Có hay không cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu?

Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây có bài viết cho biết theo dữ liệu mới nhất từ Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2023 đạt mức đáng kinh ngạc 2,443 nghìn tỷ USD.

Báo cáo thường niên được công bố gần đây của SIPRI có nhan đề “Xu hướng chi tiêu quân sự toàn cầu” kết luận rằng đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm cao nhất từ trước đến nay kể từ năm 2009 và thế giới chưa bao giờ - ít nhất là trong suốt thời gian tồn tại của SIPRI - lại chi tiêu nhiều tiền như vậy cho việc chuẩn bị quân sự. Trên thực tế, một số quốc gia riêng lẻ từ lâu đã chi tới 2,3% tổng GDP chỉ để đảm bảo an ninh cho chính mình. Ngẫu nhiên thay, số liệu chưa được kiểm chứng này đã vượt đáng kể mục tiêu mà NATO đặt ra là buộc các quốc gia thành viên phân bổ không dưới 2% GDP cho quốc phòng.

Những con số thống kê

Con số 2,443 nghìn tỷ USD lớn đến mức khó có thể tưởng tượng được. Chỉ có 7 quốc gia trên thế giới có GDP danh nghĩa vượt quá 2,4 nghìn tỷ USD (GDP danh nghĩa của Nga năm 2023 là 2,215 nghìn tỷ USD). Cần nói thêm rằng, mức tăng trưởng trung bình của ngân sách quốc phòng năm 2023 cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu (khoảng 3%). Nếu những động lực đó được duy trì ổn định thì đến giữa những năm 2030, tổng chi tiêu quốc phòng hằng năm trên toàn cầu có khả năng vượt quá 5 nghìn tỷ USD và đến giữa thế kỷ này, tổng cộng sẽ là 10 nghìn tỷ USD.

Tòa nhà của Viện Hòa bình Quốc tế tại Stockholm, Thụy Điển.

Tòa nhà của Viện Hòa bình Quốc tế tại Stockholm, Thụy Điển.

Không thể đoán được nền văn minh của chúng ta sẽ đạt được điều gì nếu tất cả các nguồn lực này được đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các dự án không gian quy mô lớn hoặc tìm kiếm phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư và các bệnh nan y khác.

Các nhà lãnh đạo trên toàn cầu đang tìm kiếm nhiều lý do thuyết phục để nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh quân sự toàn cầu. Như nhiều lần trong quá khứ, họ đang tích cực tham gia vào một trò chơi đổ lỗi bất tận với ý định hiển nhiên là áp đặt mọi trách nhiệm về cuộc chạy đua vũ trang lên các đối thủ địa chính trị của mình. Tuy nhiên, những số liệu thống kê khô khan không có chỗ cho sự mơ hồ - Mỹ đã và đang tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới trong cuộc chạy đua vũ trang: ngân sách của Lầu Năm Góc đã đạt kỷ lục lịch sử là 916 tỷ USD vào năm 2023.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chi 1,341 nghìn tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2023, chiếm 55% chi tiêu toàn cầu và vượt đáng kể tỷ trọng của các nước NATO trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu tính cả ngân sách quốc phòng đang tăng nhanh của các quốc gia như Ukraine (64,8 tỷ USD), Nhật Bản (50,2 tỷ USD), Hàn Quốc (47,9 tỷ USD), Australia (32,3 tỷ USD) và chi tiêu quân sự của một số đồng minh nhỏ hơn của Mỹ, tổng ngân sách quân sự của phương Tây nhìn chung chiếm hơn 2/3 tổng ngân sách toàn cầu cho cùng việc. Theo ước tính của SIPRI, tổng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc (296 tỷ USD) và Nga (109 tỷ USD) tương ứng với 16,5% tổng chi tiêu toàn cầu, chưa đến 1/4 chi tiêu của toàn phương Tây.

Ngay cả khi điều chỉnh hết sức có thể sự bất cân xứng về cơ cấu ngân sách quốc phòng giữa Mỹ và các đối thủ địa chính trị của nước này thì rõ ràng là việc lập kế hoạch ngân sách chi tiêu quốc phòng của Washington và các đồng minh vẫn không được thực hiện theo các nguyên tắc hợp lý và có tính răn đe tối thiểu. Nếu bất cứ điều gì đang cản trở sự tăng trưởng ngân sách quân sự ở phương Tây thì đó không phải là những hạn chế về mặt chính trị mà là về mặt kinh tế - hoặc tình trạng thiếu lao động có trình độ đang gia tăng và các vấn đề mới phát sinh trong chuỗi cung ứng.

“Công xưởng thế giới”

Có thể nhận thấy một xu hướng rõ ràng không kém trong hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu. Theo SIPRI, Mỹ đã bán số vũ khí trị giá 223 tỷ USD cho nước ngoài trong năm 2023, tăng 16% so với một năm trước đó. Đây là một xu hướng dài hạn - trong 5 năm qua, thị phần quân sự toàn cầu của Mỹ đã tăng từ 34% lên 42%. Xu hướng này được ghi nhận trong bối cảnh thị phần của Mỹ trong tổng xuất khẩu thế giới đang giảm dần và hiện chỉ chiếm hơn 8%. Như vậy, trong khi mất đi vai trò “công xưởng thế giới” vào tay Trung Quốc và các nước khác, Mỹ ngày càng định vị mình là bên cung cấp vũ khí chính của thế giới.

Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng Máy bay ném bom chiến lược B-52 đến năm 2064.

Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng Máy bay ném bom chiến lược B-52 đến năm 2064.

Số liệu thống kê của NATO cũng mang tính biểu tượng - thị phần của liên minh trong việc cung cấp vũ khí toàn cầu cho nước ngoài trong năm 2019-2023 tăng từ 62% lên 72% tức là NATO chiếm gần 3/4 thị trường vũ khí thế giới. Pháp đã chứng minh mức tăng đặc biệt mạnh - 47% trong 5 năm. Ngoài việc cung cấp vũ khí thương mại, Mỹ và các nước NATO khác đang mở rộng mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ kỹ thuật - quân sự cho nhiều đối tác ở châu Âu, châu Á, Trung Đông và châu Phi. Hầu hết các dự báo đều cho rằng Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình trong việc trang bị vũ khí cho phần còn lại của thế giới, từ đó làm trầm trọng hơn vòng xoáy của cuộc chạy đua vũ trang.

Với xu hướng này, không có gì đáng ngạc nhiên khi các chính quyền gần đây của Mỹ thường bày tỏ thái độ hoài nghi về việc kiểm soát vũ khí. Nếu có hy vọng giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang thì tại sao lại phải thương lượng với những kẻ thất bại? Nếu tự tin vào ưu thế công nghệ của mình thì tại sao lại phải hạn chế ưu thế này bằng cách tuân theo các điều khoản của một số hiệp định quốc tế và thậm chí đồng ý với các thủ tục kiểm soát và xác minh ngặt nghèo? Nếu có cầu về vũ khí ổn định trong và ngoài nước thì việc tự hạn chế nguồn cung của mình có đáng hay không?

Năm 2002, dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), vốn là nền tảng cho sự ổn định chiến lược giữa Moscow và Washington trong 30 năm trước đó. Mỹ cùng với các thành viên NATO khác chưa thông qua Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), được cập nhật năm 1999 tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Istanbul.

Năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn từ năm 1987 đã cấm Moscow và Washington sản xuất, thử nghiệm và triển khai các hệ thống tên lửa trên mặt đất với tầm bắn hiệu quả từ 500 đến 5.500 km. Mỹ chưa bao giờ thông qua Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).

Năm 2013, cựu Tổng thống Barack Obama đã ký Hiệp ước buôn bán vũ khí đa phương, nhưng 6 năm sau, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp ước này. Năm 2020, Washington quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Tất nhiên, lợi ích kinh tế không phải là lý do chính khiến Mỹ từ bỏ những nghĩa vụ này và nhiều nghĩa vụ an ninh quốc tế khác, nhưng những lợi ích này cũng đóng một vai trò trong các quyết định của Mỹ.

Mất kiểm soát?

Tình hình địa chính trị hiện nay không có lợi cho bất kỳ hành động tự kiềm chế nào trong lĩnh vực chi tiêu quân sự, chưa kể các sáng kiến giải trừ quân bị sâu rộng. Việc kiểm soát vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ đã bị đóng băng hoàn toàn và có thể không bao giờ được khôi phục theo hình thức trước đây. Việc kiểm soát vũ khí thông thường ở châu Âu cũng không khá hơn - trong bầu không khí đối đầu quân sự giữa Nga và NATO - thì ngay cả ý tưởng về khả năng hạn chế lẫn nhau trong lĩnh vực quân sự tại chiến trường châu Âu cũng giống như một trò đùa.

Việc nói về triển vọng trong việc kiểm soát vũ khí ở Trung Đông hoặc Đông Bắc Á trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza và việc trao đổi các cuộc tấn công tên lửa giữa Israel và Iran sẽ bị coi là suy đoán không có căn cứ, nếu không muốn nói là phi lý.

Hệ thống tên lửa chống tên lửa Arrow 3 mà Mỹ bán cho Isarel.

Hệ thống tên lửa chống tên lửa Arrow 3 mà Mỹ bán cho Isarel.

Đánh giá của SIPRI đã liên hệ một cách đúng đắn sự bùng nổ quốc phòng đang diễn ra với các cuộc xung đột ở những nơi như Ukraine và Palestine, cũng như căng thẳng gia tăng ở nhiều nơi khác trên thế giới. Năm 2024 rất khó có thể trở thành một bước ngoặt mang tính quyết định giúp chuyển mũi nhọn của chính trị thế giới từ chiến tranh và khủng hoảng sang hòa bình hoặc ít nhất là các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra hiện nay sẽ chấm dứt, thì cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu vẫn sẽ không dừng lại.

Các chương trình mua sắm quân sự hiện đại có sức ì nội bộ rất lớn. Ví dụ, máy bay ném bom chiến lược nổi tiếng B-52 của Mỹ được thử nghiệm năm 1952, đưa vào sử dụng năm 1955 và theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, có thể tiếp tục phục vụ cho đến năm 2064. Máy bay trực thăng vận tải quân sự hạng nặng Chinook được đưa vào phục vụ trước Chiến tranh Việt Nam, tham gia hầu hết các hoạt động lớn của Mỹ ở nước ngoài và sẽ tiếp tục phục vụ trong ít nhất 3 thập kỷ nữa.

Các tên lửa đạn đạo chiến lược, tàu ngầm tấn công và tàu sân bay đang được thiết kế ngày nay có thể sẽ được triển khai đầy đủ trong 15 đến 20 năm nữa và sẽ định hình bối cảnh chiến lược toàn cầu trong phần lớn nửa sau của thế kỷ 21. Một số hệ thống thành công nhất sẽ có thể tồn tại cho đến thế kỷ 22.

Chiếc hộp Pandora

Vấn đề không chỉ ở việc tước đi nguồn tài nguyên khổng lồ cần thiết để đáp ứng các nhu cầu thiết thực và cấp bách nhất của nhân loại, mà một cuộc chạy đua vũ trang liên tục không chỉ được coi là kết quả tất yếu của sự nghi ngờ lẫn nhau, căng thẳng chính trị và xung đột quân sự, mà còn là nguồn gốc của chính những điều đó.

Trong một thế giới tràn ngập các hệ thống sát thương đã sẵn sàng đi vào hoạt động, nguy cơ xảy ra chiến tranh bất ngờ và không cố ý chắc chắn sẽ cao hơn. Nhìn chung, quá trình quân sự hóa ngày càng tăng của nền chính trị thế giới đang từng bước biến quan hệ quốc tế thành một trò chơi “được mất ngang nhau”, trong đó mục tiêu không phải là để giải quyết những vấn đề phức tạp trên cơ sở thỏa hiệp được hai bên chấp nhận thông qua đàm phán, mà là một chiến thắng cuối cùng và vô điều kiện trước kẻ thù.

Nếu đến một lúc nào đó việc kiểm soát vũ khí được khôi phục, nó sẽ rất khác với mô hình Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 20, nhiều khả năng sẽ mang tính đa phương hơn là song phương. Quá trình này có thể chú trọng vào tính cơ động, độ chính xác và hỏa lực hơn là vào số lượng đơn vị và đội hình, số lượng đầu đạn và phương tiện vận chuyển chúng. Có lẽ hình thức mới để ấn định các thỏa thuận sẽ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhiều bằng các hành động đơn phương song song của các bên tham gia quá trình đàm phán. Không thể loại trừ việc các thỏa thuận trong tương lai dưới hình thức này hay hình thức khác sẽ không chỉ liên quan đến các quốc gia mà còn cả các chủ thể phi nhà nước trong chính trị và kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề quan trọng này có thể và sẽ cần được giải quyết trong tương lai. Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa chương trình giải trừ vũ khí gần như bị lãng quên trở lại tâm điểm chú ý của công chúng thế giới. Những gì chưa đạt được ở cấp độ quốc gia phải được thực hiện ở cấp độ xã hội. Như kinh nghiệm từ Chiến tranh Lạnh cho thấy, chỉ có sức ép mạnh mẽ của công luận mới có thể buộc các nhà lãnh đạo và những người được hưởng lợi từ cuộc chạy đua vũ trang phải điều chỉnh lập trường và tiết chế ham muốn của mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Keir Starmer, ứng viên đang tranh cử ghế thủ tướng Anh, tuyên bố chính sách "sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết", khi căng thẳng gia tăng với Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Thông ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN