Myanmar: 6 nhân vật nắm quyền cao nhất sau vụ chính biến

Hôm 2.2, quân đội Myanmar được cho là đã thả hàng loạt quan chức cao cấp sau vụ chính biến. Tuy nhiên, hơn 400 nghị sĩ Quốc hội Myanmar vẫn đang bị quản chế trong nhà khách công vụ.

Thống tướng Min Aung Hlaing và bà Aung San Suu Kyi (ảnh: The Guardian)

Thống tướng Min Aung Hlaing và bà Aung San Suu Kyi (ảnh: The Guardian)

Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức quân đội cao cấp của Myanmar cho biết, nhiều quan chức cao cấp, thủ hiến các bang nước này đã được trả tự do.

Myint Naing – thủ hiến vùng Sagaing, Myanmar – cho biết, ông được đối đãi “tương đối thoải mái” khi bị quân đội giữ trong nhà công vụ.

“Tôi thực sự lo lắng cho tương lai của đất nước. Chúng tôi đã cố gắng và hy vọng sẽ làm được những điều tốt đẹp nhất, nhưng tình trạng này thực sự tồi tệ”, ông Myint Naing nói.

Sau cuộc chính biến, 24 bộ trưởng thuộc chính quyền cũ của bà Aung San Suu Kyi đã bị quân đội cách chức, thay thế bằng bộ máy mới. Sau đây là những nhân vật đang nắm thực quyền ở Myanmar.

1. Thống tướng Min Aung Hlaing

Ông Min Aung Hlaing, 64, tuổi – Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar – hiện là người nắm quyền kiểm soát tối cao của đất nước. Khoảng một thập kỷ trở lại đây, ông Aung Hlaing là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với quân đội Myanmar.

Học luật trước khi nhập ngũ vào năm 1970, ông Aung Hlaing thăng tiến chậm nhưng chắc trong quân đội. Năm 2011, ông nhậm chức Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar và có cơ hội trở thành Tổng thống.

Tuy nhiên, chiến thắng vang dội của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo vào năm 2015 đã thay đổi tất cả.

Năm 2019, Mỹ cáo buộc ông Aung Hlaing có hành vi “thanh trừng sắc tộc” với những người không theo đạo Phật ở Myanmar. Thống tướng Aung Hlaing bị Mỹ trừng phạt cùng nhiều tướng lĩnh cấp cao khác.

Theo giới quan sát, mối quan hệ giữa Thống tướng Aung Hlaing và bà Suu Kyi không hề tốt đẹp. Một năm trở lại đây, hai người chưa về có cuộc gặp mặt và nói chuyện nào.

Căng thẳng giữa tướng Aung Hlaing và bà Suu Kyi gia tăng sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 năm ngoái. Đảng NLD của bà Suu Kyi tiếp tục giành chiến thắng vang dội. Bà Suu Kyi cũng rất nổi tiếng ở Myanmar và được người dân yêu quý.

Trước cuộc bầu cử, tướng Aung Hlaing hợp tác với đảng Đoàn kết và Phát triển với hy vọng đảng này sẽ giành đa số ghế Quốc hội và giúp ông trở thành Tổng thống.

Nếu không lấn sân sang chính trị, tháng 7 năm nay, Thống tướng Aung Hlaing sẽ phải nghỉ hưu.

Quyền Tổng thống Myanmar – ông Myint Swe (ảnh: The Guardian)

Quyền Tổng thống Myanmar – ông Myint Swe (ảnh: The Guardian)

2. Quyền Tống thống Myanmar Myint Swe

Hôm 1.2, phó Tổng thống Myanmar Myint Swe trở thành quyền Tổng thống, thay thế chức vụ của ông Win Myint.

Quyền Tổng thống Myint Swe cho rằng vụ chính biến của quân đội là “phù hợp với hiến pháp” và ông “hoàn toàn ủng hộ”.

Vị trí Phó Tổng thống của ông Myint Swe là do các nghị sĩ quân đội trong Quốc hội Myanmar đề cử. Xuất thân của ông Myint Swe là sĩ quan quân đội.

Ngay sau khi nhậm chức quyền Tổng thống, ông Myint Swe, 69 tuổi, đã tuyên bố trao quyền kiểm soát đất nước cho Thống tướng Aung Hlaing.

Mặc dù không nổi tiếng trên trường quốc tế, nhưng ở Myanmar, ông Myint Swe được cho là có ảnh hưởng lớn trong quân đội và giới chính trị gia. Ông là cựu Thị trưởng của Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.

Trong cuộc biểu tình lớn năm 2007 do các nhà sư lãnh đạo, ông Myint Swe lập lại trật tự ở Yangon chỉ sau vài tuần.

Bộ trưởng Nội vụ Myanmar - Trung tướng Soe Htut (ảnh: The Guardian)

Bộ trưởng Nội vụ Myanmar - Trung tướng Soe Htut (ảnh: The Guardian)

3. Bộ trưởng Nội vụ Myanmar: Trung tướng Soe Htut

Tướng Soe Htut, 60 tuổi, là sĩ quan cao cấp thuộc quân đội Myanmar và là người lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự nước này trước khi trở thành Bộ trưởng Nội vụ. Ông Soe Htut được cho là có mối quan hệ rất tốt với Thống tướng Aung Hlaing.

Ông Soe Htut từng bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt với cáo buộc “vi phạm nhân quyền”.

Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar - ông Mya Tun Oo (ảnh: The Guardian)

Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar - ông Mya Tun Oo (ảnh: The Guardian)

4. Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar: Mya Tun Oo

Ông Mya Tun Oo, 59 tuổi, gia nhập quân đội Myanmar năm 1980 và thăng tiến cực kỳ nhanh chóng. Năm 2016, ông đã trở thành Tổng Tham mưu trưởng lục quân, hải quân và không quân Myanmar.

Trước khi vụ chính biến xảy ra, ông Mya Tun Oo được coi là người sẽ thay thế vị trí Tổng Tư lệnh của tướng Aung Hlaing. Quan hệ giữa ông Mya Tun Oo và Thống tướng Aung Hlaing được cho là rất tốt.

5. Bộ trưởng ngoại giao Myanmar: U Wunna Maung Lwin

Ông U Wunna Maung Lwin, 68 tuổi, được quân đội Myanmar bổ nhiệm làm Ngoại trưởng hôm 1.2.

Ông Maung Lwin là người gắn bó và trung thành với quân đội. Ông phục vụ hơn 30 năm trong quân đội và nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Cha của ông là một sĩ quan cao cấp của quân đội Myanmar.

Ông Maung Lwin từng là Ngoại trưởng Myanmar nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Hầu hết nhân vật quyền lực nhất Myanmar hiện tại đều xuất thân từ quân đội (ảnh: The Guardian)

Hầu hết nhân vật quyền lực nhất Myanmar hiện tại đều xuất thân từ quân đội (ảnh: The Guardian)

6. Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Myanmar: U Win Shein

Ông U Win Shein từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Myanmar từ năm 2011 – 2012. Năm 2012, ông Win Shein giữ chức Bộ trưởng Tài chính.

Từ năm 2013 – 2014, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Myanmar. Gia đình ông Win Shein có truyền thống làm lãnh đạo ở Myanmar. Cha của ông từng là thành viên của Ban chấp hành Trung ương đảng Xã hội Chủ nghĩa Myanmar.

Nguồn: [Link nguồn]

Myanmar: Dòng chữ viết tay trên mảnh giấy nhàu của bà Suu Kyi tiết lộ gì về vụ chính biến?

Sau khi lãnh đạo Myanmar – bà Aung San Suu Kyi bị bắt giữ trong vụ chính biến ngày 1.2 – đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – The Guardian ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN