Báo Đức: 2 "ông lớn" không đồng chí hướng khiến EU suy yếu

Theo truyền thông Đức, mối quan hệ Pháp - Đức lại rơi vào khủng hoảng và lần này nghiêm trọng hơn bình thường.  

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DPA

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DPA

Theo tờ DW, thông báo gần đây về việc một cuộc họp cấp bộ trưởng Pháp - Đức bị lùi lịch vào tháng 1 năm sau dường như cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong quan hệ giữa 2 "ông lớn" của Liên minh châu Âu (EU). 

Liên minh Pháp - Đức được ví như "động cơ" của EU. Và khi 2 "ông lớn" EU này không cùng nhìn về một hướng thì năng lực hành động của khối cũng dần suy yếu, theo các nhà phân tích. 

Điện Elysee nhanh chóng đưa ra lý do của việc dời cuộc họp là để giúp một số bộ trưởng giải quyết vấn đề lịch trình di chuyển cũng như có thêm thời gian để chuẩn bị cho cuộc họp. "Việc trì hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng Pháp - Đức không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về tình trạng hiện tại của mối quan hệ đôi bên", một phát ngôn viên của điện Elysee nói với phóng viên tuần trước, nhấn mạnh rằng cuộc họp bị hoãn, không phải hủy bỏ. 

Tuy nhiên, tuyên bố này không đủ tính thuyết phục với các nhà phân tích, theo DW. 

Tầm ảnh hưởng của hợp tác Pháp - Đức

"Cuộc họp cấp bộ trưởng Pháp - Đức nhìn chung không mang lại nhiều kết quả cụ thể và chỉ là một dịp để lặp lại các cam kết trước đó của 2 nước", Stefan Seidendorf, phó giám đốc của Viện Đức - Pháp (DFI), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Đức, cho biết. 

"Nhưng những cuộc họp như vậy và sự hợp tác Pháp - Đức rất quan trọng với sự vận hành của EU. Kể từ năm 1963, chưa có cuộc họp nào ở cấp độ này bị hủy bỏ", ông Seidendorf chia sẻ với DW. 

Liên minh Pháp - Đức được ví như "động cơ" của EU. Ảnh: Reuters

Liên minh Pháp - Đức được ví như "động cơ" của EU. Ảnh: Reuters

Phó giám đốc của DFI còn cho rằng, những gì hiệu quả với Mỹ trong chính sách ngoại giao chưa chắc hiệu quả ở châu Âu. Mỹ có thể hành động độc lập vì nước này là cường quốc, đủ lớn mạnh để các nước khác phải kiêng nể. 

"Nhưng không có quốc gia nào ở châu Âu đủ lớn ở tầm cỡ đó để tự đảm bảo ổn định chính trị. Chúng ta cần sự đồng thuận cơ bản giữa Pháp và Đức - 2 nền kinh tế dẫn đầu của EU, đồng thời đại diện cho 2 quan điểm khác biệt nhất. Các quốc gia khác trong khối đều đồng thuận khi Pháp - Đức có tiếng nói chung", ông Seidendorf nhận định. 

Pháp - Đức không nhìn về một hướng

Tuy nhiên, hiện tại, cả Pháp và Đức dường như đều thích "đi một mình". 

Berlin gần đây bỏ phiếu thông qua gói khẩn cấp trị giá 200 tỷ euro (197 tỷ USD) nhằm đối phó giá khí đốt và giá điện trong nước tăng cao, mà không thông báo với Pháp. Việc thông báo được cho là "phép lịch sự" thông thường, nhất là khi giá trị của gói khẩn cấp lớn cỡ đó có thể làm sai lệch thị trường. 

Hơn nữa, tại một cuộc họp NATO gần đây, Đức đã ký một thỏa thuận với 14 quốc gia thành viên khác và Phần Lan về một hệ thống phòng không mới có tên gọi là Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu. Sáng kiến này nhằm tạo ra một hệ thống phòng không chung ở châu Âu, nhưng không có sự tham gia của Pháp. 

Động thái của Berlin được đưa ra dù Paris đang phát triển cái gọi là lá chắn phòng thủ tên lửa Mamba cùng với Ý. 

Hệ thống phòng không được thử nghiệm ở Hà Lan - một trong số các nước tham gia vào Sáng kiến Bầu trời châu Âu do Đức đề xướng. Ảnh: DPA

Hệ thống phòng không được thử nghiệm ở Hà Lan - một trong số các nước tham gia vào Sáng kiến Bầu trời châu Âu do Đức đề xướng. Ảnh: DPA

Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia EU vào tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố đạt thỏa thuận với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới giữa Barcelona (TBN) và Marseille (Pháp). 

Dự án trên "chôn vùi" đường ống Midcat - chạy từ Tây Ban Nha tới Pháp qua dãy Pyrenees. Đức rất quan tâm đến Midcat, với hy vọng rằng nước này có thể được hưởng lợi từ khí đốt ở bán đảo Iberia. 

Tổng thống Pháp cũng có những phát ngôn mà tờ DW cho là "soi mói" Berlin: "Việc Đức tự cô lập sẽ không tốt cho nước này cũng như cả châu Âu". 

"Không có thời gian hờn dỗi"

"Cả Pháp và Đức đang không hài lòng về nhau", ông Seidendorf bình luận. 

"Đức dường như nghĩ rằng nước này có thể đạt được các thỏa thuận đa phương với các nước nhỏ và vượt mặt Pháp. Trong khi đó, Paris vẫn đang chờ Berlin ủng hộ quan điểm của ông Macron về hội nhập châu Âu sâu rộng hơn", ông Seidendorf nói thêm. 

Sophie Pornschlegel, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Trung tâm Chính sách châu Âu - một công ty tư vấn có trụ sở tại Bỉ, không hứng thú với sự "hờn dỗi" giữa Pháp và Đức. 

"Chúng ta không có thời gian để hờn dỗi. Châu Âu đang có một cuộc xung đột và chúng ta còn phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng. Nếu may mắn thì chúng ta có thể vượt qua mùa đông năm nay khi thời tiết không quá lạnh. Nhưng chúng ta cần giải pháp dài hạn để đối phó với giá năng lượng tăng cao, tương tự như quỹ đoàn kết EU - được Đức đề xuất thành lập để tái thiết Ukraine hậu xung đột", bà Pornschlegel nói. 

Trong trường hợp còn lại, khi năng lượng khan hiếm, châu Âu sẽ hứng chịu khủng hoảng kinh tế nặng nề hơn. 

"Sự rạn nứt trong mối quan hệ Pháp - Đức hiện tại sẽ cản trở và làm suy yếu khả năng hành động của EU", bà Pornschlegel nhấn mạnh. 

Bất đồng sâu sắc hơn?

Pháp và Đức vốn có bất đồng trong một số lĩnh vực. Năng lượng là một ví dụ. Pháp ủng hộ năng lượng hạt nhân, trong khi Đức phản đối. 

Tuy nhiên, Jacques-Pierre Gougeon, một chuyên gia nghiên cứu về Đức tại Viện quan hệ chiến lược và quốc tế (Pháp), chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng quan hệ hiện tại giữa đôi bên dường như sâu sắc hơn những bất đồng trước đây. 

"Bất đồng có vẻ nghiêm trọng trong bối cảnh một số thành viên khác của EU, như Ba Lan hay các nước vùng Baltic, hoài nghi về khả năng lãnh đạo khối của Pháp và Đức", hãng DW dẫn lời chuyên gia Gougeon. 

Ronja Kempin, một thành viên cấp cao tại Viện Quốc tế và An ninh Đức, cũng cho rằng bất đồng hiện tại phản ánh sự rạn nứt sâu sắc hơn trước. 

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Dân Pháp xuống đường biểu tình phản đối EU và NATO

Đám đông biểu tình cho rằng, việc Pháp ủng hộ các chính sách của EU và NATO khiến người dân nước này gặp “khó khăn kinh tế” và “bị hạn chế về năng lượng, chăm sóc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Nhã Du - DW ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN