Giải bài toán khó cho du lịch

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch (DL) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì TP Đà Nẵng sẽ là “đô thị DL”. Hiện TP đang thực hiện định hướng chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa “DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Nhưng để có lời giải cho “bài toán” phát triển DL trong tương lai vẫn còn chồng chất khó khăn...

Mừng và lo

Nhìn một cách tổng quan, ngành DL TP Đà Nẵng những năm gần đây đang có dấu hiệu lạc quan, cả về lượng khách lẫn thu nhập xã hội. Thống kê của Sở VH-TT&DL đưa ra tại Hội thảo “nhân lực DL - thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội DL Đà Nẵng tổ chức mới đây cho thấy, lượng khách DL đều tăng lên mỗi năm. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực DL cũng có nhiều khởi sắc. Đến nay, TP có 355 khách sạn (11.447 phòng), trong đó đạt từ 3-5 sao có 54 KS (5.323 phòng). Dự đoán đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ đạt 4 triệu lượt khách, thu nhập từ DL đạt hơn 8.500 tỷ đồng và năm 2020 đạt khoảng 8 triệu lượt khách, tổng thu nhập đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy tốc độ đầu tư và phát triển kinh tế DL có tín hiệu tốt, tuy nhiên vẫn còn tồn tại thực trạng đáng lo, đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo chuyên môn cũng như sản phẩm DL...

Giải bài toán khó cho du lịch - 1

Các trường học và đơn vị kinh doanh du lịch ký kết hợp tác chiến lược

Thạc sĩ Đặng Phúc Sinh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt-Úc viện dẫn: Tính đến cuối năm 2012, số lượng phòng lưu trú của các dự án (DA) DL khoảng gần 9.900 phòng và dự báo đến năm 2015 và 2020 lần lượt sẽ là 17.100 phòng và 23.000 phòng. Ứng với đó, phải cần đến 1,4 người/phòng đối với khách sạn chuẩn 3 sao và 1,7-2,5 người/phòng lưu trú đối với khách sạn, khu nghỉ mát chuẩn 4-5 sao. Như vậy, lực lượng lao động trong ngành cần thiết là 15.903 người cho năm 2012, năm 2015 là 33.920 và 47.230 người cho năm 2020. Hiện tại, các DA DL đang thiếu khoảng 10.000 lao động và đến năm 2015, ngành DL cần thêm 20.000 lao động, nhưng thực tế số lượng đào tạo hằng năm chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu. Đà Nẵng hiện có 12 đơn vị trường trung cấp, CĐ và các khoa của trường ĐH tham gia đào tạo nhân lực cho DL, nhưng mỗi năm chỉ đào tạo được hơn 3.000 lao động...

Không chỉ thiếu hụt số lượng mà chất lượng, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về DL cũng rất thấp, hiện chỉ mới chiếm 40,6% số lao động toàn ngành. Đơn cử, đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) DL hiện có 560 người thì lượng hướng dẫn viên được học đúng chuyên ngành chỉ chiếm 5%. Trong khi đó, số lao động đang phục vụ cho ngành DL hiện chỉ có 38% có trình độ ngoại ngữ.

Thêm một thực trạng đáng lo ngại của ngành DL Đà Nẵng là sản phẩm DL đang rất thiếu. Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội DL Đà Nẵng thẳng thắn: Quan trọng nhất lúc này là những người làm DL phải biết du khách đến Đà Nẵng muốn gì để đáp ứng. Du khách cần chính là sản phẩm DL, là các mặt hàng lưu niệm, là tham quan các điểm vui chơi giải trí.

Giải bài toán khó cho du lịch - 2

Du khách đến Đà Nẵng qua đường biển

Vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Ths. Đặng Phúc Sinh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguồn nhân lực DL thiếu hụt xuất phát từ thói quen chọn nghề của học viên ngành DL. Hầu hết SV ra trường đều muốn làm HDV, lễ tân, trong khi nhu cầu cần các vị trí này chỉ chiếm 7-10% và yêu cầu phải có bằng ĐH, còn nhân lực phục vụ cho các bộ phận buồng phòng, đầu bếp, phục vụ bàn cần đến 70% và không đòi hỏi bằng ĐH lại ít người lựa chọn.

Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng: Những người đứng đầu ngành DL hãy nên xách cặp đi cơ sở, đến các tỉnh, thành phố, các quốc gia ở khu vực xem các doanh nghiệp (DN) họ có nhu cầu thế nào về nguồn nhân lực để có những dự báo trước trong đào tạo. Riêng sản phẩm DL, Hiệp hội DL phải bàn bạc kỹ để xây dựng những tour, tuyến, các dịch vụ giải trí hiệu quả.

Cùng ý kiến, TS Trương Sĩ Quý (khoa DL Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng phân tích: Cứ nhìn quan hệ giữa DN DL và người học cho thấy rõ, người làm DL hoàn toàn khác các ngành khác, bởi làm DL không chỉ có kỹ năng tay nghề mà phải có khả năng giao tiếp tốt. Mà khả năng giao tiếp với khách chỉ hình thành trong thực tế phục vụ. Và các chức danh trong DN DL đều cần phải được thăng tiến từ cấp thấp. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng tốt hơn nữa quan hệ giữa nhà trường và DN. Đưa giảng viên đến làm việc thực tế trong các DN DL; mời các nhà thực tiễn tham gia giảng dạy tại nhà trường và khuyến khích SV làm việc bán thời gian nhận thù lao tại các DN DL.

TS Võ Thanh Hải - Hiệu phó Trường ĐH Duy Tân cho rằng, để không lãng phí nguồn nhân lực, mối quan hệ giữa DN và nhà trường phải được cải thiện, mà cụ thể là các đơn vị DL nên ký kết hợp tác với các trường đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực.

Giải pháp trong thời gian tới, theo ông Huỳnh Tấn Vinh, bên cạnh việc quy hoạch ngay mạng lưới đào tạo để liên kết các trường cung cấp nhân lực DL còn phải khuyến khích các tổ chức quốc tế thành lập trường đào tạo DL tại miền Trung. “Điều cần thiết nhất lúc này là chúng ta phải xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, vì nếu không có chất lượng, khách DL đến Đà Nẵng sẽ không quay lại” - ông Vinh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Hạnh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN