Đâm vào núi ngầm, tàu ngầm hạt nhân Mỹ thoát hiểm thần kỳ

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Cách đây gần 12 năm, tàu ngầm hạt nhân Mỹ từng lao thẳng vào núi ngầm với tốc độ cao, khiến cho phần mũi tàu vỡ nát và hàng chục thủy thủ bị thương.

Đâm vào núi ngầm, tàu ngầm hạt nhân Mỹ thoát hiểm thần kỳ - 1

Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS San Francisco trải qua quá trình sửa chữa.

Theo National Interest, vụ tai nạn duy nhất xảy ra với tàu ngầm tấn công hạt nhân USS San Francisco (SSN-711), lớp Los Angeles vào ngày 8.1.2005. Ở thời điểm va chạm, tàu ngầm hạt nhân Mỹ di chuyển với vận tốc tới 48 km/giờ, ở độ sâu 160 mét.

USS San Francisco được lên kế hoạch chế tạo tại xưởng đóng tàu Newport News năm 1977. Tàu được hạ thủy vào ngày 24.4.1981. Tàu ngầm gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ và phục vụ tại đây trong suốt hàng chục năm.

Giống như các tàu ngầm lớp Los Angeles khác, USS San Francisco có lượng giãn nước 6.900 tấn, dài 110 mét và rộng 10 mét. Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân S6G, đạt công suất tối đa 35.000 mã lực. USS San Francisco có thể di chuyển với tốc độ tối đa 61 km/giờ, bao gồm thủy thủ đoàn 129 người.

Ngày 8.1.2005, tàu ngầm hạt nhân Mỹ thực hiện hải trình từ đảo Guam tới Brisbane, Úc. Sĩ quan điều hướng hàng hải vẽ hải trình cho tàu dựa trên bản đồ đáy biển do Cơ quan Bản đồ quốc phòng cung cấp. Các sĩ quan chỉ huy tàu cũng thống nhất về hải trình.

Đâm vào núi ngầm, tàu ngầm hạt nhân Mỹ thoát hiểm thần kỳ - 2

Phần mũi tàu ngầm bị hư hại nặng vì va phải núi ngầm.

Theo New York Times, trước thời điểm xảy ra tai nạn, thuyền trưởng đi ăn trưa. Sĩ quan điều khiển tin rằng khu vực này an toàn để tăng tốc độ và lặn sâu từ 121-160 mét. Khoảng 11 giờ 42 phút (giờ địa phương), tàu tiến qua khu vực quần đảo Caroline, cách đông nam đảo Guam khoảng 675 km.

USS San Francisco bất ngờ khựng lại và một tiếng “rầm” vang lên. Các thủy thủ bị hất văng khỏi vị trí làm việc. Nhiều người bị thương khi va đập vào các thiết bị trên tàu.

Sĩ quan Mỹ mô tả khung cảnh trong khoang lái tàu ngầm như một “lò mổ”, máu chảy lênh láng khắp nơi. 98 thủy thủ bị thương, trong đó thợ máy Joseph Allen Ashley bị thương nặng và tử vong vào ngày hôm sau.

Thủy thủ đoàn khi đó không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhiều người đau đớn vì chấn thương khiến cho thuyền trưởng ra lệnh cho tàu nổi lên ngay lập tức.

Đâm vào núi ngầm, tàu ngầm hạt nhân Mỹ thoát hiểm thần kỳ - 3

Cận cảnh thiệt hại mũi tàu ngầm USS San Francisco.

Hệ thống nổi khẩn cấp được kích hoạt nhưng do hư hại nghiêm trọng ở khoang phía trước, USS San Francisco phải thêm 30 giây trước khi bắt đầu nổi dần lên mặt nước.

Sau khi xem xét thiệt hại, sỹ quan trên tàu báo cáo, USS San Francisco trải qua cú va chạm mạnh, khoang phía trước ngập nước phải khóa chặt. May mắn rằng các ngư lôi Mk 48 và tên lửa hành trình Tomhawk vẫn an toàn. Lò phản ứng hạt nhân vẫn ở trong tình trạng ổn định.

Cô độc giữa Thái Bình Dương, tàu ngầm hạt nhân Mỹ không còn cách nào khác là quay đầu trở về đảo Guam. Con tàu mất tới 30 giờ đồng hồ để tới được cảng Apra ở Guam.

Cuộc điều tra sau đó xác định, tàu ngầm đã va vào dãy núi ngầm ở đáy biển. Dãy núi ngầm này không hề có trong bản đồ đáy biển mà thủy thủ đoàn sử dụng để vẽ hải trình cho tàu. Tuy nhiên, dãy núi ngầm này xuất hiện trong bản đồ khác, cảnh báo “những khu vực nguy hiểm tiềm tàng”.

Đâm vào núi ngầm, tàu ngầm hạt nhân Mỹ thoát hiểm thần kỳ - 4

Tàu ngầm USS San Francisco trở về sau nhiệm vụ ở Tây Thái Bình Dương năm 2015.

Vị trí tàu bị đâm cách khoảng 3 km so với nơi có cảnh báo nguy hiểm. Thuyền trưởng tàu USS San Francisco thừa nhận, nếu biết trước điều này, ông đã cho tàu chuyển hướng sang hành trình khác.

Bản đồ đáy biển mà sĩ quan điều hướng sử dụng được lập vào năm 1989. Trước đó, nghiên cứu của Đại học Massachusetts phát hiện dãy đá ngầm trồi lên trong khu vực tàu USS San Francisco gặp nạn. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đã không cập nhật dãy núi ngầm vào bản đồ.

Phần mũi tàu hư hại nặng nề đến mức, xưởng đóng tàu ở Washington phải tháo dỡ hoàn toàn. Thay vào đó là các mũi tàu thay thế từ tàu USS Honolulu, vốn sắp bị loại khỏi biên chế hải quân Mỹ.

Phải mất 4 năm sau, tàu ngầm trở lại hạm đội và phục vụ thêm 6 năm nữa. Tháng 1.2017, USS San Francisco sẽ trải qua quá trình chuyển đổi hai năm để trở thành tàu ngầm huấn luyện.

Phản ứng chuyên nghiệp của thủy thủ đoàn trên tàu được cho là một trong những nguyên nhân giúp tàu ngầm sống sót. Nhưng vì sao tàu ngầm vẫn đứng vững sau cú đâm cực mạnh như vậy?

Năm 1963, hải quân Mỹ đã đưa chương trình SUBSAFE vào hoạt động. Mục tiêu của chương trình là đảm bảo phần thân tàu ngầm có thể chịu được áp lực nếu tai nạn xảy ra và tàu ngầm phải có đủ thời gian nổi lên mặt nước.

Việc đảm bảo an toàn cho lò phản ứng hạt nhân cũng là ưu tiên hàng đầu. Có thể nói, tàu ngầm USS San Francisco và các thủy thủ sống sót là nhờ hàng thập kỷ nghiên cứu và cải tiến của các nhà khoa học, kỹ sư tàu ngầm Mỹ.

Kể từ khi SUBSAFE được áp dụng, trở thành quy chuẩn chung cho tàu ngầm, hải quân Mỹ mới chỉ mất một tàu do tai nạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN