Báo Mỹ: EU gặp khó trong nỗ lực áp đặt lệnh cấm khí đốt Nga qua đường ống

Liên minh châu Âu (EU) khó có khả năng đưa lệnh cấm nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống vào gói trừng phạt thứ 11, cho dù vấn đề này được đem ra thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, các nguồn tin ngoại giao châu Âu tiết lộ trên tờ Politico.

Các nước G7 như Italia và Đức vẫn có đường ống khí đốt kết nối trực tiếp với Nga.

Các nước G7 như Italia và Đức vẫn có đường ống khí đốt kết nối trực tiếp với Nga.

Theo bản dự thảo mà tờ Financial Times của Anh thu thập được, một số quốc gia trong nhóm G7 có kế hoạch thúc đẩy EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống, kể cả khi Moscow khôi phục hoạt động của các đường ống.

Nhưng nỗ lực đó cần có sự thông qua của các nước thành viên G7 như Italia và Đức, quốc gia có tuyến đường ống khí đốt kết nối trực tiếp với Nga. Dù lượng khí đốt Nga vận chuyển qua đường ống giảm gần như về 0, giới chức EU và các nhà phân tích nói các quốc gia châu Âu vẫn chưa thể đạt được một sự đồng thuận về lệnh cấm.

"Theo tôi được biết, lệnh cấm này khó có khả năng được thông qua", một nhà ngoại giao EU giấu tên nói trên tờ Politico. 

"Các nước EU phụ thuộc vào khí đốt phản ứng rất mạnh", nhà ngoại giao giấu tên cho biết thêm. "Gói trừng phạt thứ 11 đã gần như được soạn xong nhưng bổ sung thêm lệnh cấm này ở thời điểm hiện tại là không khả thi".

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của EU. Tỉ lệ này đã giảm còn 8%, theo số liệu thống kê mới nhất.

Tuyến đường ống khí đốt Nord Stream tới Đức và tuyến đường ống khí đốt Yamal đi qua Ba Lan gần như đã dừng hoạt động hoàn toàn. Tuyến đường ống khí đốt của Nga đi qua Ukraine giảm công suất xuống còn 1/4 so với trước xung đột. Hiện chỉ có tuyến đường ống khí đốt TurkStream với điểm cuối là Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn hoạt động với công suất tối đa.

Trên thực tế, Nga luôn để ngỏ khả năng sửa chữa và khôi phục hoạt động cung ứng khí đốt tới châu Âu qua đường ống. Đó là lý do một số quốc gia trong nhóm G7 muốn "chấm dứt viễn cảnh đường ống Nord Stream được khôi phục", Aura Sabadus, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại công ty ICIS, nói trên tờ Politico.

Nhưng nếu không thành công, nỗ lực của các nước G7 có thể tạo sức ép để EU đưa lệnh cấm vào gói trừng phạt thứ 12 trong tương lai. Đây cũng là điều mà Ukraine đang rất mong đợi.

"Cấm nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống là bước đi mang tính biểu tượng quan trọng", Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, Herman Halushchenko, nói trên tờ Politico. "Đây là giải pháp về lâu dài có thể ngăn Nga lợi dụng khí đốt làm quân bài gây sức ép với EU".

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia thành viên EU chặn gói vũ khí trị giá 500 triệu euro cho Ukraine 

Hungary muốn Liên minh châu Âu (EU) không chỉ tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine mà còn dành sự quan tâm cho các vấn đề khác trên toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Politico ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN