Bộ lạc "khắc tinh" của rắn độc, cứu mạng nhiều người bằng cách nào?

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Mất chưa đầy 20 phút tìm kiếm, một thợ bắt rắn của bộ lạc Irula, có thể phát hiện ra con rắn độc giấu mình dưới lớp ngụy trang khiến nó gần như “tàng hình” ở gần đồng cỏ.

Masi và Vadivel, thành viên bộ lạc Irula, Ấn Độ, tới Mỹ giúp săn loài trăn Miến Điện. Ảnh: TOI

Masi và Vadivel, thành viên bộ lạc Irula, Ấn Độ, tới Mỹ giúp săn loài trăn Miến Điện. Ảnh: TOI

Masi và Vadivel là những người mới tới vùng đầm lầy cận nhiệt đới ở vườn quốc gia Everglades, bang Florida, Mỹ. Đi bộ trên vùng đất nóng ẩm, họ chăm chú nhìn xuống đất, tìm kiếm dấu vết nhỏ.

Khi thấy những vết mờ nhạt trên cỏ của một loài bò sát, 2 người đàn ông đã so sánh chiều ngang của loài bò sát để lại với vết mờ của vảy bụng và nhận ra lớp vảy quá dài, không thể nào là một con trăn Miến Điện. 

Cả hai là thành viên bộ lạc Irula - một trong những cộng đồng bản địa lâu đời nhất ở Ấn Độ, sống dọc biên giới bang Tamil Nadu và bang Kerala. Họ tới Florida Mỹ để hỗ trợ việc bắt loài xâm lấn trăn Miến Điện. 

Nhà bò sát học Romulus Whitaker, người có 50 năm làm việc với người Irula, cho biết: "Họ là bộ lạc bắt rắn giỏi nhất thế giới". 

Theo BBC, trong phần lớn thế kỷ 20, hàng chục nghìn người Irula làm nghề bắt rắn. Vì tôn kính nữ thần Kanniamma (có liên hệ mật thiết với rắn hổ mang) nên người Irula không ăn thịt rắn. Họ bán chúng cho những người mua da rắn. 

"Chỉ những người gan dạ mới làm công việc bắt rắn", Susila, một phụ nữ Irula sống ở bang Tamil Nadu, nói. Theo truyền thống, trẻ em Irula đi cùng cha mẹ vào rừng và lĩnh hội lượng lớn kiến thức về thực vật, động vật, thảo dược và các loài rắn. 

Người Irula nổi tiếng với kỹ năng bắt rắn độc. Ảnh: TOI

Người Irula nổi tiếng với kỹ năng bắt rắn độc. Ảnh: TOI

Tuy nhiên, một bước ngoặt lớn xảy ra với người Irula vào năm 1972. Chính quyền Ấn Độ thông qua Đạo luật Bảo vệ Động vật hoang dã, trong đó có việc cấm săn bắt các loài rắn độc. Người Irula từ đó rơi vào cảnh thất nghiệp. 

Nhà bò sát học Romulus Whitaker nhận thức được vấn đề mà người Irula phải đối mặt, đồng thời hiểu rõ kỹ năng bắt rắn khiến bộ lạc này trở thành khắc tinh của các loài rắn độc. 

Ông Whitaker quyết định thành lập một nhóm lấy tên là Tổ hợp Thợ bắt rắn Irula, ở ngoại ô thành phố Chennai, bang Tamil Nadu, năm 1978.

Tổ hợp Thợ bắt rắn Irula đã mở ra cuộc cách mạng trong việc điều trị rắn cắn ở Ấn Độ, giúp sản xuất đủ huyết thanh để cung cấp cho các bệnh viện trên khắp cả nước.

Theo trang The Better India, thế giới có khoảng 30.000 - 40.000 người chết hằng năm vì rắn cắn, trong số này có khoảng 10.000 người ở Ấn Độ. Huyết thanh được xem là phương pháp chữa rắn cắn hiệu quả nhất. Vì vậy, điều quan trọng là cần đảm bảo bắt được số lượng lớn rắn để lấy nọc độc. Sau khi có nọc độc, người điều chế sẽ tiêm một lượng nọc vừa đủ (không gây chết) vào ngựa. Cơ thể ngựa sau đó sản sinh ra các kháng nguyên. Các kháng nguyên này được lấy để tạo ra huyết thanh kháng nọc độc rắn. 

Tuy nhiên, việc bắt rắn độc và xử lý chúng không phải chuyện đơn giản. Người Irula lùng bắt rắn chủ yếu dựa vào dấu vết mà con rắn để lại như phân, da rắn...

Khi tìm thấy hang rắn, họ dùng xà beng đào lên rồi dùng các kỹ năng, kinh nghiệm để bắt rắn cho vào bao. Trong một ngày đi săn suôn sẻ, họ có thể bắt được ít nhất 3 con rắn trưởng thành khỏe mạnh. 

Sau khi bắt được lũ rắn, người Irula phải chăm sóc chúng cẩn thận. Lũ rắn chỉ có thể sống được vài tuần kể từ khi bị bắt. Đó là lí do chúng được giữ lại khoảng vài tuần để lấy nọc độc rồi được thả trở lại những khu rừng xung quanh vùng đất canh tác của người Irula. 

"Chúng tôi thường giữ mỗi con rắn độc khoảng 21 ngày và lấy nọc độc 4 lần/con trong khoảng thời gian đó. Rắn sẽ được thả về môi trường tự nhiên. Chúng tôi sẽ đánh dấu một vết nhỏ trên bụng để tránh việc một con rắn bị bắt quá nhiều lần. Dấu vết đó sẽ mờ dần sau vài lần lột xác", Rajendran, một thợ săn rắn Irula làm việc tại Tổ hợp Thợ bắt rắn Irula, chia sẻ với BBC News. 

"Nhiều người sợ rắn. Nhưng các bạn nên nhớ rằng rắn chỉ quan tâm đến sự sống còn của nó. Nếu chúng ta di chuyển trong trạng thái kích động, con rắn sẽ nhận thấy bị đe dọa và tấn công. Nếu chúng ta đứng yên, lũ rắn sẽ trườn đi chỗ khác", Rajendran chia sẻ thêm về đặc tính của loài rắn. 

Các khảo sát cho thấy, tỷ lệ sống sót của những con rắn sau khi được thả là rất cao. Năm 1991, các nhà khoa học thực hiện một nghiên cứu kiểm chứng khả năng sống sót của lũ rắn sau khi được lấy nọc độc. Số rắn được đánh dấu bằng sơn huỳnh quang trước khi được thả. Việc này giúp các nhà khoa học giám sát chúng dễ hơn. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có 1 con rắn độc chết sau khi được thả. Những con còn lại tìm nơi ẩn náu trong rừng hoặc dời sang khu vực khác. 

Một thợ bắt rắn tại Tổ hợp Thợ bắt rắn Irula lấy nọc độc của rắn hổ mang. Ảnh: Daily Mail

Một thợ bắt rắn tại Tổ hợp Thợ bắt rắn Irula lấy nọc độc của rắn hổ mang. Ảnh: Daily Mail

Trong nhiều năm làm việc cho Tổ hợp Thợ bắt rắn Irula, người Irula đã học cách kiểm soát tổ hợp và đảm nhận toàn bộ công việc, từ những việc đòi hỏi kỹ năng và nguy hiểm như bắt rắn, lấy nọc độc cho đến vận hành máy làm lạnh hiện đại để bảo quản nọc rắn. 

Kali và Vedan, 2 thợ bắt rắn người Irula, chỉ cần một chiếc xà beng và một cái bao nhỏ để có thể bắt đầu quá trình đi săn các loài rắn độc nhất ở các cánh đồng miền nam Ấn Độ. 

Kỹ năng của 2 thợ bắt rắn này là do người đi trước truyền lại. Sau gần 20 phút tìm kiếm trên cánh đồng lúa cách đường cao tốc chưa đầy 1 km, Kali đã phát hiện một con rắn nhỏ ẩn nấp dưới lớp vỏ cây của một hàng rào. Các mảng nâu của da rắn hòa với màu gỗ khiến con rắn gần như "tàng hình". 

Mất vài phút, Vedan, thợ săn đi cùng Kali, khéo léo khuất phục được con rắn và nhét nó vào bao rồi buộc chặt. 

"Đây là con rắn thuộc họ rắn lục, một trong những loài rắn có nọc độc đáng sợ nhất. Vào mùa đông, loài này trốn trong các vỏ cây. Nếu muốn tìm chúng, chúng tôi sẽ đi lật những vỏ cây", Kali nói với Daily Mail. 

Trở về trụ sở của Tổ hợp Thợ bắt rắn Irula, Kali và Vedan bỏ lũ rắn độc vừa bắt được vào vại sành để chuẩn bị lấy nọc độc. 

Thợ bắt rắn sẽ lấy con rắn khỏi vại sành, nắm chặt phần đầu rồi ép miệng rắn vào dụng cụ hứng nọc đặc biệt (lọ thủy tinh nhỏ bọc da mỏng bên trên).

Khi con rắn há miệng và cắm phần răng nanh vào lớp da, nọc độc sẽ phun vào lọ thủy tinh bên dưới. 

"Thông thường, con rắn phải cắn mới tiết nọc độc", một thợ bắt rắn Irula chia sẻ. "Chúng tôi không được giáo dục nhiều nên không có khả năng với các công việc khác. Việc bắt rắn rất quan trọng và thiêng liêng với người Irula". 

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Nguồn: [Link nguồn]

Cầm khiên và giáo vào đồng cỏ, ép sư tử chiến đấu rồi đoạt mạng

Trước khi đi săn, các chiến binh đôi khi phải đối đầu với chính đồng đội để tranh giành vinh dự đi săn "vua đồng cỏ". 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Nhã Du (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Những bộ lạc săn lùng các loài thú dữ, rắn độc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN