Theo dấu tội phạm truy nã (P.6)

Không chỉ nguy hiểm, các đối tượng truy nã luôn nghĩ ra trăm phương nghìn kế để che giấu tội lỗi hòng trốn tránh sự trừng phạt, điều đó khiến lính truy nã cũng phải đấu trí cam go trong từng vụ truy bắt mà không vụ nào giống vụ nào.

* Kỳ 6: Cuộc đấu trí cam go

Lật vỏ bọc của ông chủ đồ bành

"Dũng Mi Sen", tức Nguyễn Chí Dũng (1977, ở Long Xuyên, An Giang) là tên tội phạm máu lạnh. Sau khi chịu án tù 5 năm vì tội "Cố ý gây thương tích", Dũng cố làm người lương thiện khi cưới một cô vợ nhằm "tẩy" máu côn đồ, đồng thời mở một quán nhậu làm ăn. Nhưng rồi mâu thuẫn cũng xảy ra khi một đám giang hồ khác tới quán của Dũng quậy phá. Tức thì ông chủ liền "tặng" cho đám giang hồ mới lớn mỗi chú vài cái bạt tai đến chảy máu miệng. Không vừa, nhóm kia (có cả anh vợ Dũng) liền tụ tập chiến hữu đến quán đập phá. Bao giờ cũng vậy, đã là giang hồ thì phải "có đi có lại mới toại lòng nhau", Dũng ra lệnh cho các "đệ tử" của mình "gặp nhóm kia ở đâu báo cho đại ca tới xử sẽ được trọng thưởng".

Rồi cái ngày "huyết chiến" cũng tới, khi phát hiện nhóm kia đang ngồi ăn đêm, Dũng lệnh cho đàn em mang "hàng" tới xả lia lịa, trong đó có nhát kiếm oan nghiệt "thả" vào đúng anh ruột của vợ mình khiến anh ta chết tại chỗ. Sau khi gây án, Dũng thu lại hung khí của đàn em mang về cất và ung dung đi ngủ. Hôm sau, khi biết anh vợ đã chết, một đàn em đã ra đầu thú, Dũng liền tìm kế lẩn ra Đà Nẵng trốn tránh. Vì thương chồng nên người vợ vừa mất đi anh trai lại đang mang bầu đứa con thứ 2 cũng nhắm mắt làm liều theo Dũng bỏ trốn. Ngay lập tức Dũng bị truy nã toàn quốc.

Theo dấu tội phạm truy nã (P.6) - 1

"Dũng Mi Sen" trước vành móng ngựa

Dũng tính toán, nếu trốn ra Bắc thì với giọng miền Nam đặc sệt của y sẽ dễ bị phát hiện nên chọn Đà Nẵng, nơi có giọng na ná giống mình. Khi số tiền ít ỏi vợ chồng mang theo vơi cạn, Dũng đành hạ mình đi làm thuê cho một quán ăn nhỏ để mưu sinh. Cuộc sống vẫn túng thiếu khi 2 con lớn dần nên Dũng bàn với vợ đi buôn đồ bành và chỉ trong thời gian hơn 1 năm, vợ chồng y đã có của ăn của để. Bên cạnh lo việc làm ăn, để che mắt ngành chức năng nơi cư trú, Dũng đã "phù phép" cho mình chiếc CMND mang tên Võ Hoàng Thiện (1976, trú P. 14, Q.10, TPHCM).

Cũng vì vậy, hàng xóm ở khu vực P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu chỉ biết vợ chồng ông chủ đồ bành chăm chỉ làm ăn rất ít khi giao du, chuyện trò với mọi người. Nhưng cái vỏ bọc của Dũng không thể che mắt anh em lính truy nã. Thường xuyên bám sát địa bàn, từng con đường góc phố, nên khi thấy "ông chủ Thiện" có nhiều nghi vấn, các TS nhanh chóng "tìm lời giải". Cái CMND mang tên Võ Hoàng Thiện được TS gọi vào TPHCM để xác minh và được biết ở đó không ai tên Võ Hoàng Thiện.

Thượng tá Bình đặt nghi vấn, vậy Thiện ở đâu tới, đã gây nên tội lỗi gì mà che giấu thân phận với nhiều hành động "khác người" như ít đi lại hay nói chuyện với ai? Nếu người buôn đồ bành mà lại ít khi mở miệng liệu có phù hợp? Vậy là hình ảnh Võ Hoàng Thiện trên CMND được gửi đi xác minh. Chẳng bao lâu sau CA tỉnh An Giang cho lời giải đáp đây chính là Nguyễn Chí Dũng, đối tượng truy nã đặc biệt về hành vi "Giết người". Đã rõ, vỏ bọc của ông chủ đồ bành bị lật tẩy, nhưng dùng phương án nào để bắt y là vấn đề được đặt ra và tính toán kỹ lưỡng. Thượng tá Bình kể, từ 5 giờ, các TS đã "đi chợ" mua sắm, nhưng dọn hàng ấy chỉ có vợ y, còn Dũng vẫn ở nhà. Nếu ập vào nhà rất có thể y sẽ dùng hung khí chống trả.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn, các TS đã mật phục tới trưa, thời điểm y ít đề phòng nhất để ra tay. Khi Dũng đưa cơm ra chợ Hòa Cường cho vợ thì bị bắt giữ. Đến lúc này, nhiều người dân lối xóm và tiểu thương buôn bán ở chợ mới biết ông chủ "Thiện" đồ bành chính là đối tượng truy nã đặc biệt. Và y được di lý về An Giang, tới tháng 3-2010 thì bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 19 năm tù vì tội danh có tính côn đồ, tái phạm nguy hiểm.

Đấu trí trong căn nhà 3 tầng

Nhà nghèo nhưng Huỳnh Đình An (1991, trú thôn Tứ Câu, Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) không chịu tu chí học hành mà thường xuyên tụ tập đám bạn lêu lổng, gây gổ đánh nhau. Trong đám bạn, An có một người tình thân như thủ túc là Huỳnh Lâm, từng lãnh 15 tháng tù vì tội "Cướp tài sản". Có tật không chừa nên dù ra tù, Lâm vẫn cùng An và một đối tượng khác đi cướp, nạn nhân lần này là hai em nhỏ đang dùng điện thoại trên đoạn đường ở thôn Phú Sơn 3, Hòa Khương. Sau khi gây ra vụ cướp, Lâm nhanh chóng bị bắt. Thấy đồng bọn sa lưới, An liền bắt xe khách từ Đà Nẵng về quê vào tá túc nhà "đại ca" Sỹ "đen". An vốn là đệ tử ruột của mình, giờ lâm nạn nên Sỹ "đen" liền dang tay che chở, chờ mọi chuyện lắng xuống sẽ đưa đệ tử sang Campuchia lánh nạn.

Theo dấu tội phạm truy nã (P.6) - 2

Để bắt các đối tượng truy nã nguy hiểm, lực lượng Cảnh sát truy nãthường phải đấu trí cam go

Khi biết tin đối tượng truy nã Huỳnh Đình An đang tá túc tại nhà Sỹ "đen", một căn nhà 3 tầng kiên cố, anh em lính truy nã CATP Đà Nẵng đã vào Điện Bàn tổ chức vây bắt y. Sỹ "đen" vốn là tay anh chị ở địa bàn nên nhà của y thường có nhiều thành phần bất hảo lui tới, từ kẻ nghiện ngập, đòi nợ thuê đến những kẻ lang thang thất nghiệp... Nhận thấy tính chất phức tạp, các TS đã chia làm 2 tổ, hóa trang bao vây căn nhà, chờ thời cơ chín muồi sẽ ra tay.

Vào chập tối, khi Sỹ "đen" và chiến hữu đang chén tạc chén thù trong nhà thì bất ngờ tổ công tác ập vào. Vốn gian manh nên Sỹ "đen" cùng đồng bọn liền thiết lập hàng rào ngăn cản tổ công tác để An chạy lên tầng 3, khóa trái cửa phòng ngủ của vợ chồng Sỹ "đen" nhằm cố thủ. Mặt khác, Sỹ "đen" cũng cắt cầu dao điện để An có cơ hội tẩu thoát, đồng thời miệng la hét để người dân hiếu kỳ tụ tập lại xem, dễ bề cản trở lực lượng CA làm nhiệm vụ. Chưa hết, Sỹ "đen" còn đưa người mẹ gần 80 tuổi đứng ngăn các chiến sĩ và nói "Nếu bắt con tôi, tôi sẽ chết".

Trước diễn biến phức tạp, đối tượng có thể manh động làm liều nên tổ công tác một mặt cắt cử người chốt trước phòng ngủ của Sỹ "đen" không để An tẩu thoát, mặt khác điện thoại đề nghị tăng cường lực lượng hỗ trợ từ CAH Điện Bàn. Chính quyền địa phương cũng được mời tới ứng cứu nhằm giải tán đám đông hiếu kỳ. Đích thân Thượng tá Bình phải vận động mẹ của Sỹ "đen" rằng: Chúng tôi bắt tên tội phạm đang lẩn trốn trong nhà cụ chứ không phải bắt con cụ.  Trước kế hoạch chu toàn, sau thời gian đấu trí căng thẳng, cuối cùng anh em lính truy nã cũng làm chủ tình hình, bắt gọn Huỳnh Đình An.

Bắt được đối tượng đã khó, quá trình di lý An về Đà Nẵng cũng gặp không ít trắc trở khi các chiến hữu của Sỹ "đen" luôn bu bám, tìm cách cản trở. Bản thân Sỹ "đen" cũng bị đưa về xử lý với hành vi "Che giấu tội phạm". Thượng tá Huỳnh Văn Bình kể, đây là  "ca khó" bởi mùa hè nóng nực, anh em mang áo giáp 2 lớp người vã mồ hôi, lại mật phục từ 15 giờ mà chưa có gì lót dạ, ai cũng thấm mệt. Khi đưa được 2 đối tượng về Đà Nẵng thì đồng hồ cũng điểm 24 giờ. Tới lúc đó anh em mới thấy nhẹ nhõm trong người.

(còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Quỳnh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN