Ảnh vệ tinh hé lộ điều bất thường của siêu đập thủy điện chặn dòng sông Nile

Các bức ảnh vệ tinh chụp hồ thủy điện của đập Đại Phục Hưng gây tranh cãi ở châu Phi cho thấy con đập đã bắt đầu tích nước, trong khi chính phủ Ethiopia chưa chính thức xác nhận.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 26.6 (phía trên) và bức ảnh mới nhất chụp ngày 9.7 cho thấy sự khác biệt.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 26.6 (phía trên) và bức ảnh mới nhất chụp ngày 9.7 cho thấy sự khác biệt.

Theo AP, các bức ảnh được chia sẻ trong bối cảnh đàm phán ba bên giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan về vấn đề siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng kết thúc mà không đạt bất cứ kết quả nào.

Ethiopia hồi đầu tháng này từng tuyên bố sẽ tích nước, lấp đầy đập thủy điện trị giá 4,6 tỉ USD dù các quốc gia ở vùng hạ lưu như Ai Cập có đồng ý hay không.

Bức ảnh do vệ tinh Sentinel-1 của cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) chụp ngày 9.7, cho thấy “nước đang đổ vào hồ thủy điện”.

William Davison, nhà phân tích của nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói với AP rằng, đập Đại Phục Hưng có thể bắt đầu tích nước mà không cần chờ đến khi toàn bộ các hạng mục xây dựng hoàn tất.

Chính phủ Ethiopia hiện chưa đưa ra thời điểm chính xác bắt đầu tích nước cho hồ thủy điện, chỉ nói rằng cần tích nước ngay trong tháng này.

Nhưng Davison nhận định, có thể “hoạt động tích nước của siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng là do yếu tố tự nhiên”.

Giới chức Ethiopia hiện chưa đưa ra tuyên bố với các bức ảnh chụp từ vệ tinh.

Động thái tích nước cho hồ thủy điện được cho là sẽ tiếp tục làm trầm trọng quan hệ giữa Ethiopia và Ai Cập. Công trình thủy điện lớn nhất châu Phi và lớn thứ 7 trên thế giới, một khi hoàn thiện có thể tích tới 74 tỉ m3 nước.

Ethiopia coi siêu đập thủy điện là cơ hội đưa người dân thoát nghèo. Ở dưới hạ lưu, Ai Cập lo ngại Ethiopia nắm toàn quyền kiểm soát nguồn nước, đe dọa đến sự tồn vong của đất nước.

Nhiều năm qua, các cuộc đàm phán giữa Ai Cập và Ethiopia diễn ra mà không có kết quả. Hồi đầu năm nay, Mỹ tỏ ý muốn đứng ra làm trung gian hòa giải nhưng cũng thất bại.

Các chuyên gia lo ngại việc con đập bắt đầu tích nước có thể thổi bùng chiến tranh. Ai Cập là quốc gia mạnh nhất châu Phi hiện nay. Giới chức Ai Cập đã nhiều lần cảnh báo về chiến dịch quân sự phá hủy siêu đập thủy điện của Ethiopia.

Ethiopia khẳng định sẽ đáp trả tương xứng đòn tấn công của Ai Cập. Hồi tháng 5, quốc gia này đã đưa các tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 đến bảo vệ đập thủy điện.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói nước này có thể tiếp tục khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu như Ethiopia tiếp tục có hành động leo thang căng thẳng.

Sudan là quốc gia nằm giữa Ai Cập và Ethiopia, quốc gia này trong tương lai sẽ được hưởng lợi nhờ giá điện rẻ, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng nguồn nước chảy xuống hạ lưu.

Nguồn: [Link nguồn]

Siêu đập thủy điện chặn dòng sông Nile: Dân hai nước láng giềng trút giận

Người dân Ethiopia bày tỏ sự hả hê trên mạng xã hội khi nước này sắp lấy nước từ thượng nguồn sông Nile, trong khi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - AP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN