Con đường dầu mỏ "chảy" từ Nga sang Triều Tiên?

Lượng hàng hóa xuất khẩu từ Nga sang Triều Tiên bất ngờ tăng vọt kể từ hồi đầu năm nay, khi Trung Quốc bắt đầu hợp tác với Mỹ nhằm trừng phạt Triều Tiên.

Con đường dầu mỏ "chảy" từ Nga sang Triều Tiên? - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo Washington Post, người Nga đang nhìn thấy cơ hội mở rộng làm ăn với Triều Tiên, thu lời nhanh chóng, tạo ra một mê cung các công ty vỏ bọc nhằm lách lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.

Hoạt động như vậy có thể đóng vai trò sống còn với Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng như hiện tại. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng lệnh hạn chế Triều Tiên nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ có thể khiến Bình Nhưỡng đóng băng chương trình hạt nhân.

“Khi Trung Quốc bắt đầu cắt giảm nguồn cung dầu mỏ và khí đốt, Triều Tiên lại hướng đến Nga”, một quan chức Mỹ giấu tên nói, dựa trên những bằng chứng thu thập được từ thông tin tình báo.

Nga hiện có lượng dầu mỏ dự trữ lớn và luôn bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ nền kinh tế Triều Tiên, chống lại sức ép từ cộng đồng quốc tế, quan chức Mỹ nói trên Washington Post.

“Nga đang là người kiểm soát cuộc chơi trong lĩnh vực này”, Anthony Ruggiero, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nhận định. “Người Trung Quốc có thể chán nản, chấp nhận trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ hơn nhưng không rõ rằng liệu Nga có cùng chung suy nghĩ như vậy”.

Con đường dầu mỏ "chảy" từ Nga sang Triều Tiên? - 2

Sông Áp Lục là con đường duy nhất Trung Quốc xuất khẩu dầu sang Triều Tiên.

Việc Mỹ cáo buộc Nga buôn lậu dầu sang Triều Tiên đến trong bối cảnh Moscow chỉ trích việc Mỹ muốn khóa chặt và cô lập Bình Nhưỡng. “Chúng ta không nên hành động mà không có cảm xúc, đẩy Triều Tiên đến điểm chết”, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần trước nói.

Theo tài liệu phía Mỹ thu thập được, một công ty Nga có tên Velmur, hoạt động ở Singapore được cho là đã giúp Triều Tiên mua hàng triệu USD dầu mỏ bằng các hoạt động giao dịch ngầm.

Velmur đăng ký kinh doanh ở Singapore năm 2014 với danh nghĩa là công ty quản lý bất động sản. Mỹ nói Velmur không có trụ sở, văn phòng hay thậm chí là cả địa chỉ website để liên hệ.

Quan chức Mỹ cho biết, Velmur làm việc với đối tác Nga để mua lượng dầu diesel trị giá 7 triệu USD. Số tiền này được cho là từ phía Triều Tiên chuyển trong nhiều đợt khác nhau. Mỗi đợt như vậy, Velmur lại liên hệ để tàu chở dầu Nga rời cảng Vladivostok.

Con đường dầu mỏ "chảy" từ Nga sang Triều Tiên? - 3

Thành phố Vladivostok của Nga giáp biên giới Triều Tiên.

“Cuộc điều tra kết luận Triều Tiên là điểm đến cuối cùng của các chuyến hàng này”, Bộ Tư pháp Mỹ nói. “Velmur là công ty bất động sản nhưng lại hoạt động như một đơn vị trung gian với Triều Tiên”.

Quan chức của Velmur hiện chưa lên tiếng trả lời về cáo buộc này. Bộ Ngoại giao Nga cũng không nhắc đến các trường hợp cá nhân và công ty nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.

Giới chức Mỹ thừa nhận rằng không thể đơn giản chặn tàu chở hàng Nga để kiểm tra, dù biết chắc rằng con tàu này hướng đến Triều Tiên. Nhưng Mỹ ít nhiều có thể can thiệp bởi Triều Tiên ưu tiên sử dụng đồng đô la trong các hoạt động giao dịch ra nước ngoài.

Bộ Tư pháp Mỹ tháng trước tuyên bố tịch thu hàng triệu USD giao dịch của các công ty Nga ở nước ngoài, như một lời cảnh báo đến những người Nga muốn mở rộng làm ăn với Triều Tiên.

“Có những kẽ hở trong giao dịch giữa họ, bởi Triều Tiên phải chuyển cho Nga đô la Mỹ chứ Moscow không nhận đồng tiền won”, Ruggiero, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói.

Thả 25 triệu iPhone vào Triều Tiên để... giải quyết vấn đề hạt nhân?

Một cựu đặc nhiệm SEAL đề xuất giải pháp chưa từng có để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong khi một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Washington Post ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN