Căng thẳng Nga - Ukraine mới nhất ngày 19/2: Một quốc gia NATO tuyên bố gửi toàn bộ pháo binh tới Ukraine

Business Insider đưa tin, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã kêu gọi các quốc gia châu Âu khác làm nhiều hơn để giúp Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. "Họ đang yêu cầu chúng tôi cung cấp đạn dược, pháo binh ngay bây giờ. Từ phía Đan Mạch, chúng tôi quyết định viện trợ toàn bộ pháo binh của mình", bà nói.

“Vẫn còn đạn dược trong kho dự trữ ở châu Âu. Đây không chỉ là vấn đề về sản xuất bởi vì chúng ta có vũ khí, đạn dược, có hệ thống phòng không mà không cần phải sử dụng vào lúc này, chúng ta nên chuyển giao cho Ukraine”, Thủ tướng Frederiksen cho biết thêm.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết sẽ gửi "toàn bộ pháo binh" tới Ukraine. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết sẽ gửi "toàn bộ pháo binh" tới Ukraine. Ảnh: Getty Images

Cũng tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Séc Petr Pavel cho biết nước này hiện có khoảng nửa 500.000 quả đạn pháo 155 mm và 300.000 quả đạn pháo 122 mm trong kho dự trữ. Toàn bộ số đạn pháo này sẽ có mặt ở tiền tuyến Ukraine trong vài tuần tới "nếu tìm được nguồn tài trợ".

Thông báo của Đan Mạch và Séc được nhận định sẽ là một tin đặc biệt đáng hoan nghênh ở Ukraine vì quân đội nước này đang thiếu đạn pháo và buộc phải thu hẹp lại một số hoạt động trong thời gian gần đây.

Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi – chỉ huy nhóm tác chiến Tavriia của quân đội Ukraine trước đó thừa nhận với Reuters rằng quân đội nước này đang thiếu đạn pháo, đặc biệt là đạn loại 122 mm và 152 mm và vấn đề này tồn tại trên toàn bộ chiến tuyến.

Tờ Financial Times tuần trước đưa tin, các đơn vị tiền tuyến của Ukraine đã buộc phải sử dụng đạn pháo luân phiên vì nguồn cung của Mỹ đã ngừng trong khi Liên minh châu Âu (EU) không thể thực hiện cam kết trước đó về viện trợ đạn dược.

Các quan chức Mỹ và EU giấu tên tiết lộ với tờ báo trên rẳng Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt "nghiêm trọng" đạn pháo cỡ nòng của phương Tây. "Đó là một tình huống tuyệt vọng ở tiền tuyến đối với Ukraine, tồi tệ hơn nhiều so với những gì họ đang thể hiện", một nhà ngoại giao cấp cao của NATO nói.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các quốc gia phương Tây đã liên tục viện trợ Kiev vũ khí và đạn dược bất chấp lời cảnh báo điều này có thể làm căng thẳng giữa các bên thêm leo thang. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, các nước này bắt đầu thừa nhận rằng các kho dự trữ đã cạn kiệt.

Đầu tiên là Anh, sau đó là Pháp ngừng gửi viện trợ từ kho dự trữ cho Ukraine. Kho dự trữ đạn 155mm của Lầu Năm Góc đã cạn kiệt vào mùa hè năm ngoái, khiến Tổng thống Joe Biden phải gửi cho Ukraine một số đạn chùm.

Trong khi đó, EU đã không đạt được cam kết cung cấp 1 triệu viên đạn cho Ukraine trước tháng 3/2024 và cho đến nay chỉ cung cấp chưa đến một nửa con số này. “Sẽ không dễ để người châu Âu thay thế được Mỹ. Điều đó không hoàn toàn thực tế”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tờ The New York Times phác thảo tình hình hoạt động ở 5 hướng tấn công chính của Nga trên chiến trường Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Uyên (Business Insider) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN