Anh: Đến vùng hẻo lánh để tránh Covid-19 liệu có phải thượng sách?

Trong khi hàng triệu người Anh sống ở các thành phố lớn đang phải ở trong nhà vì Covid-19 thì việc nhiều người nghĩ tới chuyện tìm đến những nơi xa xôi, hoang vu để được tận hưởng cảm giác thoải mái và hít thở không khi trong lành là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc họ có được chào đón hay không lại là một vấn đề khác.

Tình hình có vẻ đã trở nên rất nghiêm trọng ở vùng cao nguyên Scotland (thuộc Anh), khi nhiều người cùng các phương tiện dồn dập đổ về đây trong thời gian ngắn để tránh dịch Covid-19.

Những người dân sống ở cao nguyên Scotland đã tỏ ra rất không bằng lòng và kêu gọi những “vị khách không mời” nhanh chóng tránh xa khỏi nơi ở của dân bản địa để tránh lây nhiễm Covid-19 và “đè bẹp” hệ thống y tế vốn hạn hẹp tại đây.

Vùng cao nguyên của xứ Scotland là một khu vực rất thưa dân và có phong cảnh núi non hiểm trở, một trong những điểm đến du lịch đẹp nhất của nước Anh.

Mấy ngày vừa qua, lượng khách từ các thành phố lớn đổ về nhiều tới nỗi không chỉ người dân mà tới các quan chức địa phương cũng phải phát đi thông điệp: “Các bạn không được chào đón ở đây”.

Dòng xe cộ từ các thành phố lớn đổ về vùng cao nguyên Scotland (ảnh: CNN)

Dòng xe cộ từ các thành phố lớn đổ về vùng cao nguyên Scotland (ảnh: CNN)

“Xin đừng coi cao nguyên Scotland như một địa điểm để tự cách ly. Nhiều người dân đang sống ở đây. Chúng tôi đang cố gắng làm theo những hướng dẫn của chính phủ nhưng dòng người và các phương tiện giao thông ‘đào thoát’ các thành phố lớn cứ nườm nượp kéo về”, Kate Forbes, một quan chức địa phương thuộc Hội đồng Scotland, đăng trên Twitter.

Scotland đã ghi nhận tổng cộng 416 ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, chỉ có 8 trường hợp nhiễm virus tại vùng cao nguyên Scotland và người dân cùng giới chức địa phương muốn các con số giữ nguyên như vậy.

Không chỉ Scotland mà các đảo nhỏ xung quanh xứ này cũng đang gặp phải tình cảnh tương tự.

Ông Angus MacNeil, một quan chức của đảo Barra – hòn đảo ngoài khơi Scotland, mới đây đã đăng lên Twitter hình ảnh một bệnh viện với những giường bệnh đơn sơ trên đảo và không quên nhấn mạnh rằng, không có một chiếc máy thở nào trên đảo Barra.

Gần đó, đảo Vatersay cũng đăng tải lên Twitter những thông điệp ám chỉ rằng không muốn có khách tới trong thời điểm này.

Phong cảnh tại cao nguyên Scotland (ảnh: CNN)

Phong cảnh tại cao nguyên Scotland (ảnh: CNN)

Lãnh đạo cơ quan Kinh tế và Du lịch Scotland – ông Fergus Ewing, cũng góp thêm tiếng nói vào điệp khúc “tiễn khách” của người dân khu vực bằng một cảnh báo về tình trạng di chuyển không cần thiết của một số người trong dịch Covid-19.

“Tôi rất khó chịu trước hành vi liều lĩnh và vô trách nhiệm của một số người đang đổ xô tới khu vực cao nguyên Scotland và một số đảo xung quanh. Điều đó phải được dừng lại ngay lập tức”, ông Fergus Ewing phát biểu.

“Hãy để tôi nói cho rõ ràng, việc du lịch tới các vùng nông thôn hẻo lánh và các đảo phải dừng lại ngay. Nhiều người đang gây nguy hiểm cho cuộc sống của dân bản địa. Đừng có đi du lịch vào lúc này”, ông Fergus Ewing nói thêm.

Trong tuyên bố mới nhất của mình, công ty Caledonia MacBrayne, chuyên cung cấp tàu, phà tại Scotland cho biết, họ sẽ “chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển cho người dân bản địa, những người có công việc quan trọng và những người kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra không còn gì khác”.

Rạp chiếu phim ở London, Anh đóng cửa trong bối cảnh Covid-19 lây lan (ảnh: The Sun)

Rạp chiếu phim ở London, Anh đóng cửa trong bối cảnh Covid-19 lây lan (ảnh: The Sun)

Sheila Gilmore, một quan chức đại diện cho Arran, hòn đảo ngoài khơi nằm ở phía Tây Scotland, cho biết:

“Tôi hiểu rằng nhiều người đang muốn đi đâu đó yên tĩnh trong tình hình này. Tuy nhiên, các bạn phải biết rằng, ở Arran, hệ thống y tế của chúng tôi không đủ để đối phó với Covid-19. Xin hãy vui lòng nghĩ đến nguồn lực hạn chế của chúng tôi”.

Đảo Arran chỉ có thể tiếp cận đất liền thông qua 2 tuyến phà mỗi ngày. Trong dịch Covid-19, những tuyến phá này chủ yếu được sử dụng để vận chuyển nhu yếu phẩm.

Tình trạng như ở Scotland cũng xuất hiện tại nhiều nơi khác trên thế giới. Tại Na Uy, quan chức cũng kêu gọi người dân tránh xa các khu vực nông thôn hẻo lánh vì đây là khu vực dễ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 do hệ thống y tế còn hạn chế.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Đông Nam Á chỉ còn nước duy nhất chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19

Bộ Y tế Myanmar cho biết vừa ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở quốc gia này. Như vậy, khu vực Đông Nam Á hiện chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN