Covid-19: Phép mầu Hàn Quốc

Đó chính là chiến lược "4 sẵn sàng": Chuẩn bị luật pháp, ngân sách; hậu cần cung ứng vật tư thiết bị y tế; chuẩn bị cơ sở hạ tầng bệnh viện và năng lực hồi sức cấp cứu; tâm lý dân chúng

Giờ đây, thế giới nóng bỏng trong đại dịch Covid-19, Pháp đang lúng túng với tình trạng vi phạm luật phong tỏa của dân Paris; Ý quá khốn khổ trong dịch; Anh xoay xở chiến lược chống virus Vũ Hán nay nói vầy mai nói khác; Đức, Mỹ thì lạ lùng: Số ca mắc tăng vũ bão từng ngày, vượt qua Pháp thần tốc nhưng ở Đức thì số ca tử vong đếm nhỏ giọt. Ai cũng chờ tới đỉnh.

Thoát đại dịch

Hàn Quốc là điểm nóng thứ hai sau Trung Quốc lúc dịch vừa bắt đầu, khi bùng phát ổ dịch lớn từ nhà thờ của giáo phái Shincheoji, giáo chủ 88 tuổi Lee Man-hee hứa với 144.000 tín đồ đa số là nữ rằng sẽ đưa họ lên thiên đàng. Báo chí một vài nước tường thuật hằng ngày diễn biến "giựt gân" từ tâm dịch Daegu và Cheondo trong tháng 2, theo dõi đưa kỹ phong trào lấy chữ ký đòi luận tội tổng thống Hàn Quốc, rồi đột nhiên gần như loại nước này ra khỏi mặt bằng thời sự.

Nhân viên y tế đang làm việc tại chốt xét nghiệm lái xe không dừng tại Trung tâm Y khoa thuộc Trường Đại học Yeungnam ở Daegu - Hàn QuốcẢnh: REUTERS

Nhân viên y tế đang làm việc tại chốt xét nghiệm lái xe không dừng tại Trung tâm Y khoa thuộc Trường Đại học Yeungnam ở Daegu - Hàn QuốcẢnh: REUTERS

Thế nhưng, báo chí thế giới rất công bằng, ca ngợi diễn văn và hành động của "lãnh tụ chiến tranh" Emmanuel Macron, của Thủ tướng Đức Angela Merkel nhưng không quên truy nguyên vì sao thiếu khẩu trang ở Pháp và nhất là không quên Hàn Quốc một cách lạnh lùng, nền báo chí không chỉ biết giựt gân!

Numerama.com đặt vấn đề "Tại sao Hàn Quốc thoát trận đại dịch ngon lành?", "Có hay không một phép mầu "made in Korea?".

Bị lây nhiễm nhiều nhất sau Vũ Hán ở giai đoạn đầu của dịch, Hàn Quốc lúc đó được thế giới minh họa là phản ứng uể oải với dịch. Thế nhưng, đến ngày 20-3, Hàn Quốc chỉ còn hơn 8.600 ca, sau Ý, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Iran và Pháp. Từ đầu dịch đến giờ chỉ 111 người chết.

Rõ ràng Hàn Quốc đã gây ấn tượng với cả thế giới về chiến lược quản trị khủng hoảng cực kỳ hiệu quả. Một chiến dịch test khổng lồ, đến ngày 19-3 thực hiện được 290.000 test cho phép nhận diện 8.000 ca dương tính, bình quân xét nghiệm 20.000 ca/ngày trong một nước có 50 triệu dân.

Bức tranh tương phản ở Mỹ: 327 triệu dân nhưng chỉ làm được 111.000 test tính đến ngày 16-3. (Tuy nhiên, đến cuối tuần vừa rồi, diễn biến ở Mỹ hoàn toàn khác, số lượng ca dương tính tăng ồ ạt, chứng tỏ lượt test tăng. Nền kinh tế và khoa học Mỹ hết sức cơ động). Pháp 2.500 test/ngày, 36.000 test từ ngày 24-2 đến 15-3.

500 và 70: Chiến lược quốc gia

Nhật báo La Croix của Pháp cho biết ở Hàn Quốc, 500 dưỡng đường được trao quyền làm test virus SARS-CoV-2. Con số này ở Pháp là 70 phòng thí nghiệm được công nhận đạt chuẩn an toàn sinh học PSM2. Jérôme Salomon, Tổng Giám đốc Cơ quan Sức khỏe Công cộng, nói như vậy với Le Monde ngày 19-3. Theo ông, số lượng ca dương tính được phát hiện hằng ngày phụ thuộc chiến lược tầm soát của quốc gia.

Sàng lọc là yếu tố định tính trong phản ứng chống dịch của Hàn Quốc. Thứ trưởng Y tế Kim Gang-lip phát biểu: "Khả năng to lớn của chúng tôi qua chiến dịch xét nghiệm đại trà là nhận dạng sớm ca mắc Covid-19 và tối thiểu hóa hậu quả khủng khiếp của nó.

Một điểm đáng nói: Trong khi Trung Quốc, Ý, Pháp thực hiện chính sách phong tỏa toàn diện và toàn quốc thì Hàn Quốc chỉ phong tỏa cá nhân xác định nhiễm virus theo các bước sau: Ca nghi nhiễm > Cô lập để xét nghiệm > Nếu dương tính thì phác họa lại các bước di chuyển của bệnh nhân.

Nhìn vào đây, có thể thấy các bước dường như giống với cách Việt Nam đang làm.

Nhưng thực tế có điểm khác. Theo Le Monde phân tích, Hàn Quốc đã sẵn sàng đón Covid-19 từ kinh nghiệm của quá khứ. Năm 2015, một doanh nhân Hàn đã mang về nước virus corona hô hấp cấp Trung Đông (MERS), ông ta đã nằm điều trị tại 3 bệnh viện trước khi xét nghiệm dương tính và bị cô lập. Trên lộ trình di chuyển, ông ta đã lây nhiễm cho hơn chục người và chuỗi lây nhiễm phát tán, 36 người đã chết, vùng có dịch bị cô lập 2 tháng. Bài học đau đớn do test muộn đã được chính quyền nhập tâm.

Nhưng xét nghiệm sàng lọc đại trà không phải là biện pháp duy nhất, họ còn nhiều biện pháp giám sát dịch rất hiệu quả. Các nhà lập pháp sau đó đã phê chuẩn luật cho phép chính phủ Hàn Quốc phản ứng nhanh khi có dịch với những biện pháp có vẻ xâm phạm đời tư cá nhân, điều mà các nước phương Tây khó thực hiện: Định vị cá nhân qua ca nhiễm để phát hiện những địa điểm mà họ di chuyển, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống giám sát qua video và bổ sung thêm bởi việc thu thập địa điểm mà họ rút hoặc trả tiền qua thẻ ngân hàng.

Trên cơ sở đó, mỗi khi phát hiện ca nhiễm, Hàn Quốc có thể phác thảo nhanh nhất toàn bộ môi trường địa lý và tiếp xúc của bệnh nhân để cô lập nhóm cộng đồng liên quan một cách chặt chẽ.

Tóm lại, "phép mầu Hàn Quốc" chính là chiến lược "4 sẵn sàng": Chuẩn bị luật pháp, ngân sách; hậu cần cung ứng vật tư thiết bị y tế từ máy xét nghiệm, kit-test, khẩu trang y tế đúng chuẩn bác sĩ…; chuẩn bị cơ sở hạ tầng bệnh viện và năng lực hồi sức cấp cứu; tâm lý dân chúng.

Để bảo đảm chiến lược đó, 3 yếu tố định lượng năng lực phòng dịch của một quốc gia được Hàn Quốc minh họa trong thực tế: Kho dự trữ khẩu trang đúng chuẩn cho nhân lực y tế, năng lực xét nghiệm sàng lọc đại trà và năng lực hồi sức cấp cứu qua số lượng giường và số máy thở. 

Cần nghiên cứu mô hình Hàn Quốc

Ở đây dễ thấy là Việt Nam sử dụng khá tốt mô hình vận động quần chúng tham gia phát hiện. Trong điều kiện chắc chắn còn khó khăn hơn Hàn Quốc, chính phủ đã cố gắng kiểm soát biên giới, cách ly phong tỏa đến mức tối đa các trường hợp nghi ngờ, các biện pháp khác có lẽ còn phải nghiên cứu mô hình Hàn Quốc và không phải chỉ Việt Nam cần nghiên cứu.

Nhà truyền nhiễm học Kim Woo-joo còn chỉ rõ trên báo Science của Hàn Quốc: Kinh nghiệm đau thương năm 2015 còn vạch đường cho chúng tôi cải tiến việc dự báo và kiểm soát lây nhiễm cấp. Hàn Quốc đang còn nhiều việc phải làm nhưng họ xứng đáng được ghi nhận năng lực hậu cần phòng dịch và công nghệ sàng lọc cấp quốc gia.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Covid-19: Tây Ban Nha biến sân trượt băng rộng 1.800 m2 thành nhà xác

Chính quyền Tây Ban Nha gấp rút biến sân trượt băng ở thủ đô Madrid thành nhà xác tạm thời, trong bối cảnh dịch bệnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẨM TUYÊN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN