Covid-19: Bệnh nhân bị phá huỷ 2 lá phổi được cứu bằng cách "vô cùng mạo hiểm"

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới được cứu bằng một cách "vô cùng mạo hiểm", và là một thử thách lớn cả về tâm lý lẫn thể chất với các y bác sĩ.

Tân Hoa xã hôm 1/3 đưa tin, ca ghép phổi đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 được thực hiện thành công hôm 29/2 bởi các bác sĩ ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.

Ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 5 tiếng do nhóm phẫu thuật của Chen Jingyu, bác sĩ phẫu thuật ghép phổi hàng đầu ở Trung Quốc  - làm việc tại Bệnh viện nhân dân Vô Tích, thực hiện.

Nam bệnh nhân 59 tuổi hiện trong tình trạng ổn định sau ca phẫu thuật, theo trang CGTN. Các chuyên gia tin rằng ghép phổi cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở tình trạng nghiêm trọng sẽ góp phần to lớn vào khả năng giảm tỷ lệ tử vong do dịch bệnh này gây ra trong tương lai.

Bệnh nhân, đến từ phía đông tỉnh Giang Tô, được xác nhận nhiễm virus Corona chủng mới ngày 26/1. Sau nhiều nỗ lực điều trị, bệnh nhân đã có các kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona.

Tuy nhiên, cả 2 bên phổi của người này đều đã bị tàn phá nghiêm trọng và được đánh giá là không thể tự phục hồi trước khi cấy ghép.

Hình ảnh được bác sĩ Chen Jingyu, trưởng nhóm thực hiện ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, chia sẻ trên mạng xã hội Weibo. Ảnh: CGTN

Hình ảnh được bác sĩ Chen Jingyu, trưởng nhóm thực hiện ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, chia sẻ trên mạng xã hội Weibo. Ảnh: CGTN

Chuyên gia và giới chức y tế Vô Tích, dưới sự ủng hộ của Ủy ban Y tế Giang Tô, đã quyết định thực hiện phẫu thuật để cứu tính mạng bệnh nhân.

Các lá phổi, được hiến tặng bởi một bệnh nhân bị chết não ở tỉnh khác, được chuyển tới Vô Tích bằng tàu cao tốc và mất khoảng 7 tiếng. 

Theo bác sĩ Chen, cấy ghép phổi cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 đòi hỏi 3 điều kiện tiên quyết chính: Thứ nhất, hai lá phổi của bệnh nhân phải ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng, không thể tự hồi phục; thứ hai, bệnh nhân phải có kết quả âm tính với virus Corona sau nhiều lần xét nghiệm; thứ ba, các cơ quan nội tạng khác của bệnh nhân vẫn hoạt động bình thường và cơ thể phải chịu được quá trình phẫu thuật.

"Loại phẫu thuật kiểu này vô cùng mạo hiểm. Nó phải được tiến hành trong phòng phẫu thuật áp lực âm và toàn bộ y bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ toàn thân trong suốt quá trình phẫu thuật. Đó là một thử thách cả về tâm lý lẫn thể chất", bác sĩ Chen chia sẻ.

Ngoài ra, để đảm bảo ca phẫu thuật thành công và không làm lây nhiễm virus Corona cho y bác sĩ, các bước chuẩn bị kỹ lưỡng được thực hiện, bác sĩ Chen nhấn mạnh.

Chen và nhóm của ông sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của bệnh nhân và hoàn thiện quá trình điều trị, đồng thời, tổng kết kinh nghiệm để mở ra hy vọng cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở trong tình trạng nguy kịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Kết luận gây chú ý khi khám nghiệm tử thi người nhiễm Covid-19 ở TQ

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy tác động của Covid-19 lên cơ thể người như một sự kết hợp giữa SARS và AIDS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN