Covid-19: Vì sao Mỹ kêu gọi dân không mua, không đeo khẩu trang?

Theo một người có trách nhiệm ở Mỹ, việc người dân đổ xô mua và đeo khẩu trang thậm chí khiến cộng đồng gặp nguy hiểm hơn.

Cuối tuần trước, Tổng Y sĩ Jerome Adams, người lãnh đạo hoạt động của Đoàn Ủy nhiệm Y tế Công cộng Mỹ, đã lên tiếng trước tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế do những lo ngại về sự bùng phát dịch Covid-19 tại nước này.

"Nghiêm túc nào mọi người, đừng mua khẩu trang nữa!” ông Adams viết trên Twitter, "Chúng không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm virus Corona đối với người dân. Nhưng nếu các nhân viên y tế không có đủ khẩu trang để chăm sóc cho bệnh nhân, điều đó sẽ khiến họ và cộng đồng gặp nguy hiểm hơn!"

Theo Tổng Y Sĩ Mỹ, rửa tay, ở nhà khi bị bệnh và thực hiện "các hành động phòng ngừa hàng ngày" khác là những cách phòng vệ tốt nhất. Ông khuyên mọi người nên tiêm phòng cúm, vì ít bệnh nhân cúm hơn đồng nghĩa với việc có nhiều nguồn lực hơn để phòng dịch Covid-19.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh số lượng khẩu trang y tế trở nên khan hiếm khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát tại Mỹ. Một số người đã bắt đầu mua và tích trữ số lượng lớn khẩu trang như một hình thức phòng dịch, dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng điều này không cần thiết.

Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams khuyên người dân đừng quá lạm dụng khẩu trang y tế (Ảnh: CNN)

Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams khuyên người dân đừng quá lạm dụng khẩu trang y tế (Ảnh: CNN)

Giới chức y tế trên khắp thế giới đã kêu gọi người dân ngừng tích trữ khẩu trang nếu họ khỏe mạnh hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Nhân viên y tế - những người phải chăm sóc cho người bệnh hoặc người nghi nhiễm hàng ngày, phải thay khẩu trang liên tục - mới là những người thực sự cần nguồn cung khẩu trang.

Eli Perencevich, giáo sư ngành Y và Dịch tễ học tại Trường Cao đẳng Dược thuộc Đại học Iowa, cho biết trên Forbes:

“Một người bình thường khỏe mạnh không cần thiết phải đeo khẩu trang, và cũng không nên đeo khẩu trang. Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh người khỏe mạnh đeo khẩu trang có thể giúp phòng dịch bệnh. Thậm chí nếu đeo không đúng cách, họ còn có thể tăng nguy cơ nhiễm bệnh vì họ sẽ dùng tay sờ lên mặt nhiều hơn.”

“Bạn chỉ nên đeo khẩu trang nếu đang mắc bệnh nhưng lại phải rời khỏi nhà,” giáo sư Perencevich nói, “Nếu đang bị cúm hoặc nghi bản thân bị nhiễm Covid-19, thì đó mới là lúc bạn nên đeo khẩu trang để bảo vệ người khác khi ở ngoài và các thành viên trong gia đình mình khi ở nhà.

"Cơn sốt" khẩu trang y tế đang bùng nổ tại Mỹ trong thời gian gần đây (Ảnh: AP)

"Cơn sốt" khẩu trang y tế đang bùng nổ tại Mỹ trong thời gian gần đây (Ảnh: AP)

WHO khuyến cáo nhân viên y tế cần sử dụng khẩu trang phẫu thuật để che vùng miệng và mũi, nhưng CDC thì yêu cầu các nhân viên y tế phải đeo những chiếc khẩu trang N95 dày hơn, chặt hơn khi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm.

Cả hai loại khẩu trang đều giúp ngăn chặn sự lây lan của những giọt dịch hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng đối với người bình thường, chúng thường không hiệu quả nếu không sử dụng đúng cách. Người dùng vẫn có thể vô tình chạm vào bề mặt bên ngoài của khẩu trang khi cởi nó ra.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Y khoa Vanderbilt, cho biết với CNN rằng việc đổ xô đi mua khẩu trang y tế chỉ mang "yếu tố tâm lý".

"Khi dịch Covid-19 đang đến gần, thì chúng ta thường cảm thấy khá bất lực", ông Schaffner nói, "Khi đeo khẩu trang y tế, chúng ta chỉ đang phần nào tạo tâm lý kiểm soát cho chính mình."

CDC đã đưa ra loạt khuyến nghị để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh về đường hô hấp. Những khuyến nghị này bao gồm:

- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.

- Hạn chế dùng tay sờ vào mắt, mũi và miệng.

- Học tập hoặc làm việc tại nhà nếu bị ốm.

- Dùng khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó ném chúng vào thùng rác.

- Làm sạch và khử trùng các đồ vật và bề mặt dễ tiếp xúc với vi khuẩn vào bằng cách sử dụng bình xịt sát khuẩn và khăn lau chùi.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.

- Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch rửa tay với lưu lượng cồn ít nhất 60%. Luôn luôn rửa bằng xà phòng và nước nếu tay bị bẩn.

Nguồn: [Link nguồn]

WHO: Số ca nhiễm mới ở các nước khác cao gấp 9 lần Trung Quốc

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng thế giới đang ở trong “lãnh thổ chưa được khám phá” của virus SARS-CoV-2 và chủng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Anh - CNN, Forbes, New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN