Bị đồn tiếp tay cho quân đội đảo chính ở Myanmar, TQ nói sao?

Trong bối cảnh Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tránh leo thang căng thẳng ở Myanmar, nhiều đồn đoán cho rằng nước này đang “tiếp tay” cho quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, Reuters đưa tin.

Xe bọc thép chạy trên đường phố Myanmar sau vụ đảo chính (ảnh: Reuters)

Xe bọc thép chạy trên đường phố Myanmar sau vụ đảo chính (ảnh: Reuters)

Trung Quốc hôm 3.2 phủ nhận cáo buộc cho rằng nước này “ủng hộ hoặc ngầm tiếp tay” cho vụ đảo chính quân sự ở Myanmar.

“Những đồn đoán như vậy là không đúng. Trung Quốc là nước láng giềng thân thiện của Myanmar. Chúng tôi luôn mong muốn các bên ở Myanmar giải quyết bất đồng bằng biện pháp phù hợp, duy trì trật tự, ổn định xã hội”, Vương Văn Bân – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – phát biểu.

Trước đó, Reuters dẫn nguồn tin cho rằng, Trung Quốc yêu cầu thêm thời gian để thảo luận vấn đề Myanmar, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể ra tuyên bố chung về cuộc đảo chính mặc dù đã triệu tập họp khẩn.

Tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm tới Myanmar. Ông Vương gặp Thống tướng Min Aung Hlaing – người đang giữ quyền lực tối cao tại Myanmar sau vụ đảo chính.

Theo nguồn tin của Reuters, Thống tướng Aung Hlaing đã thảo luận với Ngoại trưởng Vương Nghị về những lo ngại “gian lận bầu cử”. Tuy nhiên, ông Vương không có phản ứng.

Tướng Min Aung Hlaing cho rằng, vụ đảo chính là “phù hợp với luật pháp” khi chính quyền dân sự không trả lời quân đội về cáo buộc gian lận bầu cử.

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Anh soạn sẵn dự thảo, kêu gọi quốc tế khôi phục lại chính quyền dân sự ở Myanmar. Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung không được Trung Quốc thông qua nên chưa thể công bố.

Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ hôm 3.2 cùng ra tuyên bố chung, kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho những lãnh đạo bị bắt giữ.

Hôm 3.2, quân đội Myanmar tuyên bố thành lập Hội đồng Hành chính Quốc gia – cơ quan tạm thời thay thế chính phủ cũ.

Thống tướng Aung Hlaing giữ chức Chủ tịch của Hội đồng mới. Hội đồng Hành chính Quốc gia Myanmar gồm 11 quan chức, hầu hết thuộc quân đội nước này.

Điều 419 Hiến pháp Myanmar quy định, Tổng Tư lệnh quân đội nắm quyền tối cao trong việc lập pháp, hành pháp và tư pháp, sau khi được chuyển giao quyền kiểm soát đất nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Đảo chính ở Myanmar: Vì sao quân đội giấu kín tình trạng của bà Suu Kyi?

Không đưa ra bất cứ lý do nào, quân đội Myanmar vẫn tiếp tục giam giữ nữ lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Thông tin chính thức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Reuters ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN