Bạo loạn ở Anh: Bằng chứng cho thấy tác hại nghiêm trọng của mạng xã hội

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất trong 13 năm qua đang diễn ra ở Anh là bằng chứng mới nhất cho thấy thông tin sai lệch trên mạng xã hội có thể gây tác hại đến mức nào với xã hội. Điều đó đặt ra thách thức cho các chính phủ trong việc quản lý các nền tảng kỹ thuật số.

Tin giả, thảm kịch thực

Suốt tuần trước, hơn 100 cuộc biểu tình đã diễn ra tại Anh. Tại nhiều đô thị, những kẻ quá khích đã ném gạch đá, pháo sáng vào cảnh sát, phóng hỏa ô tô, tấn công nhà thờ Hồi giáo và các khách sạn là nơi trú ẩn của người xin tị nạn. Bạo loạn bùng phát trước tiên ở thị trấn Southport, cách thành phố Liverpool 20km về phía Bắc của Anh, sau khi xảy ra vụ tấn công bằng dao vào một nhóm trẻ em đang tham dự lớp học múa và yoga khiến ít nhất 3 trẻ em thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Bolton, Anh, hôm 4-8

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Bolton, Anh, hôm 4-8

Kết quả điều tra cho thấy các vụ biểu tình bùng phát không phải là sự phản đối của dư luận với vụ sát hại mà là hệ quả từ tin đồn thất thiệt về gốc gác của nghi phạm 17 tuổi tên là Rudakubana trong vụ đâm dao trên nhằm kích động sự thù hận trong xã hội liên quan đến tôn giáo và sắc tộc. Chỉ trong vòng vài giờ sau vụ tấn công, mạng xã hội tràn ngập tin sai sự thật về nghi phạm, cho rằng kẻ tấn công là người Hồi giáo, đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền vào năm 2023 và nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của cơ quan tình báo Anh (MI 6).

Ngay lập tức, trong xã hội bùng lên làn sóng bài nhập cư và phản đối Hồi giáo. Biểu tình bạo lực nhanh chóng lan rộng sang nhiều thành phố lớn tại Xứ sở sương mù, kéo theo hậu quả nghiêm trọng. Tình hình căng thẳng đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ khi công bố danh tính nghi phạm dù Rudakubana là người chưa thành niên, khẳng định Rudakubana sinh ra tại vùng Cardiff của Anh và sống gần thị trấn Southport. Cảnh sát cũng nhấn mạnh đây không phải một âm mưu tấn công khủng bố. Tuy nhiên, dù giới chức Anh đã nhanh chóng phủ nhận các thông tin sai lệch trên mạng, nỗ lực đó vẫn không thể dập tắt làn sóng bạo loạn.

Điều đáng nói ở đây là nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống người nhập cư, tấn công nhà thờ Hồi giáo và nơi ở của những người xin tị nạn đến từ châu Phi và Trung Ðông. Trong khi tờ rơi về thời gian, địa điểm tổ chức biểu tình được phát tán tràn lan trên Facebook, video bạo lực xuất hiện trên TikTok, thì các ứng dụng WhatsApp và Telegram đã được sử dụng để kêu gọi người dân xuống đường biểu tình… Một số nhóm cực hữu sử dụng các nền tảng như Telegram, X và Facebook để truyền bá các tuyên bố chống nhập cư và chống Hồi giáo, đồng thời trao đổi thông tin nhằm tổ chức và kích động biểu tình.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper tuyên bố, các công ty truyền thông xã hội phải chịu một phần trách nhiệm khi lan truyền thông tin sai lệch dẫn đến bùng phát bạo lực. Ngày 7-8, tổ chức chống khủng bố Tech Against Terrorism đã ban hành cảnh báo khẩn cấp về việc Telegram được những kẻ cực đoan cánh hữu sử dụng để tổ chức các cuộc bạo loạn ở Anh. Theo tổ chức này, việc Telegram kiểm duyệt không đầy đủ các nội dung cực đoan đang góp phần gây ra bạo lực và bất ổn trên khắp nước Anh.

Ông Joe Mulhall, Giám đốc nghiên cứu của Hope Not Hate, cho rằng mạng xã hội và sự phát triển của công nghệ đã cung cấp “những cách thức mới” để các nhóm cực hữu tổ chức hoạt động và mở rộng ảnh hưởng. Còn Giám đốc chính sách và nghiên cứu tại Viện Ðối thoại chiến lược (ISD) Jacob Davey thì khẳng định, làn sóng thông tin sai lệch trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chuỗi ngày bạo loạn vừa qua ở Xứ sở sương mù. Theo ông Jacob Davey, thông tin sai lệch không chỉ được lan truyền bởi những người muốn kích động bạo lực, mà còn bởi các nền tảng sử dụng thuật toán để ưu tiên hiển thị nội dung có khả năng thu hút nhiều tương tác nhất.

Ngăn chặn hiểm họa từ thông tin sai lệch

Những gì đang diễn ra ở nước Anh gây bất ngờ không chỉ đối với người dân Anh mà đối với cả thế giới. Nó cho thấy hiểm họa ghê gớm của thông tin sai lệch trên mạng xã hội khi những tin giả kích động kỳ thị chủng tộc, tôn giáo dễ dàng qua mặt công chúng và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bùng phát thành bạo lực trên đường phố. Nguy hại hơn, thông tin về những vụ việc lẽ ra chỉ thuộc phạm vi xử lý của nhà chức trách, nay bị biến tấu sai lệch, bị lợi dụng để kích động làn sóng kỳ thị chủng tộc và tôn giáo.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên sự lan truyền thông tin sai lệch gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với một chính phủ, một quốc gia. Khi cuộc bạo loạn và cướp bóc xảy ra ở các thành phố Birmingham, Liverpool, Nottingham, Bristol và Medway của Anh hồi năm 2011, một số chính trị gia đã phải kêu gọi đóng cửa tạm thời Facebook và Twitter để dập tắt bạo lực. Bạo lực giáo phái ở các quốc gia như Ấn Độ và Myanmar cũng được cho là do ngôn từ thù địch và thông tin sai lệch được lưu trữ trên các nền tảng trực tuyến. Facebook từng xin lỗi vì “tác động thực sự đến nhân quyền” từ việc sử dụng các dịch vụ của mình để kích động bạo lực ở Sri Lanka vào năm 2018.

Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của công nghệ, sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội được hỗ trợ tích cực bởi trí tuệ nhân tạo (AI), tất cả tạo ra nền tảng thuận lợi giúp thông tin sai lệch, tin giả lan truyền ở phạm vi và quy mô lớn, với tốc độ không thể kiểm soát. Những gì trước đây vốn được coi là riêng tư, thuộc phạm vi bí mật đời sống cá nhân như nhân thân, tôn giáo của mỗi người, nay đều bị phơi bày trên mạng xã hội.

Điều đó đặt ra thách thức cho các chính phủ trong việc quản lý các nền tảng kỹ thuật số, cũng như khả năng tự kiểm duyệt của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Tại Liên minh châu Âu (EU), các quan chức đang tìm cách buộc các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin sai lệch theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số mới. Ở Mỹ, tháng 7-2023, Thượng viện nước này đã thông qua Đạo luật an toàn trực tuyến cho trẻ em, nhằm mục đích chống lại tác hại về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên liên quan đến mạng xã hội.

Năm 2023, Anh đã thông qua Đạo luật an toàn trực tuyến, trao cho Cơ quan quản lý truyền thông Ofcom quyền phạt các công ty truyền thông xã hội lên tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm, nếu không kiểm soát việc phát tán tin giả, tài liệu bất hợp pháp như tuyên truyền khủng bố, lừa đảo trực tuyến và kích động bạo lực…Theo Giáo sư Harith Al Ani, Giám đốc Viện Truyền thông kiến thức của Đại học mở (Anh), các nền tảng có thể đưa ra nhiều biện pháp kiểm tra tức thời hơn, chẳng hạn như phát hiện tin tức giả tiềm ẩn và thông báo cho người dùng về vấn đề này trước khi họ chia sẻ bài đăng của mình.

Và trên hết, mỗi công dân cần nêu cao trách nhiệm, đạo đức trước khi quyết định đăng tải hay chia sẻ công khai bất cứ thông tin nào. Nâng cao hiểu biết về phương tiện truyền thông, rèn khả năng phân biệt đúng - sai, nuôi dưỡng tư duy phản biện, biết đặt câu hỏi và phân tích nguồn, bối cảnh và mục đích của thông tin mình tiếp nhận, đó là những yếu tố cần có ở mỗi công dân trong kỷ nguyên số. Với những người có ảnh hưởng, cần tuân thủ quy trình xác minh, kiểm chứng nghiêm ngặt để bảo đảm thông tin chính xác, khách quan và minh bạch. Có vậy, những hiểm họa từ việc lan truyền thông tin sai lệch mới có thể được ngăn chặn kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

“Nội chiến là không thể tránh khỏi”, tỷ phú Elon Musk cảnh báo về tình hình hiện tại ở Anh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Sơn ([Tên nguồn])
Tin tức Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN