Chủ tịch Trung Quốc có cuộc gặp hiếm hoi với ông Mã Anh Cửu

Hôm nay (10/4), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp hiếm thấy với cựu lãnh đạo chính quyền đảo Đài Loan (Trung Quốc), vào thời điểm nhà lãnh đạo mới của hòn đảo sắp nhậm chức.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp ông Mã Anh Cửu tại Singapore năm 2015. (Ảnh: Getty)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp ông Mã Anh Cửu tại Singapore năm 2015. (Ảnh: Getty)

Ông Mã Anh Cửu, người lãnh đạo chính quyền Đài Loan từ năm 2008-2016, đang ở Bắc Kinh, trong chuyến thăm kéo dài 11 ngày đến đại lục. Ông Mã gặp ông Tập vào chiều nay, đài truyền hình CCTV đưa tin.

Theo giới quan sát, khoảnh khắc được sắp xếp kỹ càng này gửi đi một số thông điệp chính trị: Đây là lần đầu tiên một cựu lãnh đạo Đài Loan được nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tiếp đón kể từ khi Quốc Dân đảng (KMT) sang Đài Bắc năm 1949.

Đây cũng là cuộc tái ngộ đầu tiên giữa ông Tập với ông Mã kể từ lần gặp năm 2015 tại Singapore.

Sự kiện này cho thấy chia rẽ chính trị ngày càng lớn giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Khác biệt đó thể hiện rõ ràng trong cuộc bầu cử vào tháng 1 năm nay, khi các cử tri ở hòn đảo thuộc Trung Quốc bất chấp nhiều cảnh báo kiên quyết của Bắc Kinh để bầu cho ông Lại Thanh Đức, cấp phó của bà Thái Anh Văn, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của hòn đảo này.

Cuộc tiếp ông Mã diễn ra vào một tuần sôi động ở Washington, nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên với Nhật Bản và Philippines, trong đó chắc chắn bàn về vấn đề Đài Loan.

Một nguồn tin ở Đài Bắc tiết lộ với CNN rằng Bắc Kinh hoãn cuộc tiếp vào ngày 9/4 để chuyển sang hôm nay, đúng ngày ông Biden có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida.

Bắc Kinh dừng tiếp xúc chính thức cấp cao với Đài Bắc từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền năm 2016.

Khác với KMT, đảng DPP của bà Thái gạt bỏ điều kiện của Bắc Kinh về đối thoại chính thức. Đó là thỏa thuận mà hai bên chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Hai bên khó có thể nối lại đối thoại cấp cao sau khi ông Lại Thanh Đức kế nhiệm bà Thái Anh Văn. Bắc Kinh nhiều lần gạt bỏ đề xuất của ông Lại về đối thoại và gọi ông là “kẻ gây rối”.

Đây không phải lần đầu tiên ông Mã thăm Trung Quốc đại lục.

Chính trị gia 73 tuổi trở thành cựu lãnh đạo đầu tiên của hòn đảo đặt chân đến đại lục vào tháng 3 năm ngoái.

Năm nay, chuyến thăm của ông Mã cũng diễn ra vào dịp Thanh Minh, một dịp lễ mà người dân Trung Quốc tưởng nhớ về ông bà tổ tiên. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tuần trước lễ nhậm chức của ông Lại, vào ngày 20/5.

Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc tiếp đón ông Mã là để gửi tín hiệu đến Đài Bắc và các bên khác, rằng thống nhất một cách hòa bình bằng trái tim và khối óc vẫn là lựa chọn ưu tiên của Bắc Kinh.

Đến đại lục lần này, ông Mã gọi chuyến đi của ông là “hành trình của hòa bình và hữu nghị”.

Báo chí chính thống Trung Quốc đưa tin đậm nét về chuyến thăm của ông.

Tại Quảng Châu, ông làm lễ trước đài tưởng niệm phong trào nổi dậy chống lại nhà Thanh do Tôn Trung Sơn khởi xướng. Cả hai bờ eo biển đều coi nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn là người lập quốc.

Tại tỉnh Thiểm Tây, ông Mã dự lễ vinh danh Hoàng đế, nhân vật được coi là thủy tổ của người Hán. Tại đây, ông kêu gọi người trẻ “ghi nhớ nguồn cội văn hóa và dân tộc Trung Hoa”.

Tại Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, ông hát bài ca yêu nước về giai đoạn chống Nhật trong Thế chiến II. Đây là bài hát phổ biến ở cả hai bờ eo biển.

Nguồn: [Link nguồn]

Hôm nay (5/3), tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke USS John Finn thực hiện chuyến đi qua eo biển Đài Loan, Hải quân Mỹ cho biết trong một thông cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Đài Loan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN