Buổi tối kinh hoàng của 1.500 người khi bị khủng bố nã đạn bên trong nhà hát ở Pháp

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Mải tận hưởng buổi biểu diễn nhạc rock máu lửa, đám đông 1.500 người không thể ngờ thảm kịch sắp ập đến với họ.

Video: Nổ súng bên trong nhà hát ở Paris, nhiều người bám lan can chênh vênh ở tầng cao. Nguồn: The New York Times

Vụ tấn công khủng bố vào nhà hát  ở ngoại ô Moscow, Nga ngày 22/3/2024, báo hiệu sự trở lại nguy hiểm của tổ chức khủng bố IS sau nhiều năm im hơi lặng tiếng. Vụ tấn công khiến người ta liên tưởng đến các thảm kịch tương tự diễn ra ở châu Âu vào giai đoạn IS phát triển mạnh nhất.

Khi tới xem buổi biểu diễn của ban nhạc rock Eagles of Death Metal (Mỹ) ở thủ đô Paris vào tối 13/11/2015, Jerome Boucer và nhóm bạn tới từ vùng Brittany (Pháp) đã hòa mình vào không khí của một buổi biểu diễn tuyệt vời.

Nhóm của Boucer nhảy múa giữa đám đông 1.500 khán giả ở khu vực phía trước sân khấu bên trong nhà hát Bataclan suốt nửa giờ nên không biết về các sự việc đáng lo ngại vừa xảy ra ở thủ đô nước Pháp.

Tối hôm đó, 2 vụ nổ đã xảy ra bên ngoài sân vận động Stade de France, phía bắc Paris, do những kẻ đánh bom liều chết thực hiện. Gần đó, những kẻ khủng bố cũng nổ súng vào một số nhà hàng, quán bar, quán cà phê khiến nhiều người thiệt mạng.

Một kẻ đánh bom liều chết cũng kích nổ áo gài mìn khi bước vào một quán bar trên đại lộ Voltaire, phía đông Paris, khiến một nữ phục vụ bị thương.

Bên trong nhà hát Bataclan, nơi Boucer cùng bạn bè đang tụ tập, không ai có thể nghĩ họ sắp trở thành mục tiêu của một trong những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất thế giới.

Đám đông ở nhà hát Bataclan vài phút trước khi vụ tấn công khủng bố xảy ra. Ảnh: Vantagenews

Đám đông ở nhà hát Bataclan vài phút trước khi vụ tấn công khủng bố xảy ra. Ảnh: Vantagenews

“Tử thần” rình rập

Khoảng 21h40p tối 13/11/2015, một chiếc Volkswagen Polo màu đen có biển số Bỉ đỗ cách nhà hát Bataclan, Paris, khoảng 300 mét. Có ít nhất 3 người đàn ông bên trong xe. Một nhân chứng đứng gần đó cho biết, chiếc xe đã dừng ở đó từ 19h45p và tài xế dường như gặp khó khăn khi đỗ. 

"Người lái xe dường như chưa thạo lắm. Anh ta phải thử 6-7 lần mới cho được xe vào chỗ đỗ", nhân chứng kể lại với phóng viên của Europe 1. Sau đó, nhân chứng này còn tới và nói rằng 3 người đã đỗ xe không đúng chỗ. Nhưng những gì nhân chứng nhận được chỉ là cái nhìn lạnh lùng từ 3 người trong xe.

"Nhóm này mặc áo khoác, trông như thể ai cũng bị béo phì. Ánh mắt thì đờ đẫn, như vừa mới dùng ma túy vậy. Trông họ chẳng khác gì xác sống", nhân chứng kể lại.

Theo Guardian, 3 người trong xe là những kẻ khủng bố gồm Samy Amimour (cựu tài xế xe bus 28 tuổi, sống ở thị trấn Drancy, ngoại ô Paris), Omar Ismaïl Mostefai (29 tuổi, lớn lên ở thị trấn Courcouronnes, phía nam Paris, từng có tiền án) và một kẻ khác chưa rõ danh tính.

Amimour đã tới Syria năm 2014 và đi theo tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Gia đình cố gắng thuyết phục Amimour rời khỏi IS nhưng bất thành. Dù có lệnh truy nã quốc tế, Amimour vẫn thành công trở về Pháp năm 2015 mà không bị phát hiện.

Còn Mostefai cũng nằm trong hồ sơ cảnh sát vì có hành vi cực đoan và được cho là từng ở Syria.

Nhân chứng trên cho biết đã thấy chiếc ô tô đỗ gần nhà hát Bataclan hơn một tiếng, trước khi rời khỏi đó vào khoảng 21h30 và quay trở lại sau đó 10 phút. Có lúc, một xe tuần tra của cảnh sát chạy qua chỗ chiếc ô tô nhưng không phát hiện điều bất thường. Khi biết tin về vụ đánh bom liều chết ở sân vận động Stade de France, nhân chứng này đã cố gắng gọi báo cảnh sát "khoảng 80 lần". Nhân viên trực điện thoại phản hồi rằng cảnh sát sẽ gọi lại sau. Nhưng nhân chứng cho biết, họ không làm như vậy.

Lúc 21h42p, một tên ngồi trong chiếc Volkswagen Polo nhắn tin cho một số điện thoại không xác định với nội dung: "Chúng tôi đã rời đi và bắt đầu hành sự". Sau vụ khủng bố ở nhà hát Bataclan, chiếc điện thoại được tìm thấy trong một thùng rác bên ngoài nhà hát. 

Dữ liệu điện thoại dẫn cảnh sát tới một phòng khách sạn ở thị trấn Alfortville, phía nam Paris, nơi 3 tên khủng bố thuê phòng cho cả tuần đó. Trong phòng, cảnh sát phát hiện ống tiêm, thiết bị y tế.

Cảnh tượng như chiến trường

Hiện trường bên trong nhà hát Bataclan sau vụ tấn công khủng bố. Ảnh: Mirror

Hiện trường bên trong nhà hát Bataclan sau vụ tấn công khủng bố. Ảnh: Mirror

Khi ban nhạc Mỹ đang biểu diễn vào khoảng 21h50p, 3 tên khủng bố bước ra khỏi chiếc Volkswagen Polo, mang theo súng AK tiến về phía nhà hát Bataclan. Những kẻ này hạ một người gác cửa và những người đang hút thuốc bên ngoài nhà hát. Sau đó, 3 tên khủng bố xông vào bên trong nhà hát Bataclan rồi nã đạn điên cuồng vào đám đông.

Theo các nhân chứng, các nạn nhân đầu tiên là những người đứng gần quầy bar của nhà hát Bataclan. Những phút đầu tiên của vụ xả súng, không ai trong nhà hát biết chuyện gì đang xảy ra.

Boucer, khán giả đứng gần sân khấu, nghe thấy những tiếng "bụp, bụp, bụp" và cho rằng đó là tiếng pháo nổ, phục vụ buổi biểu diễn. Những khán giả khác phân vân, liệu đó có phải hiệu ứng đặc biệt, tiếng loa hay tiếng ồn từ bữa tiệc sinh nhật ở quầy bar. Một lát sau, khi ban nhạc ngừng chơi và chạy khỏi sân khấu. Khán giả mới biết đó là một vụ tấn công khủng bố.

Trong vài phút, phòng biểu diễn của nhà hát Bataclan chìm vào bóng tối, chỉ có ánh sáng lóe lên từ các khẩu súng khi 3 tên khủng bố không ngừng nã đạn.

Khi đèn bật sáng, các nhân chứng cho biết "đám đông gục xuống như một trận gió lớn quật ngã cánh đồng lúa mì". 

Những người sống sót cho biết, mặt của họ bê bết máu khi những người bên cạnh bị trúng đạn vào đầu và gục xuống. Vụ nổ súng tiếp tục trong 10 phút trước khi 3 tên khủng bố nạp đạn rồi tiếp tục bắn vào đầu và ngực của những khán giả.

"Đó là một cuộc tàn sát", Marc Coupris, một khán giả, chia sẻ. "Cảnh tượng như ở chiến trường. Máu và thi thể ở khắp nơi".

Một số nhân chứng cho biết, vụ nổ súng diễn ra gần như không ngừng nghỉ, đạn văng loạn xạ. Một bác sĩ quân y điều trị cho các nạn nhân sau vụ việc mô tả các nạn nhân bị thương giống như "đang ở giữa trận chiến mà không có áo chống đạn".

"Những kẻ khủng bố chỉ đứng và bắn ngẫu nhiên vào đám đông. Cảnh tượng thật đáng sợ. Nhiều người la hét, hoảng loạn và máu vương khắp nơi. Mọi người nằm rạp xuống đất để tránh đạn nhưng sau đó những kẻ khủng bố bắn cả những người nằm trên mặt đất. Đó là lúc tôi nghĩ phải chạy ra ngoài", Frédéric Nowak, người tới xem buổi biểu diễn cùng 2 người thân, chia sẻ.

Ba kẻ xả súng hét lên rằng chúng tấn công khủng bố ở Pháp là vì Syria và Iraq, đặc biệt là để phản đối cuộc không kích của Pháp trước đó vào Syria. Những kẻ này nói rằng "sẽ khiến cho người Pháp hiểu" những gì mà phụ nữ và trẻ em ở Syria phải trải qua khi bị không kích.

Khi 3 kẻ khủng bố nạp đạn, nhiều người nghĩ rằng đó là cơ hội để họ chạy thoát ra ngoài. Ban nhạc Mỹ nằm trong số những người nhanh chóng chạy thoát ở lối ra phía sau sân khấu ngay khi vụ xả súng xảy ra. Một nhóm người chạy vào bên trong một phòng nhỏ và ở đó trong suốt 1,5 tiếng.

Một số người cố chạy vào phòng thay đồ, dùng tủ lạnh, ghế bành và bàn để chặn cửa. Nhiều người trốn vào khu vệ sinh, đập vỡ phần trần giả, trèo lên trốn ở phía trên trần nhà và chờ đợi. Họ nghe thấy tiếng súng và cầu nguyện những kẻ khủng bố không tìm thấy họ. "Tình cảnh đó như bạn đang phải chui rúc trong hang chuột vậy", một người mô tả.

Trên các đường phố xung quanh nhà hát Bataclan, nhiều người bị thương túa ra từ bên trong nhà hát. Một số tìm nơi trú ẩn ở các quán bar, nhà hàng gần đó. 

Ở bên trong nhà hát, 2 tay súng đi lên ban công và xả súng, tên còn lại ở tầng dưới bắn vào những người cố gắng chạy ra ngoài.

Giả chết vẫn không thoát

Những người không thể chạy thoát ra khỏi nhà hát không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nằm im giả chết giữa các thi thể. Nhiều nhân chứng cho biết, 3 tay súng không nhằm vào những người bỏ chạy mà đi tìm những người còn sống sót và kết liễu họ. Những kẻ này đi vòng quay rồi đá vào người nằm trên mặt đất. Nếu thấy người đó còn thở hoặc cử động, 3 tay súng sẽ bắn chết họ.

Nicolas Stanzick, một nhà văn bị mắc kẹt trong nhà hát, cùng với vợ phải nằm giả chết suốt 1,5 tiếng gần một rào chắn gần sân khấu. Ông Stanzick mô tả, xung quanh là một "hội trường đầy cảnh đau đớn". "Tôi không dám tới giúp những người bị thương vì sợ sẽ thu hút sự chú ý của những kẻ khủng bố", ông Stanzick kể lại sau vụ việc.

Cảnh sát đã có mặt bên ngoài và phong tỏa khu vực vào khoảng 22h15p. Sĩ quan đầu tiên đột nhập vào bên trong nhà hát và bắt gặp một tay súng ở tầng dưới. Sĩ quan này bắn trúng đai bom tự sát của tay súng, khiến tên này chết tại chỗ. Viên sĩ quan sau đó phải rút lui ra ngoài, chờ quân hỗ trợ.

Sau 22h15p, hai tay súng ở tầng trên bắt giữ 20 con tin. Một con tin nói với đài truyền hình France 2 TV rằng các con tin bị bắt đứng ở nhiều điểm khác nhau, nhìn xuống phía tầng dưới và báo cho 2 kẻ khủng bố những gì họ thấy. Một số con tin bị ép đứng bên cửa sổ để cảnh báo cho 2 tay súng nếu thấy cảnh sát hoặc tay bắn tỉa. Nếu không làm theo, họ bị dọa bắn vào đầu hoặc bị ném khỏi cửa sổ.

Một số người liều mạng bám ở gờ tường của nhà hát. Ảnh: Telegraph

Một số người liều mạng bám ở gờ tường của nhà hát. Ảnh: Telegraph

Hơn 1 tiếng sau, đội biệt kích tinh nhuệ của cảnh sát Pháp tiến vào bên trong nhà hát để sơ tán người sống sót ở tầng dưới.

"Chúng tôi như đi vào địa ngục trần gian vậy", Jeremy, đội trưởng đội biệt kích, nói. "Một sự im lặng đáng sợ".

Một đơn vị sau đó di chuyển lên tầng trên, nơi 2 tay súng ẩn náu trong một căn phòng ở cuối hành lang. Sau cánh cửa, 20 con tin được bố trí như lá chắn sống.

"Có khoảng 20 con tin. Chúng tôi không thể nổ súng vào thời điểm đó vì như vậy quá nguy hiểm cho các con tin", Jeremy nói thêm.

Những kẻ khủng bố yêu cầu cảnh sát liên lạc thông qua số điện thoại của con tin. Trong 50 phút tiếp theo, có 4 cuộc nói chuyện qua điện thoại. Hai kẻ khủng bố yêu cầu cảnh sát rời đi. Việc đàm phán đổ bể.

Đột kích thần tốc, phát hiện bất ngờ

Đội biệt kích của cảnh sát Pháp. Ảnh: AFP

Đội biệt kích của cảnh sát Pháp. Ảnh: AFP

0h20p ngày 14/11/2015, đội biệt kích quyết định tấn công. Họ phá cửa, dùng khiên chắn để tránh loạt đạn của 2 kẻ khủng bố. Các con tin nằm rạp xuống đất và lần lượt được kéo ra từng người một phía sau lớp khiên chống đạn của đội biệt kích.

"Khi không còn đường thoát. Một tên kích nổ đai tự sát. Tên còn lại làm tương tự nhưng đã bị bắn chết trước khi kịp kích nổ", Jeremy nói. Theo Guardian, cuộc đột kích diễn ra trong 3 phút.

Sau đó, lực lượng cảnh sát vào bên trong nhà hát tìm kiếm người sống sót. "Đó là cảnh tượng khủng khiếp, như một tấm thảm thi thể người", một sĩ quan nói với báo chí địa phương. Cảnh sát phát hiện một người còn sống và yêu cầu người này giơ tay. "Thật bất ngờ, có rất nhiều cánh tay khác giơ lên ở khu vực có nhiều thi thể. Chúng tôi phát hiện có rất nhiều người còn sống", viên sĩ quan nói.

Những người sống sót được đưa ra khỏi nhà hát. Các bệnh viện trên toàn thành phố được huy động để tiếp nhận người bị thương. Vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan kéo dài 2,5 tiếng, khiến 90 người chết và hàng chục người khác bị thương. Ba kẻ khủng bố bị cảnh sát tiêu diệt hoặc tự sát.

Vụ khủng bố liên hoàn ở Paris năm 2015, bao gồm cả vụ tấn công nhà hát Bataclan, khiến 130 người thiệt mạng và gần 500 người khác bị thương. Vụ khủng bố diễn ra vào thời điểm IS phát triển mạnh nhất. Theo tổ chức tư vấn Wilson Center (Mỹ), ở thời điểm đó, IS kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria và khoảng 40% lãnh thổ Iraq.

Năm 2015, IS mở rộng mạng lưới hoạt động khủng bố ở ít nhất 8 quốc gia khác. Các nhánh nhỏ và những tín đồ ủng hộ cực đoan của IS đã thực hiện nhiều vụ khủng bố vượt ra ngoài lãnh thổ của tổ chức khủng bố này.

Tháng 10/2015, nhóm IS hoạt động ở Ai Cập đã đánh bom một máy bay của Nga, khiến 224 người thiệt mạng. Một tháng sau là vụ tấn công liên hoàn ở thủ đô Paris của Pháp. Tháng 6/2016, một tín đồ của IS đã gây ra vụ xả súng khiến gần 50 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương tại một hộp đêm ở thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ.

Kết cục của những kẻ khủng bố

Ngày 18/11/2015: Abdelhamid Abaaoud, kẻ cầm đầu nhóm khủng bố thực hiện vụ tấn công liên hoàn ở Paris, bị cảnh sát Pháp tiêu diệt trong một cuộc đột kích.

Ngày 8/9/2021: 20 bị cáo, bao gồm cả Salah Abdeslam (kẻ duy nhất tham gia vụ khủng bố còn sống sót), bị đưa ra xét xử. Phiên tòa kéo dài 9 tháng, với gần 1.800 nguyên đơn và hơn 300 luật sư tham gia.

Ngày 29/6/2022: Tòa án ở Pháp ra phán quyết.

- Abdeslam bị buộc tội thực hiện vụ tấn công liên hoàn và bị kết án tù chung thân không ân xá. Đây là mức án nặng nhất theo luật Pháp, chỉ được tuyên bốn lần ở Pháp đối với các tội liên quan đến hiếp dâm và giết hại trẻ vị thành niên.

- Trong số 19 bị cáo còn lại, 18 người bị kết tội liên quan đến khủng bố và một người bị kết án với tội danh nhẹ hơn. Các bị cáo này phải nhận hình phạt từ án treo cho đến tù chung thân.

-----------------------------

Ngày 18/3/2016, Salah Abdeslam - nghi phạm duy nhất còn sống sót sau khi tham gia trực tiếp vào vụ tấn công liên hoàn ở Paris năm 2015 -  bị cảnh sát Bỉ bắt giữ. Chiến công này phần nào khiến người Bỉ bớt ám ảnh về IS, nhưng chưa được bao lâu, cơn ác mộng ập đến với nước Bỉ. Mời độc giả đón đọc bài kỳ tới, đăng lúc 10h ngày 5/4/2024, để cùng nhìn lại ngày thiệt hại đau thương nhất ở Bỉ kể từ Thế chiến II.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Khi người dân và du khách đổ xô ra đường ở thành phố Nice xinh đẹp để tận hưởng lễ kỷ niệm quốc khánh Pháp, một kẻ máu lạnh tàn ác đã chuẩn bị sẵn một phương tiện khủng bố kinh khủng, gây ra thảm kịch đẫm máu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN