Đã định truyền ngôi đến vạn đời, vì sao Tần Thủy Hoàng vẫn mưu cầu sự bất tử?

Có lẽ nhiều người biết đến mong ước mãnh liệt được trường sinh bất tử của Tần Thủy Hoàng, nhưng ít ai hiểu được bí mật sâu xa đằng sau ham muốn này.

Tần Thủy Hoàng là một vị hoàng đế vũ dũng, không hề e sợ cái chết

Tần Thủy Hoàng là một vị hoàng đế vũ dũng, không hề e sợ cái chết

Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), ông là vị hoàng đế đầu tiên thống nhất toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu. Ông lên ngôi vua của nước Tần năm 13 tuổi và trở thành hoàng đế vào năm 38 tuổi. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, năm 221 TCN, sau khi lên ngôi, Tần Thủy Hoàng ban ra một đạo chế (thời bấy giờ chế của hoàng đế quan trọng hơn chiếu chỉ) truyền rằng:

- Trẫm nghe nói từ thời Thái Cổ không có hiệu của vua. Thời Trung Cổ có hiệu và sau khi vua chết người ta căn cứ vào việc làm của nhà vua mà đặt hiệu cho. Làm như thế tức là con bàn bạc về cha, tôi bàn luận về vua, thật là vô nghĩa. Trẫm không chấp nhận điều ấy. Từ nay trở đi từ bỏ phép đặt hiệu sau khi vua chết. Trẫm là Thủy Hoàng Đế, các đời sau cứ theo số mà tính: Nhị Thế, Tam thế đến Vạn Thế truyền mãi mãi”.

Tần Thủy Hoàng đã sớm xây lăng mộ chuẩn bị cho cái chết của mình (ảnh minh họa)

Tần Thủy Hoàng đã sớm xây lăng mộ chuẩn bị cho cái chết của mình (ảnh minh họa)

Sử gia thời Tây Hán - Tư Mã Thiên cũng thuật lại việc xây lăng mộ Tần Thủy Hoàng như sau: "Khi Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người đến xây lăng mộ…”.

Như vậy, có thể thấy Tần Thủy Hoàng ngay từ đầu đã không hề có ý định có một cuộc sống bất tử, thậm chí ông còn tự chuẩn bị cho cái chết của mình từ rất sớm. Tần Thủy Hoàng sớm lập thái tử, mong muốn truyền ngôi cho con cháu đến đời nhị thế, tam thế, vạn thế mãi mãi sau này. Mặt khác, Tần Thủy Hoàng chinh chiến nhiều năm, là người vũ dũng, không say mê tửu sắc, chơi bời vô độ vì vậy chắc chắn ông không phải kẻ luyến tiếc vinh hoa phú quý, tham sống sợ chết.

Chắc hẳn đã có nhiều sự kiện cho thấy điềm báo trước hoặc bói toán về cái chết của ông. Nhưng sinh, lão, bệnh, tử là vòng tự nhiên định sẵn của con người, Tần Thủy Hoàng vốn sớm đã coi cái chết là điều tất yếu. Vậy tại sao vào những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng lại đột ngột thay đổi ý định, muốn trở thành bất tử để mãi mãi giữ ngôi vị độc tôn, không muốn truyền ngôi cho đời sau nữa?

Vùng vượng khí báo hiệu thiên tử mới xuất hiện mà Tần Thủy Hoàng bắt gặp (ảnh minh họa)

Vùng vượng khí báo hiệu thiên tử mới xuất hiện mà Tần Thủy Hoàng bắt gặp (ảnh minh họa)

Theo Sử ký, cùng các tác phẩm khác ghi chép, có hai sự kiện chính dẫn đến sự thay đổi  trong suy nghĩ của Tần Thủy Hoàng. Sự kiện sớm nhất có thể kể đến là vào năm 219 TCN, Tần Thủy Hoàng vừa lên ngôi hoàng đế, đã đi tuần thú, quan sát dân tình xem công cuộc cải cách của mình được thực hiện đến đâu.

Tần Thủy Hoàng bắt đầu khởi hành từ phía Bắc Lũng Tây, khi đi đến dãy núi Kê Đầu, bỗng thấy một đám mây mờ, hiện ra năm vầng hào quang sáng chói (đây là vùng vận khí hướng Đông Nam, nơi Lưu Bang khởi nghĩa sau này). Tần Thủy Hoàng thấy vượng khí như thế, trong lòng lo sợ, muốn trừ đi. Ông bày lễ tế ở núi Ðông Nhạc và Thái Sơn, rồi lấy thanh bảo kiếm của mình thường đeo, yểm dưới chân núi Kê Đầu.

Hồi 1 của tác phẩm Hán Sở tranh hùng cũng có nhắc tới sự việc này, dưới dạng một câu chuyện hư cấu như sau:

Tần Thủy Hoàng trấn yểm vượng khí xong, giữa trưa lại ngủ mơ một giấc kỳ lạ: Tần Thủy Hoàng chợt nghe bên tai một tiếng nổ long trời lở đất. Rồi một vầng thái dương đỏ ửng từ trên trời rơi xuống. Bỗng thấy một đứa bé áo xanh, mặt đen chạy đến ôm vầng thái dương, toan chạy. Liền lúc đó, lại có một đứa bé khác, mặc áo đỏ, đôi mắt sáng quắc từ phương Nam chạy đến hét lớn:

- Tên áo xanh kia hãy để vầng thái dương lại. Ta vâng lệnh Ngọc hoàng đến lấy vầng thái dương.

Ðứa bé áo xanh không chịu, cả hai ôm nhau vật lộn. Ðứa bé áo xanh vật ngã đứa bé áo đỏ bảy mươi hai lần. Nhưng bất thình lình đứa bé áo đỏ đá một đá thật mạnh, đứa bé áo xanh ngã lăn xuống đất chết. Thủy Hoàng thấy vậy vội kêu lên:

- Hỡi hài đồng kia, đừng vội đoạt vầng thái dương, hãy cho ta biết chúng bay là ai?

Thiên thạch rơi báo hiệu sư thay đổi triều đại (ảnh minh họa)

Thiên thạch rơi báo hiệu sư thay đổi triều đại (ảnh minh họa)

Ðứa bé đáp:

- Ta là dòng dõi Thuấn Nghiêu, quê ở Phong Bái, vì dân dấy nghĩa. Thượng đế đã cho ta hưởng lịch bốn trăm năm.

Nói xong, đứa bé áo đỏ ôm vầng thái dương chạy về phía Nam. Thủy Hoàng đưa mắt nhìn theo, bóng đứa bé mờ dần rồi khuất sau vầng hào quang, giống như vầng vận khí ở núi Kê Ðầu. Thủy Hoàng bừng mắt tỉnh dậy mới biết đó là chiêm bao, lòng bâng khuâng nghĩ:

- Giấc mộng này lành ít dữ nhiều. Nhà Tần ta có lẽ vận mạng đã hết, thiên hạ ắt về tay kẻ khác.

Tần Thủy Hoàng liền bỏ tuần du, truyền xa giá trở về cung. Từ đó lòng buồn bã lo âu, không lúc nào vui. Tần Thủy Hoàng sợ rằng nhà Tần do mình gây dựng sẽ mất vào đời sau mình, vì vậy, ông tìm nhiều cách để bất tử, trong đó có việc phái Từ Phúc, Lư Sinh đi tìm thuốc ở đảo Bồng Lai.

Sự kiện thứ hai, theo Sử ký ghi chép lại: Năm thứ 36 (tức năm 211 TCN), sao Huỳnh phạm vào khu vực của sao Tâm, có một ngôi sao rơi xuống Đông Quận. Khi rơi xuống thì hóa thành đá. Có bọn đầu đen (chỉ dân thường) khắc vào đá: “Thủy Hoàng chết thì đất bị chia”. Thủy Hoàng nghe tin ấy, sai ngự sử tra hỏi, nhưng không ai thú nhận, bèn bắt tất cả những người ở gần đấy giết hết đi và sai nung chảy hòn đá.

Tần Thủy Hoàng phái Từ Phúc, Lư Sinh đi tìm thuốc bất tử (ảnh minh họa)

Tần Thủy Hoàng phái Từ Phúc, Lư Sinh đi tìm thuốc bất tử (ảnh minh họa)

Từ hai sự việc được ghi chép lại như trên có thể thấy Tần Thủy Hoàng có lẽ đã biết trước về cái chết của mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là ông cho rằng mệnh trời chỉ cho phép nhà Tần có một đời vua là mình, không thể tồn tại được đến đời kế tiếp. Muốn cải mệnh trời, Tần Thủy Hoàng phải truy cầu sự bất tử để mình được ở ngôi vị hoàng đế, giữ gìn sự nghiệp ông vất vả gây dựng lên mãi mãi.

Tần Thủy Hoàng về sau ghét nhất ai nói đến chữ chết, nên quần thần không ai dám bàn đến những công việc sau khi ông mất, để đến nỗi Tần Thủy Hoàng phải chết ở bên ngoài kinh thành. Triệu Cao nhân cơ hội rối ren đó, lại đang ở xa kinh thành nên thay đổi di chiếu của Tần Thủy Hoàng, giết hại thái tử, lập kẻ không có tài đức là Hồ Hợi lên ngôi hoàng đế, dẫn đến nhà Tần diệt vong sau này.

Tần Thủy Hoàng bị ám ảnh bởi sự bất tử nên rất chủ quan về cái chết của mình. Đến năm cuối đời, ông vẫn đi tuần du chứ không chịu ở lại kinh thành. Nếu như ông đủ cẩn thận để chuẩn bị cho người kế nghiệp mình, bằng cách gọi thái tử Phù Tô trở về. Trước đó do can ngăn sự tàn bạo của Tần Thủy Hoàng nên Phù Tô bị sai đi xây Vạn Lý Trường Thành. Hay ít nhất Tần Thủy Hoàng nên giảm bớt những cuộc tuần du, ở lại kinh thành Hàm Dương, dặn dò bá quan việc hậu sự phòng khi qua đời, thì đã không xảy ra sự việc Triệu Cao tự tung tự tác.

Triệu Cao – kẻ làm loạn sửa đổi di chiếu của Tần Thủy Hoảng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Triệu Cao – kẻ làm loạn sửa đổi di chiếu của Tần Thủy Hoảng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Năm 210 TCN, sau khi tế vua Hạ Vũ ở Cối Kê, Tần Thủy Hoàng trở về kinh. Trên đường trở về phía tây đến bến Bình Nguyên thì bị bệnh. Tần Thủy Hoàng qua đời ở Bình Đài, thuộc đất Sa Khâu, là nơi cách kinh thành Hàm Dương những hai tháng đi bằng đường bộ.

Cái chết của Tần Thủy Hoàng vẫn còn là một điều bí ẩn, vì hầu như không có tài liệu nào ghi chép lại về tình hình sức khỏe của ông. Tương truyền rằng khi đi đến Sa Khâu, Tần Thủy  Hoàng nghe tiếng cọp gầm thét trong núi, quân sĩ về báo trong núi có một con cọp đen rất lớn (cọp đen là biểu tượng của Tần Thủy Hoàng). Triệu Cao thấy vậy cho là điều bất thường bèn tự ý sai quân giết đi, Tần Thủy Hoàng thấy vậy tức giận, bệnh vốn sẵn trong người bạo phát mà chết.

Hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa cuối đời mắc sai lầm như Tần Thủy Hoàng thế nào?

Hoàng đế Đường Thái Tông được biết đến là người đưa Trung Hoa phát triển cực thịnh, nhưng cuối đời ông cũng không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Bí ẩn về vị vua Tần Thủy Hoàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN