Covid-19: Quan chức Nam Phi đánh giá bất ngờ về độc lực của biến thể Omicron

Trong khi Mỹ và phương Tây bị cho là đang “thổi phồng” mối nguy về Omicron, Nam Phi – một trong những quốc gia đầu tiên phát hiện biến thể mới – lại tự tin đối mặt dù tỷ lệ tiêm chủng không cao như mong đợi.

Nhiều người xếp hàng ở sân bay để rời khỏi Nam Phi (ảnh: AP)

Nhiều người xếp hàng ở sân bay để rời khỏi Nam Phi (ảnh: AP)

Hôm 26.11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, việc nhiều quốc gia ra lệnh hạn chế di chuyển tới Nam Phi vì lo ngại biến thể Omicron là “hấp tấp”.

“Việc hạn chế đi lại với Nam Phi là chưa thực sự cần thiết vào thời điểm này. Chúng tôi khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng cách tiếp cận khoa học và dựa trên rủi ro thực tế để đối phó với biến thể Omicron mới. Không nên hành động quá hấp tấp”, Christian Lindmeier – phát ngôn việc của WHO – nói.

Tuyên bố của WHO đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới như Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Philippines… thực hiện biện pháp hạn chế đi lại với Nam Phi và các nước lân cận.

Hôm 26.11, Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu – kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hủy mọi chuyến bay đến và đi tới các nước phát hiện biến thể Omicron. Tin tức về biến thể mới của Covid-19 được cho là có khả năng kháng vắc xin và lây lan mạnh hơn Delta đã gây ra sự lo lắng thái quá ở châu Âu, theo AP.

“Các nước thành viên của WHO nên giám sát, đồng thời hợp tác chặt chẽ với những quốc gia phát hiện ra Omicron để hiểu biết hơn và đối phó với biến thể này dựa trên khoa học”, phát ngôn viên Lindmeier nhấn mạnh.

Biến thể Omicron đang gây “hoảng loạn” ở nhiều quốc gia, theo AP (ảnh: RT)

Biến thể Omicron đang gây “hoảng loạn” ở nhiều quốc gia, theo AP (ảnh: RT)

Trái với mong muốn của WHO, cứ mỗi giờ trôi qua, danh sách các nước ra lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi lại dài thêm.

Hôm 27.11, một loạt các nước bao gồm Úc, Brazil, Canada, Iran, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Anh… đã ra lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước lân cận. Bất chấp nhiều chuyến bay bị đình chỉ, biến thể Omicron đã xuất hiện ở Bỉ, Israel, Anh và Hồng Kông. Ở Hà Lan, giới chức cũng bày tỏ lo ngại khi phát hiện 61 ca nhiễm Covid-19 trong 2 chuyến bay từ Nam Phi vừa nhập cảnh.

“Omicron dường như đang lây lan mạnh và tôi quyết định rằng nước Mỹ sẽ thận trọng”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 26.11.

Một số chuyên gia y tế gọi cách phòng chống biến thể Omicron như hiện tại ở các nước phương là “hoảng loạn” và “tiêu cực”. Sự xuất hiện của Omicron là minh chứng cho tác hại của việc các nước giàu tích trữ vắc xin, khiến đại dịch kéo dài, theo CNN.

Chỉ có khoảng 6% người dân ở châu Phi được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19. Hàng triệu nhân viên y tế và những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch ở châu Phi vẫn chưa được tiếp cận với vắc xin.

Joe Phaahla – Bộ trưởng Y tế Nam Phi – cho rằng việc nhiều nước ra lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi vì lo ngại biến thể Omicron là “tiêu cực”.

“Điều đó hoàn toàn trái với các quy định, tiêu chuẩn và khuyến nghị của WHO. Nam Phi đang trở thành vật thế thần của các biện pháp kiểm dịch thiếu cân nhắc và hoảng loạn”, ông Joe Phaahla nói.

“Lệnh hạn chế đi lại của nhiều nước như đang trừng phạt Nam Phi, chỉ vì chúng tôi có công nghệ giải trình tự gene tiên tiến cùng khả năng phát hiện biến chủng mới nhanh hơn”, Bộ Ngoại giao Nam Phi ra thông cáo hôm 27.11.

Barry Schoub – người đứng đầu Ủy ban Cố vấn về vắc xin Covid-19 cho chính phủ Nam Phi – cho rằng, biến thể Omicron sẽ không gây ra một làn sóng lây lan lớn trên toàn cầu.

“Nhiều người đang được tiêm vắc xin và chúng ta không nên quá hoảng loạn. Có khoảng 35% dân số Nam Phi đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Tỷ lệ này chỉ đạt 1/2 mục tiêu của chính phủ nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với hầu hết các nước khác ở châu Phi”, ông Schoub nói.

Nhiều nước ra lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi vì lo ngại biến thể Omicron lây lan (ảnh: RT)

Nhiều nước ra lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi vì lo ngại biến thể Omicron lây lan (ảnh: RT)

“Tôi thấy khá tự tin khi đối mặt với biến thể mới này. Dữ liệu ban đầu cho thấy vắc xin vẫn có tác dụng đối với Omicron, ít nhất là trong việc giảm tỷ lệ ca nhiễm có triệu chứng nặng. Theo tôi, Omicron cũng không có khả năng mang độc lực lớn hơn các chủng Covid-19 thông thường. Ở Nam Phi, chúng tôi chưa ghi nhận số ca nhiễm virus tăng đột biến do Omicron. Hầu hết những người mắc biến thể này chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ”, ông Schoub đánh giá.

“Covid-19 là tình huống y tế khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Chúng ta phải hợp tác, không phải trừng phạt lẫn nhau. Cuộc săn phù thủy không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”, Bộ trưởng Phaahla kết luận.

Bệnh nhân mắc biến thể Omicron ở Nam Phi không mất mất khứu giác hoặc vị giác. Họ có thể ho nhẹ, ngoài ra không có biểu hiện nào đáng kể. Trong những bệnh nhân mắc Covid-19 vì Omicron, một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, theo CNN.

Tính đến ngày 27.11, Nam Phi ghi nhận tổng cộng hơn 778.500 ca nhiễm Covid-19. Hiện tại, mỗi ngày nước này ghi nhận thêm khoảng 2.500 – 28.00 ca nhiễm virus mới.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao siêu biến thể Omicron gây lo ngại?

Việc cơ quan y tế Nam Phi công bố phát hiện biến thể mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 đã gây ra phản ứng trên toàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN