Thời trang đang ăn mòn trái đất!

Ngành công nghiệp thời trang phát triển tỉ lệ nghịch với màu xanh của địa cầu!

Không thể phủ nhận ngành thời trang, may mặc ngày một phát triển đem tới cho nhân loại nhiều ích lợi, niềm vui, cảm hứng sáng tạo… Tuy nhiên không có gì là hoàn mỹ, nó cũng gây ra hàng loạt những mối nguy hại cho chúng ta. Để hiểu rõ hơn điều này, với chuyên đề: Thời trang: Mối nguy hiểm đe dọa loài người? sẽ cho bạn cái nhìn toàn cảnh về mặt trái của ngành công nghiệp đầy hấp dẫn này.

Túi tiền và môi trường sống đều "thủng"

Là một trong những ngành công nghiệp lớn mạnh nhất thế giới, hàng năm, đi đôi với sức tiêu thụ như vũ bão của người tiêu dùng, ngành công nghiệp thời trang cũng theo đó có doanh thu khổng lồ. Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2010, giá trị của ngành công nghiệp thời trang đã lên tới 2.560 nghìn đô la và năm 2014 con số này sẽ còn hứa hẹn tăng tiến đáng kể bất chấp tình hình kinh tế của thế giới vẫn chưa hết ảm đạm.

Hàng năm, theo vòng xoáy của xu hướng, từ các dòng thời trang xa xỉ cho tới nhãn hàng bình dân đều tung ra vô số các sản phẩm hợp thời. Tuổi đời của một xu hướng cũng từ từ được rút ngắn dần. Chuyện các item đang rất mốt mùa này nhưng chỉ 1 năm sau đã hết được ưu ái là rất bình thường. Điều này khá gấp gáp và khác biệt so với trước đây, khi những chiếc quần palazzo ống rộng từng làm chị em mê đắm suốt gần chục năm trời thì bây giờ loại áo độn vai đầy nam tính chỉ sống sót trong 2 mùa rồi bị xếp gọn lại trong góc tủ. Sự xuất hiện các xu hướng mới với cường độ nhanh, liên tiếp, “đẻ” ra nhiều trào lưu ăn mặc trong cùng một thời điểm khiến các nhà sản xuất hả hê kiếm chác còn các tín đồ thời trang thì méo mặt khi móc tới xu cuối cùng trong ví để trả tiền cho một chiếc túi D&G mang phong vị sicilia ren thêu nổi sành điệu. Những sự dằn vặt, đau khổ của các fashionista sau mỗi vụ thu hoạch cuồng nhiệt tại trung tâm mua sắm không khiến họ dè dặt hơn trước sự gọi mời của các xu hướng mốt mới hấp dẫn mà thậm chí, nó còn thắp thêm lửa với suy nghĩ:“Bần tiện với bản thân cũng là một cái tội!”.

Bên cạnh đó, nhiều người mặc định phụ nữ có vẻ là những người sẵn sàng chi bộn cho thời trang còn đàn ông thì không? Điều này chưa hẳn đã đúng khi theo dự kiến, doanh thu của thời trang nam giới của năm tới sẽ đạt con số 406 nghìn tỉ đô la, bằng 2/3 so với thời trang nữ là 621 nghìn tỉ đô, đều là những minh chứng hùng hồn cho khả năng chi tiền hào phóng cho nhu cầu ăn diện của con người.

Thời trang đang ăn mòn trái đất! - 1

Sức tiêu thụ các sản phẩm ngày càng tăng (ảnh minh họa)

Theo một lẽ hiển nhiên, sức mua càng mạnh thì lượng hàng hóa sản xuất ra cũng phải đi theo chiều hướng tỉ lệ thuận. Cùng với số trang phục khổng lồ được sản xuất thì lượng hóa chất độc hại, rác thải gây ô nhiễm môi trường cũng là một vấn đề nan giải do ngành công nghiệp này gây ra cho trái đất. Tại Trung Quốc, thuốc nhuộm vải của hơn 6000 nhà máy dệt bị quy cho là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Ngoài ra, khí thải do các xưởng, nhà máy này tỏa ra chiếm 8.2 % trong toàn lượng khói bụi tại nước này.

Trung Quốc cũng phải đối phó với hậu quả do việc tăng trưởng các ngành công nghiệp quá vội vã, trong đó có ngành may mặc, khi 80% nguồn nước ngầm tại nước này bị nhiễm hóa chất độc hại, số người ung thư tăng thêm 80% trong 3 thập niên qua. Thậm chí vào thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008, Trung Quốc đã phải cho đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất thời trang để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong suốt thời điểm sự kiện này diễn ra. 49 nhãn hiệu thời trang lớn nhất thế giới đã bị chính phủ nước này đòi hỏi phải chịu trách nhiệm về vấn nạn nhiễm độc nguồn nước, trong đó có các hãng Armani, Calvin Klein, Marks and Spencer, Zara….So với doanh thu 200 tỉ đô từ việc xuất khẩu sản phẩm dệt cho các công xưởng may nước ngoài (số liệu năm 2010) thì cái giá người Trung Quốc phải trả vẫn là quá đắt.

Thời trang đang ăn mòn trái đất! - 2

Hóa phẩm nhuộm làm nguồn nước nhiễm độc

Thời trang đang ăn mòn trái đất! - 3

Liệu thời trang có thể chung sống hòa bình cùng trái đất?

Ngoài ra, các vật liệu rẻ tiền chứa polyester, elastane, lycra, nylon… là những thứ được sử dụng nhiều nhất trong ngành công nghiệp sản xuất đồ may mặc. Và trên thực tế, chúng đều là vật liệu khó phân hủy, có khả năng làm ô nhiễm nguồn đất cao, ví dụ như nilon cần tới 30-40 năm để phân hủy.

Cotton – loại vải sử dụng rộng rãi và phổ biến trong ngành thời trang, được sản xuất từ sợi bông cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng nghiêm trọng trong ngành nông nghiệp. Lí do là vì người nông dân tại một số nước đang phát triển đã bỏ hẳn việc trồng lúa, hoa màu để sang trồng cây bông nhằm thu được lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, chất hóa học làm rụng lá mà người nông dân sử dụng để thu hoạch bông cũng là tác nhân độc hại tới nguồn đất và sức khỏe của dân sinh sống quanh khu vực canh tác. Kinh khủng hơn, việc trồng bông để làm vải cotton đã sử dụng 22.5 % số lượng thuốc trừ sâu trong tổng lượng thuốc trừ sâu tiêu thụ trên toàn cầu. Để có đủ lượng vải cotton cho 1 chiếc áo T-shirt cỡ trung phải tiêu tốn tới gần 10.000 lít nước ngọt để tưới cây bông. Hóa chất nhuộm vải cũng gây tồn đọng độc tố trong hệ sinh thái, tạo ảnh hưởng khó lường về sau cho môi trường sống của con người.

Lượng hàng khổng lồ của các hãng thời trang giá rẻ đẩy trái đất ngập ngụa trong một đống rác thải quần áo. Các đợt sale “khủng” đều đặn diễn ra khiến tủ quần áo của các tín đồ không thể tiếp tục phình lên mãi, mỗi mùa thời trang qua đi lại có thêm nhiều trang phục lỗi mốt bị “tống cổ” ra bãi rác. Tại Anh, chỉ tính riêng năm 2005, DEFRA thống kê được có tới 1.2 triệu tấn rác thải là quần, áo, váy…

Các hãng bình dân còn bị cáo buộc là gây nên sự lãng phí lớn khi phá hỏng nhiều trang phục nhằm tránh để hàng lỗi mốt trôi nổi trên thị trường. Thời báo New York đã đưa tin phát hiện thấy nhiều quần áo mới tinh, còn nguyên tag của hãng H&M trong tình trạng bị rạch nát bằng dao, gói trong nhiều túi đựng rác và vứt trước cửa hàng của hãng tại Manhattan. Trong khi đó quần áo lỗi mốt của Wallmart thì bị đem chôn trong những chiếc hố lớn. Điều đáng buồn là trong khi những hãng bình dân tỏ ra hoang phí khi phá nát quần áo thì nhiều người trên thế giới còn không có cái mặc, phải chịu rét mướt trong mùa đông. Điều này đã gây nhiều phản ứng bất bình trong cộng đồng phương Tây. Bên cạnh đó, các hãng thời trang giá rẻ để giảm thiểu chi phí sản xuất cũng “ngó lơ” những vấn đề về xử lý rác thải, khí độc… khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng có nhiều diễn biến xấu.

Ngoài những hãng thời trang bình dân, các đại gia hàng hiệu xa xỉ cũng bị tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường Green Peace đưa lên bàn cân để cảnh báo. Theo Green Peace, chỉ có duy nhất một hãng được tuyên dương vì đã không đánh đổi sự an nguy của trái đất với các sản phẩm đắt tiền của mình, đó là Valentino, còn một loạt những cái tên như Dior, Gucci, Louis Vuitton, Ermenegildo Zegna, Versace, Salvatore Ferragamo ở mức “tạm chấp nhận được” khi tuân thủ sử dụng hóa chất nhuộm vải an toàn, không thải độc tố, không chặt phá rừng... Một loạt ông lớn đình đám như Alberta Ferretti, Chanel, Dolce & Gabbana,Hermes, Prada và Trussardi bị xếp vào danh sách đen, đầu bảng là Roberto Cavalli. Những hãng này bị quy là góp phần gia tăng nguy cơ “biến trái đất thành hành tinh chết” khi sử dụng quá nhiều da, lông thú, chặt phá rừng, thải độc tố toxin ra môi trường…

Thời trang đang ăn mòn trái đất! - 4

Tổ chức phi chính phủ kêu gọi các hãng thời trang nên bảo vệ môi trường thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận

Lối đi nào cho thời trang

Khái niệm thời trang Eco thân thiện với môi trường sẽ là sự cứu cánh đáng kể cho các hãng thời trang. Thời trang Eco là việc tuân thủ sử dụng các nguyên vật liệu thiên nhiên được nuôi trồng không chất hóa học, ví dụ như cotton sản xuất từ cây bông không phun thuốc trừ sâu, lụa được làm từ tằm ăn lá dâu sạch. Ngoài ra việc nhuộm màu bằng thuốc nhuộm chiết xuất từ cây, lá… cũng cho màu sắc đẹp, an toàn với sức khỏe mà không gây độc hại cho môi trường.

Bên cạnh đó, ý thức của người tiêu dùng cũng cần được nâng cao khi hạn chế việc vứt bỏ quần áo khi vẫn còn sử dụng được. Bạn sẽ có nhiều cách để tái sử dụng chúng như làm đồ handmade, hoặc đem bán tại các chợ đồ cũ, đem quyên góp cho các tổ chức từ thiện…

Trên thực tế, mỗi người chỉ cần lưu tâm tới thói quen mua sắm, sử dụng trang phục của mình cùng với việc các hãng thời trang có trách nhiệm hơn với môi trường là đã góp phần tích cực trong việc cải thiện và bảo vệ mẹ trái đất.

Thời trang đang ăn mòn trái đất! - 5

Một mẫu túi vải thô thân thiện với môi trường

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN