Đài Loan: Sẽ có 'rủi ro đáng kể' nếu Trung Quốc được chấp nhận vào CPTPP trước

Sự kiện: Tin tức Đài Loan

Theo trưởng đoàn đàm phán Đài Loan John Deng, nỗ lực gia nhập Hiệp định CPTPP của hòn đảo sẽ đối mặt “rủi ro đáng kể” nếu Trung Quốc được chấp nhận trước.

Tờ Nikkei Asia dẫn lời một đại diện thương mại hàng đầu của Đài Loan ngày 23-9 cho biết nỗ lực gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của hòn đảo sẽ đối mặt “rủi ro đáng kể” nếu Trung Quốc được chấp nhận trước.

Mối lo ngại trên đến trong bối cảnh Đài Loan hôm 22-9 đã chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP, chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc hôm 16-9 bất ngờ có động thái tương tự.

Đài Loan lo ngại rủi ro nếu Trung Quốc được chấp nhận trước

Phát biểu tại buổi họp sáng 23-9, trưởng đoàn đàm phán Đài Loan John Deng cho biết: "Trung Quốc đã và đang cản trở sự hiện diện quốc tế của Đài Loan. Nếu Trung Quốc được chấp nhận gia nhập CPTPP trước chúng ta, đó chắc chắn sẽ là nguy cơ đối với việc Đài Loan gia nhập thỏa thuận thương mại này. Đó là một thực tế rất rõ ràng".

Đài Loan lo ngại 'rủi ro đáng kể' nếu Trung Quốc được chấp nhận vào CPTPP trước. Ảnh: NIKKEI ASIA

Đài Loan lo ngại 'rủi ro đáng kể' nếu Trung Quốc được chấp nhận vào CPTPP trước. Ảnh: NIKKEI ASIA

"Đài Loan gửi đơn gia nhập chủ yếu là vì lợi ích của chúng tôi, lợi ích của doanh nghiệp và cho mục đích lập kế hoạch kinh tế dài hạn của chúng tôi, và không liên quan gì đến mục tiêu của các nước khác [hoặc với] nhận xét của Trung Quốc về đơn gia nhập của chúng tôi" – ông Deng nói.

Theo ông Deng, Đài Loan đã chuẩn bị cho việc tham gia một quan hệ đối tác khu vực như vậy trong nhiều năm.

Các nhân viên ngoại giao Đài Loan coi sự tham gia của hòn đảo là ưu tiên hàng đầu và đang duy trì liên lạc chặt chẽ với tất cả các thành viên hiện có của khối, ông Deng nói thêm.

Quan chức này cho hay chính quyền Đài Loan sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán với các thành viên CPTPP với hy vọng nhận được sự chấp thuận nhanh nhất có thể, song lưu ý thêm rằng vẫn chưa rõ quá trình này sẽ mất bao lâu.

"Việc gia nhập CPTPP của Anh là tiến trình nhanh nhất cho đến nay và đã mất nhiều tháng" – ông Deng nói.

Theo ông Deng, Đài Loan đã nộp đơn gia nhập của mình với tên gọi “Lãnh thổ thuế quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hổ, Kim Môn và Mã Tổ” (Separate Customs Territory of Taiwan, Penghu, Kinmen and Matsu", gọi tắt là Trung Hoa Đài Bắc).

Ông cho biết Đài Loan đã sử dụng tên gọi này nhiều lần trong các cuộc đàm phán với các quốc gia khác và ít gây tranh cãi hơn so với các tên gọi khác.

Phản ứng của các nước  

Theo Nikkei Asia, việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP được cho là sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu, vốn luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.

Tờ Thời báo Hoàn cầu tối 22-9 đã đăng một bài báo chỉ trích động thái của Đài Loan là "gây rắc rối".

Đại diện các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8-3-2018 tại Santiago, Chile. Ảnh: REUTERS

Đại diện các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8-3-2018 tại Santiago, Chile. Ảnh: REUTERS

Ông Deng cho rằng động thái xin gia nhập CPTPP của Đài Loan nên được xem xét tách biệt với việc Trung Quốc xin gia nhập, vì Đài Loan có một “cơ chế thị trường rất hoàn chỉnh, tôn trọng pháp quyền, tôn trọng tài sản cá nhân và sẵn sàng tuân thủ các quy tắc của hiệp định”.

Ông Deng cho hay Đài Loan đã liên lạc chặt chẽ với Nhật, quốc gia đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong hiệp ước thương mại sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này vào năm 2017.

Ông đã chỉ ra mối quan hệ "rất thân thiết" giữa Đài Bắc và Tokyo và nhiều ví dụ về việc hai bên đã giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn.

Phản ứng trước đơn gia nhập của Đài Loan, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi hôm 23-9 đã bày tỏ sự hoan nghênh, nói rằng Đài Loan “một đối tác cực kỳ quan trọng của Nhật”, cùng chia sẻ các giá trị chung, do vậy, phản ứng của Tokyo đối với hành động của Đài Loan xin gia nhập CPTPP “dựa trên quan điểm chiến lược và hiểu biết công khai”.

Ông Deng lưu ý rằng việc tái khởi động nhập khẩu nông sản từ một số tỉnh của Nhật bị ảnh hưởng từ thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 là một trong những ưu tiên của chính phủ Nhật cho các cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Đài Loan.

Theo Nikkei Asia, Đài Loan đã hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ năm tỉnh của Nhật trong nhiều năm. Một cuộc trưng cầu dân ý được thông qua hồi cuối năm 2018 đã dẫn đến việc chính quyền bà Thái Anh Văn tiếp tục lệnh cấm. Đây được xem là một nguyên nhân gây ra xích mích thương mại giữa Đài Loan và Nhật.

“Thực phẩm xuất xứ từ Fukushima không có nghĩa là thực phẩm nhiễm hạt nhân. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi có thể tìm ra một giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề này với Nhật trong các cuộc đàm phán" – ông Deng cho hay.

Tác động đến thương mại của Đài Loan khi gia nhập CPTPP

Cùng ngày, người phát ngôn Viện Hành chính Đài Loan Lo Ping-cheng hôm 23-9 cho biết các thành viên CPTPP chiếm 24% tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan.

"Đài Loan đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và có một thị trường tự do và minh bạch, và chúng tôi có khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn cao quốc tế để gia nhập khối" – ông Lo cho hay.

Theo ông Kung Ming-hsin – một quan chức thuộc chính quyền Đài Loan, ngành nông nghiệp và dịch vụ cũng như ngành công nghiệp phụ tùng ô tô của Đài Loan sẽ chịu tác động lớn nhất từ việc tham gia CPTTP, trong khi các ngành thép, hóa dầu và vật liệu xây dựng cũng sẽ chịu một số tác động.

"Nhưng nhìn chung, việc gia nhập khối thương mại này chắc chắn sẽ mang lại nhiều nhiều lợi ích hơn là thách thức" – ông Kung hôm 23-9 cho biết.

Nikkei Asia dẫn lời ông Sean King -  phó chủ tịch cấp cao Công ty Tư vấn Park Strategies (Mỹ) – nhận định vì bất kỳ thành viên CPTPP nào cũng có thể phủ quyết đơn xin gia nhập, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm các mắt xích yếu trong số 11 thành viên hiện tại của nhóm để chặn việc gia nhập của Đài Bắc.

"Tuy nhiên, New Zealand và Singapore sẽ khó từ chối Đài Loan vì cả hai đều có hiệp ước thương mại tự do hiệu quả với hòn đảo này. Hơn nữa, lực lượng vũ trang của Singapore tập trận ở Đài Loan" – ông King nhận định.

“Nhật và Úc được kỳ vọng sẽ ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Đài Bắc, trong khi việc Malaysia lên tiếng ủng hộ đơn xin gia nhập của Bắc Kinh cho thấy Kuala Lumpur có thể nghĩ khác” - nhà phân tích nói thêm, đồng thời lưu ý rằng Canada có thể đi theo một trong hai cách.

"Thật đáng tiếc khi Mỹ không còn trong khối để ủng hộ đơn gia nhập của Đài Loan nữa" – ông King nói.

Các thành viên khác của CPTPP là Brunei, Chile, Mexico, Peru và Việt Nam. Anh cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán để gia nhập khuôn khổ hợp tác này.

Nguồn: [Link nguồn]

Úc ra điều kiện tiên quyết để Trung Quốc gia nhập CPTPP

Canberra bày tỏ lập trường phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, trừ khi Bắc Kinh chấm dứt các hành động áp thuế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Tin tức Đài Loan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN