“Chờ đến Tết Công gô” - Thực hư việc người Công gô 50 năm mới được đón Tết một lần

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Nhiều người vẫn nghĩ rằng ở Cộng hòa Dân chủ Công gô, người dân phải đợi đến 50 năm mới có một cái Tết đúng nghĩa, đồng nghĩa với việc chỉ được đón Tết một lần trong đời.

Người dân CHDC Công gô ăn mừng trong một sự kiện.

Người dân CHDC Công gô ăn mừng trong một sự kiện.

Hai quốc gia chung tên

Ở Việt Nam, người ta thường nói “chờ đến Tết Công gô” để chỉ một việc gì đó rất khó khăn, rất lâu hoặc không bao giờ xảy ra. Nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc sâu xa của câu nói này.

Trên thực tế, có hai quốc gia trên thế giới có tên là Công gô: Cộng hòa Công gô và Cộng hòa Dân chủ Công gô.

Cụm "Tết Công gô" là nói đến nước Cộng hòa Dân chủ Công gô (thường viết tắt là DR Congo hoặc DRC), còn được gọi là Congo Kinshasa (theo tên thủ đô Kinshasa). Đây là quốc gia rộng lớn thứ 2 châu Phi nhưng lại nghèo đói và lạc hậu nhất nhì lục địa đen.

Trong nhiều thập kỷ, CHDC Công gô luôn nằm trong top 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Nguyên nhân xuất phát từ hơn một thế kỷ cai trị của Bỉ, khủng hoảng chính trị, xung đột và chuyển tiếp. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp, y tế, giáo dục chưa được quan tâm đầu tư dẫn đến sự trì trệ trong phát triển kinh tế.

Nước Công gô thứ hai là Cộng hòa Công gô (còn gọi là Congo Brazzaville), có thủ đô là Brazzaville, diện tích nhỏ bé hơn nhưng giàu có hơn. 

Hai thủ đô của hai nước Công gô nằm đối diện nhau qua dòng sông Công gô. Đây là kết quả của quá trình phân chia thuộc địa từ thời đế quốc: Brazzaville dưới quyền thực dân Pháp và Kinshasa dưới quyền đế quốc Bỉ.

Trung tâm thủ đô Kinshasa cách trung tâm thủ đô Brazzaville chỉ 4km qua con sông Công gô nhưng việc đi lại không dễ dàng gì bởi không có cầu, vì vậy lựa chọn phổ biến là phà. Nếu muốn lái xe giữa hai thành phố, tuyến đường nhanh nhất là sáu giờ lái xe. Ngoài ra, người dân có thể đi máy bay. Mỗi chuyến bay từ Brazzaville đến Kinshasa chỉ mất chưa tới 10 phút, được coi là chuyến bay quốc tế ngắn nhất trên thế giới.

Ở Congo Brazzaville, người dân ăn mừng năm mới rộng rãi. Hằng năm, vào ngày này, người lớn được nghỉ làm và trẻ em không phải đến trường. Các gia đình quây quần, nhảy múa và ca hát để tạm biệt năm cũ. Ngoài Tết, họ cũng đón các ngày lễ lớn khác như lễ Phục sinh và Noel.

Thực hư việc nửa thế kỷ chờ Tết

Theo một số trang tiếng Việt, Congo Kinshasa có một năm mới theo dương lịch như nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới nhưng người dân nơi đây phải chờ tới 50 năm mới được ngắm pháo hoa đón Tết một lần.

Một số ý kiến cho rằng đây là nét văn hóa đặc trưng và lâu đời của người dân nơi đây. Số khác lại cho rằng nội chiến triền miên và đói nghèo là rào cản khiến người dân nơi đây khó lòng tận hưởng một cái Tết ấm no đầy đủ, buộc họ phải kiên nhẫn “đợi đến Tết Công gô”.

Theo các nguồn thông tin trên, Công gô 50 năm mới có một cái Tết đúng nghĩa, vì vậy Tết ở đất nước này thực sự là một ngày hội lớn với không khí vô cùng vui tươi. Sau nửa thế kỷ chờ đợi, người dân Công gô háo hức trang hoàng nhà cửa và đắm chìm vào những bữa tiệc kéo dài suốt 3 tháng.

Tuy nhiên trên thực tế, chúng tôi không tìm được các tư liệu củng cố cho những thông tin trên. Cũng không có nguồn nào chỉ ra cái Tết gần nhất theo kiểu đó ở Công gô diễn ra vào năm nào.

Theo trang World Guides, biến động chính trị trong những năm gần đây khiến CHDC Công gô ít tổ chức các sự kiện, lễ hội. Tuy nhiên, một số ngày lễ quốc gia vẫn được người dân háo hức chờ đợi, trong đó có lễ mừng năm mới. Vào ngày 1/1 hằng năm, người dân CHDC Công gô thường tổ chức các bữa tiệc, lễ hội để chào đón năm mới.

Trang Time And Date cho biết trong ngày đầu năm 1/1, người dân được nghỉ, các trường học và hầu hết các doanh nghiệp đều đóng cửa. Ngày cuối năm không được coi là ngày lễ nhưng người dân vẫn tụ tập, tiệc tùng.

Trong khi đó, trang Hamari Web cũng nói rằng đêm giao thừa là một trong những sự kiện quan trọng của người Công gô. Tất cả mọi người từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt nam nữ, già trẻ, tôn giáo đều bắt đầu lên kế hoạch nhiều ngày trước sự kiện. Họ cùng nhau trang hoàng nhà cửa, làm đẹp đón Tết.

Dù vậy ở nhiều nơi, người dân do nghèo đói nên không chi nhiều tiền cho việc đón Tết với những bữa tiệc xa hoa. Việc tổ chức tiệc to hay nhỏ cũng còn tùy thuộc vào năm đó có hòa bình, yên ổn hay không.

Một video do đài France 24 của Pháp ghi lại vào ngày cuối năm 2015 ở thủ đô Kinshasa của CHDC Công gô cho thấy, trên đường phố có nhiều hoạt động chuẩn bị cho đêm giao thừa và đón chào năm mới, như các triển lãm lớn, nghệ sĩ trình diễn trên đường phố, hoạt động biểu diễn âm nhạc...

Một nhân vật được phỏng vấn trong video cho biết, tiệc mừng năm mới lần đó ở Kinshasa kéo dài từ 31/12/2015 đến ngày 5/1/2016 với không khí đón Tết rộn ràng. Đây là một trong những năm CHDC Công gô được yên bình, không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Video về các hoạt động đón năm mới 2016 ở thủ đô Kinshasa của CHDC Công gô (Nguồn: France 24)

Đất nước có nhiều điều đặc biệt

CHDC Công gô là một quốc gia có nhiều điều đặc biệt. Năm 2015, thủ đô Kinshasa - thành phố đông dân nhất lục địa châu Phi - thậm chí đã vượt qua thủ đô Paris (Pháp) để trở thành thành phố nói tiếng Pháp lớn nhất thế giới tính theo dân số.

CHDC Công gô chính thức được trao độc lập, thoát khỏi sự thống trị của Bỉ vào ngày 30/6/1960. Do tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi ở các nước xung quanh nên chính phủ mới đã bỏ phiếu chọn tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức duy nhất mặc dù đất nước này có hơn 200 dân tộc với gần 250 ngôn ngữ

Tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi ở các thành phố nhưng lại khó tìm thấy ở vùng nông thôn. Người dân nông thôn thích nói ngôn ngữ bản địa của họ. Dù vậy ngày nay, hầu hết trẻ em được giáo dục bằng tiếng Pháp thay vì ngôn ngữ mẹ đẻ.

Lái xe ở Công gô không dành cho người yếu tim. Trên thực tế, cơ hội chinh phục thành công đỉnh Everest còn cao hơn nhiều so với cơ hội lái xe thành công dọc Công gô. Lý do là bởi ở đây, chỉ 1,8% đường được trải nhựa, phần lớn là những con đường đất xuyên qua rừng rậm và hầu như không thể di chuyển được bằng các phương tiện giao thông. Phần lớn diện tích Công gô là rừng rậm dày đặc và rừng mưa nhiệt đới. Vì vậy bất kỳ con đường nào đi qua địa hình này đều sẽ trở thành những bãi lầy sâu và bùn đất.

Khủng hoảng chính trị, xung đột, nội chiến triền miên khiến cuộc sống của người dân Công gô gặp nhiều khó khăn.

Khủng hoảng chính trị, xung đột, nội chiến triền miên khiến cuộc sống của người dân Công gô gặp nhiều khó khăn.

CHDC Công gô là một trong những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhất hành tinh, với lượng vàng, tantali, vonfram và thiếc vô cùng dồi dào. Đây cũng là một trong những nhà sản xuất coban, đồng và kim cương lớn nhất thế giới. Các mỏ khoáng sản thô chưa được khai thác ở Công gô ước tính trị giá lên tới 24 nghìn tỷ USD.

Vậy tại sao CHDC Công gô lại nằm trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới? Đó là kết quả của nhiều thập kỷ đất nước chìm trong tham nhũng, bất ổn. Kể từ khi giành được độc lập từ Bỉ vào năm 1960, người Công gô đã trải qua hơn hai thập kỷ xung đột vũ trang với hơn 5,4 triệu người thiệt mạng vì các nguyên nhân liên quan đến chiến tranh. Ngoài ra, các quốc gia thuộc thế giới thứ nhất cũng đã có một khoảng thời gian dài khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước này.

Nguồn: [Link nguồn]

5 phong tục ngày Tết dần mai một ở Trung Quốc

Cúng Táo quân là một trong nhiều phong tục dịp Tết Nguyên đán đang bị mai một ở Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đàm Anh (Theo The Broad Life, Do Something) ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN