quân sự ở phía Bắc cũng là một phần trong cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng tại Bắc Cực – nơi có trữ lượng năng lượng lớn và các tuyến hàng hải trọng yếu. Trong tháng này, quân đội Mỹ và Phần Lan đang tham gia cuộc tập trận quy mô lớn tại khu vực Bắc Âu, mô phỏng tình huống xảy ra chiến tranh toàn diện với Nga. Hồi tháng 11 năm ngoái, hàng nghìn binh sĩ NATO cũng đã diễn tập bắn pháo quy mô lớn ở lãnh thổ Bắc Cực của Phần Lan.

Phần Lan bắt đầu tiếp nhận các tiêm kích tàng hình F-35 mua từ Mỹ vào năm tới. Ảnh: Air & Space Forces Magazine.

Phần Lan bắt đầu tiếp nhận các tiêm kích tàng hình F-35 mua từ Mỹ vào năm tới. Ảnh: Air & Space Forces Magazine.

Helsinki coi Moscow không chỉ là đối thủ trong quá khứ mà còn là mối đe dọa trong tương lai. Trước tham vọng của Nga, Phần Lan đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội.

Nước này đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 3% GDP vào năm 2029. Ngoài ra, Phần Lan dự kiến nâng độ tuổi tối đa của quân dự bị lên 65, qua đó có thể huy động tới một triệu người – tương đương gần 1/5 dân số – vào năm 2031.

Ông Arnold nhận xét: “Phần Lan đã chuẩn bị sẵn tâm thế phải tự mình chống lại Nga. Họ có thể huy động 284.000 binh sĩ khi xảy ra xung đột – nhiều hơn cả Anh, Đức hay Pháp. Có lẽ chỉ thua mỗi Ba Lan ở châu Âu”.

Không chỉ có quân số lớn, Phần Lan còn sở hữu kho vũ khí và đạn dược dồi dào. Họ đang vận hành nhiều hệ thống pháo tự hành hiện đại, trong đó có pháo K9 Thunder mua từ Hàn Quốc và xe phóng tên lửa M270 tương tự HIMARS.

Năm tới, Phần Lan cũng bắt đầu tiếp nhận các tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất. Hợp đồng trị giá 8,4 tỷ euro ký với hãng Lockheed Martin bao gồm 64 chiếc, thay thế dần phi đội F/A-18 cũ.

“Phần Lan không phải là mục tiêu dễ dàng”, ông Arnold nói. “Họ có một lực lượng được trang bị tốt và có thể khiến Nga gặp khó khăn nếu xung đột nổ ra".

"Những hành động khiêu khích của NATO ở biển Baltic vi phạm luật pháp quốc tế phải nhận được đánh giá từ cộng đồng quốc tế", theo Bộ Ngoại giao Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - France24 ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN