Mặt trái của cầm đồ (Kỳ 1): Có giá thì... cầm

Thủ tục nhanh, gọn, đáp ứng ngay... dịch vụ cầm đồ đã và đang thu hút lượng khách hàng đông đảo, dù lãi suất ở... trên mây.

Nhiều người dự tính “gửi tạm” vài ba bữa, một tuần, rồi “chuộc” lại, nhưng thường chấp nhận “đổi” tài sản của mình với số tiền mặt rất thấp so với giá trị thật. Và, cũng chính việc thờ ơ với nguồn gốc tài sản trước khi cầm của người chủ mà không ít dịch vụ cầm đồ đã trở thành “sân sau” của tội phạm, điểm tiêu thụ tài sản trộm cắp.

Chúng tôi trở lại chủ đề này khi mùa EURO đã tới, có nhiều nguyên nhân để dịch vụ trên càng có dịp nở rộ...

Chúng tôi tìm về đường Trần Cao Vân (Thanh Khê, Đà Nẵng), con đường tồn tại nhiều hiệu cầm đồ nhất Đà thành hiện nay. Vào hiệu N.T, cùng lúc với chúng tôi là một chàng thanh niên dáng người mập thấp, trên tay cầm chiếc máy vi tính hiệu Dell còn mới. Sau cuộc giao dịch ngắn ngủi, bà chủ cửa hiệu bỏ chiếc máy vào ngăn tủ rồi đưa chàng thanh niên 25 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng cùng tờ giấy “biên nhận”. Cất lời cảm ơn xong, người thanh niên đi ra ngoài rồi mất hút... Thấy chúng tôi, bà chủ hỏi: “Cầm xe hay laptop mà đứng ngớ người ra đó vậy các em?”. Tôi hỏi: “Ở đây chị có cầm giấy tờ nhà hay bằng cấp gì không?”. Bà chủ trả lời: “Ở đây không cầm những loại đó, chỉ cầm hiện vật như: xe máy và ô-tô (chính chủ), điện thoại, laptop, máy ảnh, vàng... Nếu thật sự em có nhu cầu muốn cầm giấy tờ nhà thì chị sẽ chỉ cho nhưng ở đó lãi suất không dưới 10% đâu...”.

Tôi hỏi tiếp: “Em muốn cầm chiếc xe của vợ có được không chị”. “Được, nhưng em phải có giấy đăng ký kết hôn để chứng minh chủ sở hữu chiếc xe là vợ em. Thật tình thì chị cũng không muốn làm khó dễ nhưng cầm xe không chính chủ thường gặp rủi ro lắm. Hơn nữa nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra thì phải nộp phạt rất nặng...”. Tôi chuẩn bị hỏi tiếp thì người bạn đi cùng “cướp” lời: “Vậy chị cầm chiếc xe Sirius chính chủ của em được bao nhiêu?”. Bà chủ không ra giá mà bảo chúng tôi đề xuất. Sau mấy giây suy nghĩ, người bạn đề nghị: “5 triệu nhé”. Không cần kiểm tra chất lượng xe, bà chủ đồng ý rồi tiến hành làm thủ tục. Khi nghe tôi hỏi vì sao tờ giấy “giao dịch” chỉ ghi tài sản cầm, số tiền, ngày cầm, hạn nhận tài sản và những cam kết của người đi cầm tài sản mà không ghi lãi suất thì bà chủ tỏ ra khó chịu: “Lần đầu đi cầm đồ hay răng mà hỏi như rứa. Không ghi vào đó làm chi cả. Có chừng rồi, lãi suất là 7% (tức 1 triệu thì mỗi tháng trả lãi là 70.000 đồng). Trễ hẹn tối đa 3 ngày mà không đến trả tiền để nhận lại tài sản hay trả lãi để “gia hạn” tiếp thì chị thanh lý để thu hồi vốn đó...”.

Mặt trái của cầm đồ (Kỳ 1): Có giá thì... cầm - 1

Bà chủ hiệu cầm đồ M. (đường Phạm Như Xương) kiểm tra giấy tờ, ghi giấy “giao dịch” và lấy tiền đưa cho khách

Rời hiệu N.T để nhường khoảng trống cho những vị khách đang đợi đến lượt mình, chúng tôi đến hiệu B.H (Trần Cao Vân). Dù đang tiếp mấy vị khách đến “gửi” tài sản nhưng thấy chúng tôi bước vào, ông chủ liền cất lời: “Điện thoại hay laptop thế?”. “Laptop”, tôi trả lời nhanh rồi đặt chiếc máy hiệu Lenovo xuống bàn. Không cần biết máy đó là tài sản của tôi hay nó có xuất xứ từ đâu, ông chủ chỉ kiểm tra một lượt về mẫu mã bên ngoài rồi đồng ý ngay. Tuy nhiên, theo ông do máy không có dây sạc pin nên chỉ có thể cầm tối đa là 2 triệu đồng, với lãi suất là 6%... Trong lúc chúng tôi đang thỏa thuận thì có một thanh niên mang ba lô bước vào hỏi: “Có hàng “xả” chưa ông anh?”, ông chủ quay sang trả lời: “Đang “đói” tiền mà chẳng có máy nào hết hạn để thanh lý thu hồi vốn cả. Hiện có ba chiếc laptop nhưng hơn tuần nữa mới hết hạn để bán...”. “Lúc ni gặp “hạn” hay răng mà đến hỏi hiệu nào cũng có chung câu trả lời như nhau...”.

Dứt lời, người thanh niên đi qua cửa hiệu gần đó... Thấy chúng tôi thắc mắc về cuộc đối thoại vừa rồi, ông chủ giải thích: “Mấy đứa chuyên đến các hiệu cầm đồ để thu mua điện thoại, laptop quá hạn mang về “tuốt” lại để bán kiếm lời ấy mà... Ngày nào bọn nó cũng đến tìm hàng nhưng lúc may mắn thì “gom” được nhiều còn thường thường chỉ một vài cái (điện thoại, laptop) thôi... Nói chung có mấy đứa đó thì mình cũng khỏe vì khỏi phải mất thời gian chuyển hàng đi nơi khác tiêu thụ...”. “Người ta “kẹt” tiền nên cầm tạm, đúng hẹn thì đến lấy, mấy ai mà bỏ luôn để anh bán chứ”, tôi nói. Ông chủ đáp trả: “Chú em ngoài nghề thì nghĩ thế chứ anh làm nghề này nhiều năm nên biết, ngoài xe máy thì khách thường đến chuộc hoặc trả lãi để “gia hạn” còn hầu hết các loại tài sản như: laptop, điện thoại, CPU thì “gửi” nhiều nhưng số người đến chuộc lại chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Có người đến hẹn mà không kiếm được tiền để chuộc nên đành bỏ luôn hoặc có trường hợp do tài sản từ “trên trời rơi xuống” nên “một đi không trở lại”. “Trên trời làm gì có tài sản mà rơi xuống chứ”, tôi giả vờ hỏi. “Cái đó thì anh không thể tiết lộ được... Nói tóm lại là mình không nên quan tâm quá nhiều đến nguồn gốc của tài sản mà họ mang đến cầm. Chủ trương chính của anh là ngoại trừ ô-tô, xe máy thì cần chính chủ còn các tài sản khác của họ hay ở đâu thì mặc kệ. Hơn nữa, nếu mình có hỏi thì họ cũng bảo là chính chủ thôi. Họ nói sao phải nghe thế chứ mình là “người thường” sao biết đâu là của gian, đâu là không...”.

Mặt trái của cầm đồ (Kỳ 1): Có giá thì... cầm - 2

Mẫu giấy biên nhận của cầm đồ trên địa bàn TP Đà Nẵng

Nếu các hiệu cầm đồ trên đường Trần Cao Vân (Q. Thanh Khê) chủ yếu nhận cầm hiện vật với lãi suất từ 6-7% thì hầu hết các tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Lương Bằng, Phạm Như Xương, Tôn Đức Thắng (Liên Chiểu) đều sẵn sàng nhận cầm cố đủ loại mặt hàng từ cao cấp đến bình dân và cầm luôn GPLX, CMND, giấy tờ xe, thẻ sinh viên, bằng tốt ngiệp cấp 3 thậm chí cầm cả chứng chỉ Giáo dục quốc phòng... với lãi suất từ 8-10%. Điểm thâm nhập cuối cùng của chúng tôi trên địa bàn Q. Liên Chiểu là hiệu cầm đồ M. (Phạm Như Xương).

Hình ảnh đầu tiên ở hiệu cầm đồ này mà chúng tôi bắt gặp là một đôi nam nữ còn khá trẻ bên chiếc tivi màn hình tinh thể lỏng loại 32 inch và 3 chàng thanh niên trên tay cầm đủ loại giấy tờ. Khi đôi nam nữ đã “gửi” lại chiếc tivi lấy 1 triệu đồng ra về, ba chàng thanh niên lần lượt bước đến đưa 9 loại thẻ, bằng cấp, giấy tờ cho cô chủ hiệu cầm đồ để lấy 900.000 đồng cùng ba tờ giấy “biên nhận”. Nhìn trước sau đã không còn ai, tôi bước đến hỏi: “Ở đây mình cầm những thứ gì chị”. “Mọi thứ có giá trị đều cầm cả, từ các loại giấy tờ đến hiện vật...”, cô chủ trả lời. Tôi hỏi tiếp: “Mỗi loại giấy tờ, bằng cấp thì cầm được bao nhiêu tiền và lãi suất ở đây mình tính như thế nào?”. “Thì giống như ba đứa vừa rồi đó, cứ 100.000 đồng/cái. Ở đây nói riêng và các hiệu cầm đồ trong khu vực này nói chung đều có lãi suất như nhau là 10% (cứ 1 triệu thì mỗi tháng trả lãi 100.000 đồng), hiếm lắm mới có hiệu cầm với lãi 8% hoặc 9%. Anh cầm thứ gì để em ghi giấy luôn...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Vinh – T. Dũng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN